Cà phê Phân hữu cơ tự nhiên và kỹ thuật bón phân cho cây cà phê

Phân hữu cơ tự nhiên và kỹ thuật bón phân cho cây cà phê

Tác giả Mai Hưng, ngày đăng 02/03/2018

Phân hữu cơ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thâm canh cây cà phê.

Phân hữu cơ không những cung cấp chất dinh dưỡng mà còn có khả năng làm tăng hiệu lực của phân hóa học và cải tạo đất, có những đặc tính mà phân hóa học không thể có được, khi bón vào đất ngoài tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, phân hữu cơ còn cải tạo được lý hóa tính và cải thiện được hệ vi sinh vật có ích trong đất. Ngoài ra, phân hữu cơ làm đất tơi xốp dễ cày bừa, kết cấu đất bền vững hơn, tăng tính thấm nước, giữ nước, bớt chảy tràn khi mưa và do vậy giảm được xói mòn đất. Tác động quan trọng nữa của chất hữu cơ là tăng tỷ lệ keo đất, tăng khả năng hấp phụ do đó nâng cao khả năng giữ nước, giữ màu.

Các loại phân hữu cơ được sử dụng cho cà phê   

- Phân chuồng: là loại phân lý tưởng nhất cho cà phê và đặc biệt rất cần thiết khi trồng mới. Ngoài các chất căn bản như NPK, trong phân chuồng còn có những chất vi lượng như Bo, Cu, Mn ....các chất kích thích sinh trưởng. 

Phân chuồng được ủ thường có hàm lượng các chất dinh dưỡng dễ tiêu trong phân cao hơn các loại phân súc vật không được ủ hay ủ không được che đậy. Ủ phân còn có lợi là nhiệt độ nóng trong đống phân sẽ diệt chết nhiều loại hạt cỏ và ngăn ngừa một số mầm bệnh truyền nhiễm có trong phân.      

- Phân xanh và các tàn dư thực vật trên lô: Cà phê là loại cây công nghiệp lâu năm, những năm đầu cây chưa giao tán thì việc trồng xen các loại cây phân xanh che phủ, bảo vệ, cải tạo đất, cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho đất có ý nghĩa rất lớn. Cây phân xanh nâng cao được độ phì đất nhờ những tác dụng quý sau: (1) Bảo vệ đất chống lại sức nóng do mặt trời gây ra, từ đó làm tăng hoạt động vi sinh vật trong đất. (2) Chống lại sự xói mòn theo bề mặt và rửa trôi theo chiều sâu. (3) Cung cấp cho đất một khối lượng chất xanh lớn mà lượng chất xanh này sẽ phân hủy dần dần để cung cấp dinh dưỡng cho cây cà phê sử dụng. (4) Cải thiện các đặc tính vật lý của đất nhờ bộ rễ của cây phân xanh.         

- Phân than bùn: Đa số các loại than bùn dùng làm phân bón ngay thì hiệu quả không cao vì chất dinh dưỡng đạm ở dạng hữu cơ, chưa sử dụng ngay được, hàm lượng lân, kali dễ tiêu thấp, và than bùn có phản ứng chua, ngoài ra trong than bùn có chứa 1 hợp chất bitum khó phân giải, chứa một số các chất có thể gây độc như H2S, CH4, Fe, Al,  làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Do vậy than bùn cần được chế biến đúng cách để biến các chất khó tiêu thành dễ tiêu, khử các chất độc để biến than bùn thành loại phân hữu cơ tốt cho cây trồng.

- Phế phẩm nông nghiệp: Các phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, vỏ ca cao… có hàm lượng chất dinh dưỡng khá cao, có thể dùng làm phân bón rất tốt. Tuy vậy do hàm lượng C/N cao nên nếu để tự nhiên sẽ lâu hoai mục. Ngoài ra nếu đem bón trực tiếp cho cây trồng trong quá trình phân hủy sẽ có sự hoạt động mạnh mẽ của vi sinh vật, cạnh tranh tạm thời dinh dưỡng với cây trồng. Vì vậy các phế phẩm nông nghiệp cần được ủ chung với phân chuồng và các loại phân xanh làm men. Trong quá trình ủ, có thể thêm vào chừng 2 - 3 % super lân, và 3% vôi.

Bảng khuyến cáo sử dụng phân hữu cơ dựa vào hàm lượng hữu cơ trong đất

Hàm lượng hữu cơ trong đất (%) Lượng phân chuồng *
(tấn/ha)
Chu kỳ bón (năm/lần)
< 2,5
2,5 - 3,5
> 3,5
15 - 20
15 - 20
15 - 20
1 - 2
2 - 3
3 - 4
*: Hoặc tương đương (khoảng 4 - 5 tấn phân xanh tương đương 1 tấn phân chuồng). Hoặc 5 kg phân chuồng tương đương với 1 kg phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh.

Cách bón:

- Cà phê trồng mới được bón lót phân hữu cơ với liều lượng 10-15 kg phân chuồng hoai/hố. Lượng phân chuồng này được trộn chung với 0,5 kg lân nung chảy và lớp đất mặt rồi lấp vào hố ở phần trồng mới.

- Trong những năm kiến thiết cơ bản và kinh doanh thì cứ 2 – 3 năm bón lại một lần với liều lượng 20 – 30 m³/ha. Để tránh áp lực về nhu cầu phân bón hữu cơ, có thể bón phân hữu cơ hàng năm, mỗi năm bón 10 m³/ ha, Bón vào đầu hay giữa mùa mưa, rãnh được đào dọc theo thành bồn rộng 20 cm, sâu 25-30 cm

- Đối với cà phê chưa giao tán, đào rãnh theo hình chiếu của tán cà phê sâu 20 – 25 cm, rộng 25 – 30 cm.

- Đối với cà phê kinh doanh đã giao tán thì có thể đào rãnh giữa 2 hàng cà phê. Nếu năm nay đào theo chiều ngang thì sang năm đào theo chiều dọc. Nếu lượng phân hữu cơ không nhiều thì đào 1 hàng bỏ 1 hàng, lần bón sau đào tiếp hàng còn lại. Kích cỡ rãnh đào cũng tương tự như đã trình bày trên.


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-tu-mo-hinh-ghep-cai-tao-ca-phe Hiệu quả từ mô hình… tuoi-tiet-kiem-cho-ca-phe Tưới tiết kiệm cho cà…