Mô hình kinh tế Phát Triển Ca Cao, Nhìn Từ Một Số Mô Hình Thành Công

Phát Triển Ca Cao, Nhìn Từ Một Số Mô Hình Thành Công

Ngày đăng 03/11/2014

Vài năm gần đây, nông dân Đắk Lắk và một số tỉnh bắt đầu “bén duyên” với ca cao, loại cây trồng được xem như “cú hích” thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Nguồn thu nhập từ ca cao không những giúp nhiều hộ đồng bào cải thiện cuộc sống mà còn giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

“Muốn thành công, phải siêng năng”, đó là câu nói cửa miệng của hầu hết nông dân phát triển thành công cây ca cao, bởi theo lý giải của họ, ca cao khác với các loại cây trồng khác như: càphê, tiêu, điều… là chăm sóc, thu hoạch theo mùa vụ, bà con chỉ ra vườn vào thời điểm làm cỏ, tưới nước, tỉa cành, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, mà không cần phải ra thăm vườn thường xuyên.

Còn cây ca cao thì ngược lại, do đặc điểm thu hoạch trái quanh năm và khá nhạy cảm với sâu bệnh nên buộc người dân phải có mặt trong vườn từng ngày, chí ít thì 2-3 ngày thăm vườn một lần, trước hết là vệ sinh vườn cây, nhanh chóng loại bỏ  trái hư, thối trên cây, đồng thời phát hiện sớm dấu hiệu của các loại bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Để làm tốt những điều này thì việc nông dân trang bị cho mình những kiến thức kỹ thuật cơ bản về chăm sóc vườn cây ở các giai đoạn là không thể thiếu.

Theo chị Hoàng Thị Thu Hiền, ở thôn Tân Hưng, xã Ea Knếc (Krông Pak - Đắk Lắk), trồng ca cao không cần tốn nhiều lao động như càphê, chỉ cần trong nhà có một lao động thường xuyên là có thể quản lý được 1 - 2ha.

Ngoài việc phải am hiểu kỹ thuật, chăm sóc đúng quy trình, nhất là phải tỉa cành, tạo tán để vườn cây thông thoáng, phun thuốc phòng bệnh trước, trong và sau mùa mưa, vệ sinh vườn… thì vấn đề cần thiết nhất ở người trồng ca cao là phải siêng năng, phải ở ngoài vườn liên tục để kiểm tra vườn cây, nắm bắt tình hình, đặc biệt là trong mùa mưa và thời điểm cây ra trái non, phải kiểm soát, hạn chế tối đa trái non bị bệnh thì năng suất mới vượt trội.

Hiện, gia đình chị Hiền có 7,2 sào ca cao trong giai đoạn kinh doanh (tương đương 720 cây), năng suất đạt từ 2 - 2,2kg hạt khô/cây, sản lượng năm 2013 đạt 1,4 tấn hạt khô. Với giá bán 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, chị thu về khoảng 60 triệu đồng.

Vườn cây của chị được các chuyên gia đánh giá cao về năng suất cũng như chất lượng và được nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, dự kiến năm 2014, năng suất đạt 2,5kg/cây.

Cùng suy nghĩ như chị Hiền, anh Hứa Văn Nghiệp, ở thôn 4, xã Ea Sar (Ea Kar - Đắk Lắk) chia sẻ, cây ca cao không dành cho người lười biếng, không thể thành công nếu chỉ trồng xuống rồi bỏ đó đợi đến khi thu hoạch, mà phải siêng năng, chịu khó, phải đầu tư, chăm sóc ngay từ giai đoạn kiến thiết.

Mỗi ngày, bà con phải ra vườn kiểm tra xem bọ xít, sâu hại có gây hại vườn cây không; phun thuốc, tỉa cành, bón phân đúng quy trình, đúng thời điểm, trong mùa mưa phải kiểm tra cây thường xuyên để phát hiện kịp thời bệnh thối trái và thân nhằm xử lý tốt, tránh lây lan ra cả vườn, ảnh hưởng đến năng suất.

Trồng ca cao từ năm 2007, đến nay, gia đình anh Nghiệp đã có 1ha, trong đó có khoảng 6 sào cho thu hoạch, sản lượng năm 2013 đạt 1,5 tấn hạt khô. Theo anh Nghiệp, so với trồng hoa màu thì cây ca cao đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, với giá bán hiện nay (trên dưới 60.000 đồng/kg), bà con có thể yên tâm đầu tư phát triển ca cao. Thời gian tới, gia đình anh sẽ tiếp tục đầu tư trồng thêm 1ha ca cao nữa.

Ông Nguyễn Bá Dũng, cán bộ tư vấn kỹ thuật cho Dự án hợp tác tăng cường phát triển ca cao bền vững tại Việt Nam, cho biết, phần lớn nông dân trồng ca cao trên địa bàn Đắk Lắk đều được hướng dẫn kỹ thuật ngay từ đầu, giúp họ hình thành thói quen ghi chép, theo dõi lịch bón phân, tình hình sâu bệnh… Tuy nhiên, người dân cần đặc biệt chú ý đến việc phòng bệnh cho cây ca cao trước, trong và sau mùa mưa để mang lại hiệu quả cho năng suất vườn cây.

Theo ông Nguyễn Quốc Thích, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk , mấy năm gần đây, thị trường ca cao phát triển, giá tương đối cao và ổn định nên có sức hút đối với nông dân, diện tích bắt đầu có xu hướng tăng.

Mặc dù ca cao có lợi thế hơn càphê là có quy hoạch và chất lượng giống tốt ngay từ đầu nhưng trước mắt và lâu dài vẫn phải đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật trên diện rộng từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến lên men, bảo quản… để người trồng nắm vững kỹ thuật ngay từ đầu, hình thành tập quán sản xuất theo hướng bền vững.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-ho-tieu-dat-tren-1-1-ty-usd Xuất Khẩu Hồ Tiêu Đạt… phat-trien-nhan-rong-cac-mo-hinh-kinh-te-o-thach-thanh Phát Triển, Nhân Rộng Các…