Tin nông nghiệp Phát triển cây thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP

Phát triển cây thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP

Tác giả T.Quang, ngày đăng 12/11/2019

Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thanh trà đến năm 2025. Trước mắt, từ nay đến 2020, tỉnh trồng mới khoảng 116 ha, đưa diện tích vùng nguyên liệu đạt 942 ha; trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng 643 ha, năng suất trái đạt 17 - 18 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 10.900 - 11.500 tấn trái/năm.

Phường Thủy Biều nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía tây là vùng bãi bồi ven sông Hương, với những ngôi nhà vườn thơ mộng nổi tiếng hoa thơm trái ngọt. Thống kê, phường Thủy Biều có gần 150 ha đất trồng thanh trà, với khoảng hơn 1.000 hộ dân theo nghề, tập trung ở các thôn: Lương Quán, Trung Thượng, Đông Phước. Mỗi vụ thanh trà, người nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng, cuộc sống người dân ở đây nhờ đó tương đối ổn định, sung túc.

Thanh trà Thủy Biều được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể từ năm 2007. UBND phường Thủy Biều đã có nhiều chương trình, kế hoạch tạo điều kiện giúp người dân trồng giống cây đặc sản này, nhằm tăng sản lượng thu hoạch và nâng cao thu nhập, tiêu biểu địa phương tổ chức thành công “Lễ hội thanh trà” hàng năm. Doanh thu từ trái thanh trà trên địa bàn phường Thủy Biều hiện đã đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm.

Phường Thủy Biều đã có kế hoạch lâu dài là xây dựng chỉ dẫn địa lý thanh trà và xây dựng tiêu chuẩn thanh trà theo chuẩn VietGAP. Hiện, địa phương đang tiến hành cải tạo lại vườn tạp, sắp xếp lại quỹ đất nông nghiệp đang có nhằm để phát triển giống cây đặc sản này. Bà con được tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăm bón để tăng thu nhập. Đồng thời, phường tiếp tục quảng bá thương hiệu thanh trà đến thị trường trong nước rộng rãi hơn thông qua việc quảng bá sản phẩm vào các lễ hội, kết hợp du lịch và xuất khẩu tại chỗ.

Đáng chú ý, phường Hương Vân ứng dụng hệ thống tưới nhỏ phun cho thanh trà. Mô hình này ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ phun cho vườn bưởi thanh trà thời kỳ sản xuất đã đem lại hiệu quả lớn cho bà con nông dân, vừa tiết kiệm tiền, chi phí nhân công, lại tăng năng suất và chất lượng cho thanh trà thương phẩm. Cách tưới này thay cho cách tưới tràn trước đây, khắc phục được các hạn chế như không tiết kiệm lượng nước, rửa trôi đất, phân bón... và chỉ cung cấp nước cục bộ không cải thiện được tiểu vùng khí hậu.


Có thể bạn quan tâm

ung-dung-cong-nghe-vu-tru-trong-nong-nghiep Ứng dụng công nghệ vũ… thanh-nien-khoi-nghiep-lam-giau-nho-nong-nghiep-cong-nghe-cao Thanh niên khởi nghiệp -…