Tin thủy sản Phấn khởi vào vụ tôm càng xanh – lúa tại Cà Mau

Phấn khởi vào vụ tôm càng xanh – lúa tại Cà Mau

Tác giả Hoàng Diệu, ngày đăng 06/07/2021

Với những cơn mưa đầu mùa đã làm độ mặn trong vuông nuôi một vụ tôm, một vụ lúa đang giảm dần, có những nơi đã xuống 12 – 15‰. Tín hiệu này giúp người dân phấn khởi, bắt đầu thả nuôi vụ mới.

Ông Việt được anh Thắng hướng dẫn kỹ thuật thả tôm càng xanh toàn đực bằng cách thuần lại trong suồng 2 giờ rồi thả xuống vuông nuôi

Khẩn trương thả giống

Anh Lương Hồng Thắm Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 3, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, thành viên Ban Quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp – Thủy sản trao đổi qua điện thoại: “Đợi nắng lên một chút nữa để ôxy trong nước cao, môi trường nước ổn định thì mình thả tôm ra nó sẽ khỏe, đạt tỷ lệ sống cao hơn. Ráng đợi khoảng 7h hãy thả nghe anh Việt ơi”. Tắt điện thoại tiếp lời, anh Thắm cho biết, thời điểm này năm 2020 độ mặn trong vuông còn cao lắm, trên 25‰, con giống thì đặt hàng sẽ có nhưng không thể thả được. Đến tháng 6 mới thả thì lại không có giống nên nông dân thả tôm hơi trễ mùa vụ, đến thu hoạch tôm đạt kích cỡ lớn ít, giá bán không cao.

Theo anh Thắm: “Năm nay độ mặn trong vuông không cao, cao nhất vào đầu mùa mưa cũng chỉ 28‰ nên nhờ mấy cơn mưa vừa qua độ mặn trong vuông tôm của anh em đã giảm xuống nhiều. Những hộ dân mê con tôm càng xanh, đang tích cực cải tạo ao gièo để thả nuôi vụ mới. Vì đa số nông dân biết được khi thả nuôi đủ thời gian, tôm sẽ đạt kích cỡ lớn, bán được giá, lợi nhuận cao. Nên hiện nay người dân trong ấp đang khẩn trương cải tạo mặn tích cực hơn”.

Không nông dân nào trong ấp 3, xã Trí Phải khẩn trương như ông Nguyễn Văn Việt, bởi vụ tôm càng xanh toàn đực trúng đậm, mùa vừa qua ông thu hoạch trên 650 kg tôm, lợi nhuận gần 50 triệu đồng. Khi điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay thì ông lại càng khẩn trương hơn. Ông Nguyễn Văn Việt hồ hởi nói: “Nghe anh Thắm điện ngày mai có tôm tôi mừng lắm. Đến sáng anh Thắm điện ra nhận đủ số tôm đã đặt hàng và được anh hướng dẫn cách thuần lại và thả, nên khi thả tôm êm lắm. Chắc vụ này sẽ trúng như vụ mùa năm qua”.

Theo ông Việt, thắng lợi vụ trước là do ông dùng sáng cuốc be bờ vuông cao, kênh sâu, nên mùa mưa năm 2020 không ngập, tôm không thất thoát, đảm bảo môi trường nước cho tôm phát triển tốt nhất. Nhờ đó, không những thành công trên đối tượng tôm càng xanh, mà cả cây lúa, vụ tôm sú vẫn cho thu lợi nhuận cao. Anh Nguyễn Minh Thắng, ấp 10, xã Thới Bình, huyện Thới Bình cho biết: “Do chủ động ao gièo, độ mặn còn dưới 10‰, nên đến thời điểm này tôi đã thả tôm giống được 19 ngày với 65.000 con trên diện tích 3 ha, hiện tại tôm phát triển tốt. Với thời gian nuôi dài hơn năm rồi, thì hứa hẹn vụ nuôi này sẽ hiệu quả cao, hoặc chí ít cũng bằng năm rồi trở lên. Anh em trong ấp cũng đang tất bật cải tạo và đặt hàng tôm giống thả nhiều”.

Hướng đến vụ nuôi thành công

Để vụ tôm càng xanh được hiệu quả hơn, ngành nông nghiệp huyện Thới Bình, các HTX, THT của các xã trong huyện cũng đang lên danh sách hội viên, nông dân có nhu cầu thả tôm càng xanh toàn đực, để đặt mua cung cấp cho nông dân. Theo đó, muốn thành công phải có sự quản lý từ khâu đầu vào đến đầu ra cho mô hình này.

Anh Thắm chia sẻ thêm: “Khi nhận đặt cọc tôm giống của anh em trong và ngoài HTX, ban quản trị đến xem môi trường ao gièo tôm đã đảm bảo đủ điều kiện mới đặt mua. Khi thả tôm cũng đến giám sát thả, khi bán cũng đến xem thu hoạch, ghi rõ số liệu tỷ lệ đạt đầu con, tỷ lệ toàn đực có đạt yêu cầu hay không”.

Theo kế hoạch sản xuất vụ tôm càng xanh kết hợp trồng lúa của phòng nông nghiệp huyện Thới Bình, thì diện tích mô hình này dự kiến đạt 13.000 ha trở lên trên phần diện tích lúa tôm hàng năm của huyện.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình cho biết: “Ngay từ đầu năm, đơn vị đã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, thú y thủy sản trên địa bàn: rà soát xem người dân có nhu cầu thả nuôi sớm, thì chỉ đạo người dân cải tạo ao gièo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo đủ điều kiện mới cho thả giống, đảm bảo đúng lịch thời vụ, giúp mang lại tỷ lệ thành công cao nhất cho người dân”.

Cà Mau có khoảng 300.000 ha đất NTTS; trong đó, diện tích lúa – tôm hơn 36.300 ha, được xem là mô hình sản xuất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mà đến cuối năm 2020, Cà Mau xây dựng thành công một số vùng chuyên canh lúa, gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, với tổng diện tích hơn 15.000 ha, chiếm khoảng 19% tổng diện tích canh tác lúa toàn tỉnh. Cà Mau phấn đấu đến cuối năm 2025, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa – tôm đạt từ 30 – 50% trong tổng diện tích lúa – tôm toàn tỉnh. Cùng đó, mô hình liên kết phát triển sản xuất giữa nhà nông với với doanh nghiệp ở vùng lúa – tôm đạt khoảng 5.000 ha.


Có thể bạn quan tâm

thuan-hoa-ca-koi-tren-song-hong Thuần hóa cá Koi trên… khac-phuc-hien-tuong-mat-mau-nuoc Khắc phục hiện tượng mất…