Mô hình kinh tế Phấn khởi với cây điều

Phấn khởi với cây điều

Ngày đăng 19/05/2015

Niềm vui được giá

Vụ thu hoạch 2015 vừa chớm kết thúc, người trồng điều ở tỉnh Bình Phước hồ hởi bởi lợi nhuận cao hơn hẳn những năm trước. Theo ghi nhận, vào thời điểm trung tuần tháng 5, giá điều thu mua tại vườn từ 26.000 - 27.000 đồng/kg, riêng tại các đại lý khoảng 28.000 đồng/kg. Đây là mức giá điều tươi cao nhất trong ba năm trở lại đây.

Ông Trần Văn Thới ở phường Long Phước (thị xã Phước Long) canh tác 1,5ha điều đã được gần 10 năm. Vụ thu hoạch này, gia đình ông ước thu được hơn 3 tấn hạt điều. “Năm nay ngoài bón phân hữu cơ, ngay từ lúc điều ra hoa tôi thường xuyên tưới nước nên vườn điều rất sai trái, hạt mẩy. Trừ các chi phí, tôi cũng có được hơn 60 triệu đồng trong vụ thu hoạch này” - ông Thới cười tiết lộ.

Trong vụ điều năm nay tại tỉnh Bình Phước, có hơi lạ là tuy cùng trong tỉnh lại có khu vực mất mùa như huyện Đồng Phú, nhưng cũng có những khu vực bội thu như ở huyện Bù Gia Mập, Bù Đốp. Chúng tôi đến vườn điều của nông dân xã Tân Phước (huyện Đồng Phú) khi đang vào mùa thu hoạch.

Theo quan sát, nhiều vườn cây có hiện tượng rụng hết hoa, không thấy trái nào. Cây điều tuy không cần nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, và chỉ bón phân mỗi năm 1 - 2 lần là có thể thu hoạch tốt nhưng cũng chính vì tâm lý đó, thời điểm cuối năm 2014, khi khí hậu có sự biến đổi bất ngờ, mùa lạnh kéo dài, xuất hiện thêm hiện tượng sương muối tại một số vùng trong tỉnh, thì người trồng không biết đối phó ra sao để ngăn ngừa được hiện tượng rụng hoa, rụng trái non do thời tiết.

Theo nông dân trồng điều ở Bình Phước, trung bình 1ha điều cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí (như thuốc bảo vệ thực vật, nhân công). Tuy một số nơi mất mùa, song nhờ giá cao nên người trồng cũng có lời chút ít. Đáng chú ý, thời gian qua giá cao su, cà phê và một số mặt hàng nông sản khác giảm sút nhiều, trong khi nhân điều lại giá cao nên đã giúp giải quyết việc làm và tạo thu nhập nhất định cho hàng trăm lao động trong tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Chín, chủ vườn điều rộng 5ha ở xã Đăk Ơ (huyện Bù Gia Mập) cho hay, giá tiền công lượm điều tính khoán 2.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày 1 người có thể lượm 80 - 90kg, thu nhập 180.000 - 190.000 đồng/ngày. Riêng giá thuê công nhật khoảng 150.000 - 160.000 đồng/người/ngày. Còn ông Tạ Hồng Quảng, Chánh Văn phòng UBND huyện Bù Gia Mập, khẳng định: “So với các loại cây trồng trên địa bàn huyện thì cây điều cho thu nhập ổn định, mặc dù không đột biến như hồ tiêu. Đặc biệt, cây điều là cây xóa đói giảm nghèo đối với phần đông bà con dân tộc thiểu số ở địa phương, lãnh đạo huyện vẫn khuyến khích nông dân giữ diện tích điều như hiện nay”.

Đồng hành với cây điều

Trước đây, vào thời điểm tỉnh Sông Bé được chia tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, đa số người dân đều khó khăn, trong khi đó cây điều dễ trồng, dễ thu hoạch, thời gian thu hồi vốn nhanh, đặc biệt là chi phí bỏ ra ban đầu thấp nên được nông dân ưa chuộng. Chính vì vậy, nhiều người dân đổ xô khai hoang, lập đồn điền trồng cây nên diện tích được mở rộng rất nhanh ở Bình Phước. Hầu như cây điều được trồng phổ biến ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh và hiện chiếm gần 50% diện tích điều cả nước, chiếm hơn 40% sản lượng điều thô của toàn quốc.

Tại Bình Phước, cây điều chỉ đứng thứ 2 về diện tích đất trồng sau cây cao su; trở thành nơi cung cấp điều lớn nhất nước ta, kể cả trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, điều đáng buồn cho loại cây trồng “đặc sản” này ở Bình Phước là việc thu mua hạt điều trên địa bàn tỉnh chủ yếu qua các thương lái, mạnh ai nấy mua, nông dân thu hoạch xong bán ngay cho thương lái, với lý do thuận tiện, không mất công bảo quản, cất giữ nhưng lại rất dễ bị thương lái ép giá. Thêm nữa, nông dân làm ra hạt điều chưa liên kết được với các nhà máy chế biến, chưa liên kết giữa các khâu sản xuất - thu mua và chế biến nên quyền lợi bị ảnh hưởng rất lớn.

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, các cơ quan hữu quan của tỉnh đã có những giải pháp trước mắt và lâu dài để người trồng điều yên tâm sản xuất, ngành chế biến điều vượt qua những khó khăn đang gặp phải. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất - khuyến nông để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, phổ biến cơ chế chính sách, hoạch định của Nhà nước về sản xuất nông nghiệp, thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường giá cả nông nghiệp cho nông dân.

Đối với diện tích điều trồng giống cũ, năng suất thấp, bà con sẽ được hướng dẫn cải tạo hoặc trồng mới bằng những giống điều có năng suất cao. Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng các câu lạc bộ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả để nông dân học tập, làm theo. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân và các cơ sở chế biến hạt điều vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các nguồn vốn để trồng mới, canh tác, chăm sóc cây điều.

Theo Hội điều Bình Phước, toàn tỉnh hiện có trên 210 doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều. Sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu sản xuất, chế biến, còn lại phải nhập nguyên liệu về chế biến. Mặc dù giá hạt điều thô nhập từ các nước châu Phi, Ấn Độ thấp hơn so với giá trong nước nhưng các doanh nghiệp nội địa vẫn chuộng hạt điều trong nước, nhất là điều Bình Phước vì chất lượng vượt trội và sản phẩm làm ra dễ bán.


Có thể bạn quan tâm

giau-tu-cay-lua Giàu từ cây lúa 30-tan-thanh-long-can-do-dau 30 tấn thanh long cần…