Mô hình kinh tế Phát Triển Cây Ăn Trái Gắn Với Tiềm Năng, Lợi Thế

Phát Triển Cây Ăn Trái Gắn Với Tiềm Năng, Lợi Thế

Ngày đăng 24/10/2014

Thế mạnh của Sóc Trăng là bưởi da xanh, bưởi năm roi, nhãn và chuối. Tuy là thế mạnh với gần 28.000 ha nhưng đầu ra luôn bấp bênh, diện tích canh tác không ổn định. Vườn cây ăn trái được phát triển mạnh ở vùng ven Sông Hậu, những năm gần đây, cây có múi phát triển mạnh ở một số địa bàn thuần ngọt như Mỹ Tú, Châu Thành.

Cũng như các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL, diện tích vườn cây ăn trái ở Sóc Trăng khá phong phú về chủng loại và luôn biến động theo hướng tự phát. Đây là một trong những nguyên nhân làm “ế hàng dội chợ” do khủng hoảng thừa

Trong mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp ở Sóc Trăng, ngành chức năng cùng địa phương khuyến cáo nâng cao chất lượng, phát triển tập trung và cùng liên kết để nâng cao tính cạnh tranh và nông dân an tâm sản xuất. Vùng chuyên canh bưởi và cây có múi nói chung ở huyện Kế Sách phát huy hiệu quả do phát triển có quy hoạch, có liên kết nên đầu ra khá ổn định, như cây cam Kế An, cây bưởi Kế Thành.

Ông Nguyễn Văn Khinh, nông dân ở xã Kế An cho biết: “Ở đây chúng tôi thấy rằng huyện đã có những quy hoạch, liên kết tốt và phát triển 2 đối tượng cây trồng này rất hiệu quả. Nông dân chúng tôi rất an tâm để phát triển vì hiệu quả kinh tế cao”.

Huyện Kế Sách với thế mạnh là cây bưởi da xanh, bưởi năm roi, huyện Mỹ Tú ưu tiên phát triển cây quýt ở vùng trũng xã Hưng Phú. Đây là vùng đất thích nghi tốt với cây có múi. Huyện Mỹ Tú đang tập trung quy hoạch phát triển cây trồng này để thay thế cây mía, cây tràm hiệu quả kinh tế thấp.

Ông Lê Văn Đáng, Phó chủ tịch huyện Mỹ Tú cho biết: “Chúng tôi đã có dự án đầu tư phát triển 300 ha ở Hưng Phú để phát triển cây có múi, trong đó là cây quýt, cam. Chúng ta cũng tập trung chuyển giao KHKT và các mô hình trình diễn để gắn với thương hiệu của vùng, chúng tôi liên kết sản xuất và tiêu thụ cho nông dân vì đây là vùng chuyển đổi tập trung và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm của vùng một cách thuận lợi”.

Đối tượng cây trồng phát triển mạnh trong 3 năm qua ở Sóc Trăng là cam và ổi, theo thống kê chiếm trên 5.000 ha, nhưng con số thực tế sẽ còn cao hơn do nông dân thường trồng xen canh. Ở Mỹ Tú diện tích mở mới từ đất trồng tràm, trồng lúa kém năng suất, đất trồng mía, còn ở Kế Sách và Long Phú thì nông dân trồng cam, trồng ổi bằng hình thức thay thế cây trồng khác, hay áp dụng trồng xen nên diện tích rất khó thống kê. Đầu tư cho 2 giống cây trồng này có khả năng thu hồi vốn nhanh nên nhà vườn khá mạnh tay, cứ mỗi khi giá thị trường tăng cao thì diện tích trồng lại bùng phát.

Cục Trồng trọt, cảnh báo, ĐBSCL có khoảng 670.000ha đất trồng cây ăn trái, sản lượng đạt 6 - 7 triệu tấn mỗi năm. Đặc biệt là diện tích trồng cam tăng quá nhanh ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL, nổi trội là Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang. Mỗi địa phương tự phát với diện tích hàng ngàn hec-ta sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa là điều khó tránh.

Diện tích trồng cam ở Sóc Trăng không lớn so với diện tích trồng cam của khu vực, nhưng phần lớn là phân tán ở nhiều địa bàn, chính vì thế mà khả năng mất ổn định về giá sẽ rất dễ xảy ra. Nông dân phát triển sản xuất phải dựa vào thế mạnh chủ lực, còn phát triển mang tính tự phát như cây ổi, cây cam hiện nay thì khả năng thua lỗ rất cao.


Có thể bạn quan tâm

nhan-ido-tang-gia Nhãn Ido Tăng Giá uoc-mo-dua-xoai-cat-phu-cat-bay-xa Ước Mơ Đưa Xoài Cát…