Phân NPK Ninh Bình và giống ngô lai CP3Q thích hợp với vùng đất Gia Hưng
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Mô hình được thực hiện với loại phân bón NPK Ninh Bình 8.10.3.8 bón lót và NPK 12.2.10+TE bón thúc trên cây ngô vụ hè thu năm 2016, diện tích 1 ha giống ngô lai CP3Q (Công ty TNHH hạt giống CP.VN sản xuất).
Đây là giống ngô lai kép có thời gian sinh trưởng từ 95-100 ngày, chịu hạn, chống đổ, kháng sâu bệnh tốt, bắp nhiều hạt, màu sắc hạt khi chín có màu vàng sáng, năng suất thâm canh có thể đạt 67- 69 tạ/ha, đang được trồng đại trà trong vụ hè thu tại nhiều địa phương trên cả nước.
Ông Đinh Xuân Vũ, xã viên ở HTX Hoa Tiên – người tham gia thực hiện mô hình cho biết: Ngô được trồng theo hình thức tra trực tiếp hạt đã ngâm xuống rãnh, cho tỷ lệ nảy mầm đạt 95%.
Do cây ngô trồng trước khi nhận phân bón cho nên nông dân không tổ chức bón lót được, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn sử dụng 25 kg NPK 8.10.3.8 cho 1 sào và bón cho cây khi được 2 lá thật. Giải pháp kỹ thuật là xẻ rãnh 2 bên gốc ngô rồi rắc đều phân NPK xuống, sau đó vun đất lấp kín phân...
Được biết, HTX Hoa Tiên có 32 hộ tham gia thực hiện mô hình và luôn được sự phối hợp hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật Công ty cổ Phần phân lân Ninh Bình.
Để đảm bảo kết quả trung thực, phương pháp thực nghiệm đã tiến hành lựa chọn 5 điểm ngẫu nhiên tại ruộng trình diễn và ruộng đối chứng để theo dõi quan sát, ghi chép, thống kê các chỉ tiêu trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ngô, từ đó đưa ra nhận xét, so sánh sự khác nhau, giống nhau giữa ruộng trình diễn và ruộng đối chứng.
Kết quả cho thấy: Trong cùng một điều kiện đất trồng, giống, canh tác..., ruộng trình diễn sử dụng phân bón NPK Ninh Bình, cây ngô có thân cây cao hơn ruộng đối chứng từ 25- 40 cm; chiều cao đóng bắp cao hơn 15 - 20 cm, cây to đậm hơn; lá ngô có màu xanh đậm, bản lá to và dày...; còn ruộng đối chứng có màu xanh nhạt, bản lá hẹp mỏng cho nên khả năng quang hợp và chống chịu sâu bệnh của ruộng trình diễn tốt hơn ruộng đối chứng.
Ruộng trình diễn trọng lượng bắp đạt 111g, số lượng hạt trên bắp 600 hạt, năng suất ước đạt 255,3 kg/sào; trong khi đó ở ruộng đối chứng cho con số là 88 g, 480 hạt, 195 kg/sào.
Kết quả thực hiện cho thấy, giống ngô CP3Q thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Gia Viễn nói chung và xã Gia Hưng nói riêng và phù hợp với loại phân bón NPK Ninh Bình, đem lại thu nhập cao trên một đơn vị diện tích gieo trồng. Ngô là loại cây lương thực đứng thứ hai sau cây lúa, có giá trị dinh dưỡng cao.
Không những vậy, ngô còn là thức ăn cho chăn nuôi, nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến... Thành công của mô hình là cơ sở để các địa phương lựa chọn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Ông Nguyễn Ngọc Chi, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình cho biết thêm: Phân bón NPK Ninh Bình ngoài phương pháp bón vãi còn có thể sử dụng phương pháp hoà nước tưới phù hợp khi ruộng không chủ động được nước tưới nhưng vẫn cho năng suất cao.
Tuy nhiên, để có năng suất và hiệu quả kinh tế cao đối với cây ngô và các cây trồng khác, nông dân cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã được cán bộ kỹ thuật tập huấn. Công ty đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng các mô hình trình diễn loại phân bón NPK Ninh Bình ở các vụ với nhiều cây trồng khác nhau và trên các chân đất khác nhau để có cơ sở khoa học tuyên truyền, khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân trong tỉnh sử dụng phân bón NPK Ninh Bình nhiều hơn, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ