Mô hình kinh tế Phát triển bền vững nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên hiệu quả từ chia sẻ lợi ích

Phát triển bền vững nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên hiệu quả từ chia sẻ lợi ích

Ngày đăng 25/11/2015

VQG là một vùng gồm nhiều hòn đảo lớn nhỏ, xung quanh các đảo nổi có các bãi ngập mặn, có nhiều hải sản như cua, cáy, ốc, sá sùng, ngao, vạng...

Từ lâu, người dân các xã huyện Vân Đồn đã khai thác nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên trên vùng đất ngập mặn, trước cả khi VQG được thành lập.

Các hoạt động khai thác trước đó không được quản lý chặt chẽ, số người tham gia không hạn chế, khai thác không theo quy định nào về mùa vụ và ngư cụ, đã làm suy giảm nguồn tài nguyên vùng bãi ngập mặn.

Nhiều đối tượng còn lợi dụng khai thác hải sản để ra vào VQG, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, quản lý.

Trước thực trạng này, Ban quản lý VQG BTL đã có biện pháp cấm toàn bộ người dân ra vào khu vực vùng lõi của VQG, nhưng hiệu quả rất hạn chế, vì việc khai thác nguồn lợi hải sản tự nhiên trên các bãi triều của người dân được coi là chính đáng, nếu cấm triệt để, nhiều người còn không biết làm nghề gì để kiếm sống.

Huyện và các xã cũng đã có ý kiến ủng hộ ngư dân làm ăn sinh sống trên bãi triều, ngư trường.

Vì thế, yêu cầu đặt ra là làm sao vừa bảo vệ và phát triển được nguồn hải sản, VQG, vừa đảm bảo đời sống một bộ phận nhân dân quanh khu vực.

Các thành viên nhóm chia sẻ lợi ích đã có thu nhập ổn định hơn. Ban Quản lý VQG BTL đã báo cáo, đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt (tại Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 16-1-2014) cho xây dựng và tổ chức thực hiện “Phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất ngập nước VQG BTL”.

Theo đó, VQG BTL là một trong số các khu rừng đặc dụng được Quỹ Bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam (VCF) áp dụng lựa chọn thí điểm về chính sách chia sẻ lợi ích.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc VQG BTL, cho biết: “Việc chia sẻ lợi ích giữa VQG với cộng đồng dựa theo nguyên tắc đồng quản lý bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng và vùng biển thuộc quyền quản lý của Vườn.

Hoạt động này cũng góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống ở trong vùng lõi và vùng đệm của VQG BTL.

Người dân xác định được công việc khai thác mang tính bền vững của mình, từ đó sẽ giảm thiểu các hoạt động khai thác quá mức nguồn lợi thuỷ sản trên vùng đất cần bảo tồn”. Ban Quản lý cùng Hội đồng quản lý VQG đã tiến hành phân chia thành 5 khu vực đã được đánh giá về trữ lượng và chủng loại tài nguyên, các chỉ tiêu và loài được khai thác, mức đóng góp chia sẻ lợi ích.

Các hộ tham gia phải viết đơn, có xác nhận của chính quyền địa phương và được cấp thẻ hoạt động.

Sau khi được xét duyệt đơn và hình thành bộ máy, Hội đồng quản lý VQG đã bàn giao mặt bằng cho người tham gia thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích, khai thác các loài thuỷ sản đúng đăng ký, đúng chủng loại, kích thước, mùa vụ, khu vực, sử dụng công cụ và biện pháp khai thác không làm ảnh hưởng xấu tới môi trường và các loài sinh vật khác.

Các thành viên trong nhóm chia sẻ lợi ích còn lập ra tổ chức trông coi liên tục tại hiện trường nhằm phát hiện đối tượng lạ vào trong khu vực, ngăn chặn và báo với lực lượng kiểm lâm của VQG. Cho đến nay, việc thực hiện của các hộ dân tham gia chia sẻ lợi ích khá hiệu quả.

Số lượng hải sản được khai thác chủ yếu là ốc đã được Ban giám sát và Hội đồng quản lý theo dõi tại các khu vực theo từng chuyến, từng tháng, từng quý.

Nguồn thu được ghi sổ theo dõi thông qua quỹ tạm gửi Ban quản lý và chia theo tỷ lệ công khai, dân chủ.

Hiện có 47 ngư dân được hưởng chia sẻ lợi ích, thu nhập khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Trần Văn Sinh, một thành viên nhóm chia sẻ lợi ích, cho biết: “Trước đây chúng tôi khai thác nguồn lợi tự nhiên trên bãi triều cứ như kẻ đi ăn trộm, ăn xin, bởi bãi triều đã được giao hết cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản hoặc thuộc quyền quản lý của VQG BTL.

Nay từ phương án chia sẻ lợi ích của VQG BTL, chúng tôi có thu nhập tốt hơn, được tôn trọng hơn, không còn phải nhịn nhục để kiếm sống, dù là chính đáng”. Từ khi phương án được thực hiện đến nay, các thành viên còn phát hiện 3 vụ người lạ xâm nhập trái phép vào khu vực cấm của VQG giúp các kiểm lâm VQG kịp thời ngăn chặn và xử lý.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc VQG BTL, khẳng định: Hoạt động này cùng một lúc đem đến 3 lợi ích.

Thứ nhất, người dân cùng góp phần bảo vệ phần rừng biển mặt ngoài VQG BTL, bảo tồn được nguồn lợi; duy trì được mục tiêu khai thác phát triển bền vững, tài nguyên có khả năng tự tái tạo; sinh kế của một bộ phận ngư dân được đảm bảo.

Thứ hai, Ban Quản lý VQG BTL có thêm kinh phí để hỗ trợ tuần tra bảo vệ rừng, biển.

Thứ ba, những người tham gia chia sẻ lợi ích từ việc có được nguồn thu ổn định đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực bảo vệ môi trường biển.


Có thể bạn quan tâm

dan-van-kheo-nhin-tu-mot-mo-hinh Dân vận khéo nhìn từ… tang-cuong-bao-ve-cac-loai-giong-thuy-san Tăng cường bảo vệ các…