Tin thủy sản Phát triển cá tra: Cần giữ thị trường chất lượng cao

Phát triển cá tra: Cần giữ thị trường chất lượng cao

Tác giả Ngọc Duyên, ngày đăng 09/02/2018

Sau thời gian phát triển “nóng” gây ra nhiều hệ lụy, ngành sản xuất cá tra đang lặng lẽ mà quyết liệt điều chỉnh để giữ thị trường chất lượng cao, phát triển ổn định.

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Duy Khương

Sản phẩm quốc gia

Cá tra là đối tượng nuôi nước ngọt phổ biến ở vùng ĐBSCL, đồng thời là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam sau con tôm. Năm 2017, tổng sản lượng cá tra thu hoạch đạt 1,2 triệu tấn, diện tích 5.227 ha; đây cũng được coi là năm trở lại của cá tra Việt Nam khi giá cá đạt tới 25.000 - 27.000 đồng/kg; với mức giá này người nuôi lãi 4.000 - 6.000 đồng/kg. Đặc biệt, tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL, trong tháng 12, giá cá tra đạt mức 29.500 đồng/kg trong khi vào thời điểm này những năm trước, cá tra chỉ khoảng 21.000 - 22.000 đồng/kg. Báo cáo thống kê của VASEP cho thấy, xuất khẩu cá tra năm 2017 đạt 1,8 tỷ USD, tăng gần 4% so năm 2016.

Điều chỉnh

Công ty TNHH Minh Đức có hơn 40 ha đang nuôi cá tra giống ở xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước, Tiền Giang). Năm 2017, giá cá tra giống lên rất cao, cuối năm đến 45.000 đồng/kg (khoảng 30 con) đạt mức “tột đỉnh” từ hồi mở ra nuôi cá tra ở ĐBSCL. So với giá thành là lời hơn gấp đôi. Sản lượng cá tra giống cả năm của Công ty hơn 1.000 tấn. Dù chưa thật phấn khởi, với nền căn bản đã có, Công ty vừa hợp đồng đầu ra với Tập đoàn Sao Mai để đầu tư vùng nuôi cá tra thịt ở tỉnh Vĩnh Long.

Còn HTX Thới An nổi tiếng nuôi cá tra ở Thới An (Q. Ô Môn, TP Cần Thơ) trụ được qua sóng gió là nhờ hợp đồng nuôi gia công cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Hiện thời, HTX nuôi gia công cho Tập đoàn Sao Mai. Giám đốc HTX Nguyễn Ngọc Hải cho biết, nuôi gia công được hưởng 6.000 - 6.500 đồng/kg, quản lý tốt sẽ có lãi khoảng một nửa số tiền đó, một năm HTX nuôi chừng 3.000 tấn. Nuôi gia công theo ông Hải là “đều đều vậy không lỗ chớ khó giàu” nên ông đã mở ra vùng nuôi cá tra giống 10 ha. Giống có chất lượng cung cấp cho vùng nuôi liên kết và khi đầu ra ổn định, ông Hải tin tưởng, nghề nuôi cá tra qua cơn khó khăn.

Trong niềm vui của ngành cá tra cuối năm 2017, còn phải kể đến việc khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản có công suất 360.000 tấn/năm của Tập đoàn Sao Mai.

Nhân tố chất lượng cao

Nét nổi bật trong hoạt động xuất khẩu cá tra năm 2017 vừa qua chính là nhân tố từ thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, khi đây là khu vực chiếm tỷ trọng lớn giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam. Thống kê của VASEP, đến 15/12, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 392 triệu USD, xoán ngôi đầu bảng, chiếm 23%, tăng 37,3% so năm 2016.

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc ngày càng tăng và sự ưa chuộng sản phẩm của người tiêu dùng là do tin tưởng rằng sản phẩm cá tra đạt được yêu cầu chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, các quy định khắt khe của thị trường khó tính như Mỹ và EU. Như thế, thị trường chất lượng cao chính là nền tảng để phát triển các thị trường khác, ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệu hội Cá tra Việt Nam cho biết.

Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong thương mại quốc tế, không được buông lơi thị trường chất lượng cao. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm ở các thị trường đang phát triển, nhất là thị trường lớn như Trung Quốc có nhu cầu đòi hỏi thực phẩm chất lượng cao ngày càng tăng.

Phân tích về các thị trường tiềm năng cho sản phẩm cá tra Việt Nam phải kể đến là Brazil và Australia. Ông Lê Anh Ngọc, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, thị trường Brazil phát triển tốt sản phẩm cá tra, đến 15/12, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 99,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,9%, tăng 65,5% so năm 2016. Còn tại thị trường Australia, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, đại diện Thương mại Việt Nam tại Australia, Australia là một thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, đặc biệt với cá tra đang giữ thế độc quyền, tuy nhiên đòi hỏi chất lượng cao, có các quy định kiểm tra nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm cần nghiên cứu chế biến phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và đa dạng, không nên chỉ tập trung vào một vài sản phẩm đơn điệu.

>> Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam: “Phải có chương trình hành động cụ thể, phát triển ngành cá tra mà không phải hy sinh ngành khác, không hy sinh môi trường”.


Có thể bạn quan tâm

gia-tom-nguyen-lieu-co-xu-huong-tang Giá tôm nguyên liệu có… nuoi-tom-sach-theo-cong-nghe-semi-biofloc-kiem-tien-ty-moi-nam Nuôi tôm sạch theo công…