Mô hình kinh tế Phát Triển Cá Tra Không Thể Mãi Kiểu Mua Là Bán!

Phát Triển Cá Tra Không Thể Mãi Kiểu Mua Là Bán!

Ngày đăng 20/12/2013

Nâng cao giá trị gia tăng cá tra vùng ĐBSCL là yếu tố cốt lõi hiện nay để khẳng định thương hiệu và phát triển.

Ngày 19/12, tại Cần Thơ, Hiệp hội cá Tra Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu chỉ ra những tồn tại gây cản trở sự phát triển thị trường và giá trị của cá tra vùng ĐBSCL hiện nay đã làm ảnh hưởng tới sản lượng và giá thành.

Theo đó, những tồn tại mà đại biểu nêu lên như chất lượng giống cá tra chưa cao gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng sản phẩm; tình trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh do nguồn nước nuôi trồng chưa được quy hoạch một cách khoa học và đúng nguyên tắc; hiệu quả sản xuất thấp, lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người dân chưa tương xứng.

Đồng thời, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, khâu tổ chức xuất khẩu chưa tốt và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cùng các rào cản thương mại; nguồn vốn chưa được giải quyết một cách căn bản so với yêu cầu thực tế; vấn đề liên kết trong sản xuất còn thiếu chặt chẽ; quy hoạch các doanh nghiệp chế biến còn nhiều tồn tại.

Để giải quyết những tồn tại trên, hàng loạt các giải pháp được đặt ra tại hội thảo. Trong đó, việc thành lập Quỹ xúc tiến thương mại cá tra được hình thành từ nguồn thu xuất khẩu cá tra và vấn đề về thương hiệu được các đại biểu cho rằng là then chốt để từ đó đưa cá tra trở thành mặt hàng rộng rãi trên toàn thế giới.

Chính vì vậy, việc nâng cao giá trị gia tăng cá tra vùng ĐBSCL là yếu tố cốt lõi hiện nay. Đặc bệt, trong quy trình nuôi trồng, việc sử dụng ngũ cốc hay bột cá là rất quan trọng để gia tăng chất lượng cá tra.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VietEuro cho rằng phải tận dụng những thế mạnh của vùng để phát triển thương hiệu cá tra. Có như vậy đầu ra của cá tra mới được đảm bảo và ổn định. Cần phải đi theo thế mạnh của mình kể cả về truyền thông, xúc tiến thương mại; liên kết với các nhà nhập khẩu để cùng với họ sản xuất chứ không dừng lại ở hợp tác cấp thấp là họ mua thì bán.

Theo dự báo của Hiệp hội cá tra Việt Nam, đến năm 2015 sản lượng cá tra tiêu thụ nội địa tăng 100%, đến năm 2020 là 300% so với năm 2012. Trong đó, đảm bảo kim ngạch xuất khẩu cá tra đến năm 2015 đạt 2,2 tỷ USD/năm và năm 2020 là 3 tỉ USD/năm. Do vậy, việc cần thiết nhất lúc này phải nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng sản phẩm cá tra, quảng bá chất lượng và thương hiệu cá tra của nước ta góp phần vào thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra, nâng cao thu nhập cho người nuôi và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết, để nâng cao giá trị con cá tra vùng ĐBSCL, có rất nhiều giải pháp từ việc xây dựng thương hiệu cho tới mở rộng thị trường. Vì thị trường rộng sẽ tiêu thụ được nhiều, giá trị con cá tra sẽ tăng lên. Đồng thời, việc giám sát kiểm tra chất lượng vật tư đầu vào phải được kiểm soát tốt; phải chế biến nhiều mặt hàng giá trị gia tăng...


Có thể bạn quan tâm

gia-ot-tang-cao-nguoi-dan-co-lai Giá Ớt Tăng Cao Người… tang-cuong-quan-ly-chat-luong-giong-thuy-san Tăng Cường Quản Lý Chất…