Tin nông nghiệp Phát triển chăn nuôi không còn thời gian cho sự chậm trễ

Phát triển chăn nuôi không còn thời gian cho sự chậm trễ

Tác giả Dương Thanh, ngày đăng 22/04/2022

Tuy nhiên, phân tích số liệu về sản lượng chăn nuôi cũng như giá trị xuất khẩu, có thể thấy, xuất khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng.

Mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD và những điểm nghẽn

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm chăn nuôi” hồi năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đưa tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi qua chế biến lên khoảng 60% và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi để đạt giá trị vượt 1 tỷ USD.

Mục tiêu này nhằm chấm dứt tình trạng cung - cầu luôn biến động bất ổn và giá bán các sản phẩm chăn nuôi liên tục trồi sụt thất thường trong năm vừa qua.

Giá trị xuất khẩu “tỷ lệ nghịch” với quy mô chăn nuôi

Sản phẩm ngành chăn nuôi xuất khẩu được chia làm 5 nhóm: Thịt và sản phẩm thịt, vật nuôi còn sống, sữa và sản phẩm sữa, trứng, các sản phẩm khác.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 440 triệu USD, nhưng nhập khẩu ước trên 3,4 tỷ USD. Như vậy, năm 2021, nhóm sản phẩm chăn nuôi  nhập siêu 2,96 tỷ USD. Trong các sản phẩm thịt xuất khẩu, thịt gà chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Với quy mô chăn nuôi đạt 28 triệu con lợn, tăng 7,1% so với năm 2020; 525 triệu con gia cầm, tăng 5,8%; đàn trâu, bò giữ ổn định ở mức trên 8,6 triệu con, trong đó đàn bò khoảng 6,5 triệu con (riêng đàn bò sữa đạt 375,2 nghìn con, tăng 13,2%); sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng 6,69 triệu tấn, tăng 3,2%; sản lượng sữa tươi ước gần 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%; sản lượng trứng trên 17,5 tỉ quả, tăng 5,1%… nhưng xuất khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi đang ở mức khiêm tốn, nếu không muốn nói là “đội sổ”, chưa tương xứng với quy mô của ngành này. 

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến nay, ngành chăn nuôi đã có những khởi sắc trong xuất khẩu, điển hình là sản phẩm sữa đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, thịt gà đã được xuất sang 7 nước, trong đó có Nhật Bản và thị trường châu Âu... Nhưng, cần phải nhìn nhận rằng, Việt Nam đứng 5 thế giới về sản lượng thịt lợn móc hàm, thế nhưng, trong thị trường thịt lợn toàn cầu quy mô 28,5 tỷ USD, mỗi năm Việt Nam chỉ thu về 45 triệu USD từ xuất khẩu thịt lợn.

Bài toán tiêu thụ

Giáo sư Lã Văn Kính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, cho biết, thời gian qua, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, như: giá thịt lợn hơi, thịt gia cầm xuống thấp, trong khi thức ăn chăn nuôi tăng giá cao.

Hiện nay, sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất chăn nuôi rất bất hợp lý, trong khi giá lợn hơi rất thấp thì giá bán thịt lợn thành phẩm ngoài thị trường lại rất cao. Do đó, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến để Bộ Công Thương làm tốt công tác quản lý giá.

Phân tích cụ thể hơn, ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam, cho biết, hiện giá bán lợn đang thấp hơn giá thành (tại Đồng Nai - “thủ phủ chăn nuôi”, lợn 100kg có giá thành khoảng 7 triệu đồng/con, thời điểm này xuất  bán chỉ hơn 5 triệu đồng). Giá gà lông trắng, gà lông màu cũng đang bán dưới giá thành.

Ngay cả trứng gà cũng giảm giá chỉ còn 1.250 đồng/quả, thấp hơn giá thành 600 đồng/quả. Những doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín như Emivest với hệ thống sản xuất cám, thuốc thú ý, giống gà, lợn cũng đang rơi vào tình thế khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ xây dựng quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu. Giải quyết tình trạng cung vượt cầu khiến giá lợn và gà xuất chuồng xuống dưới giá thành hiện nay, cần phải thúc đẩy chế biến và xuất khẩu thịt.

Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, ngành chăn nuôi đã có những khởi sắc trong xuất khẩu.

“Việt Nam trong những năm gần đây có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ USD vào chuỗi các sản phẩm chăn nuôi và đã đi vào hoạt động. Ví dụ Công ty C.P đã hoạt động dây chuyền giết mổ 250 triệu USD, sắp tới đây, nếu đoàn chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam để thẩm định được điều kiện xuất khẩu, thì chắc chắn lượng xuất khẩu sẽ rất lớn”, ông Long chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng, muốn xuất khẩu được sản phẩm thịt thì phải giải quyết được vấn đề dịch bệnh. Hiện, vẫn có những loại bệnh gây nguy hiểm trên đàn gia súc, làm thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm. 

Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh), cho biết: Đối với ngành chăn nuôi của tỉnh, nông hộ còn chiếm tỷ trọng lớn, tới 96%, rất khó sản xuất theo chuỗi giá trị. Chưa kể việc nuôi nhỏ lẻ sẽ luôn tiềm ẩn sự bấp bênh trong công tác tiêu thụ và kiểm soát an toàn dịch bệnh. Do đó, phải hoạch định các khu, vùng chăn nuôi tập trung và phải có các doanh nghiệp làm trụ đỡ để xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, tạo đà phát triển cho cả vùng.

Ngoài ra, ngành chăn nuôi Quảng Ninh còn đối diện với những thách thức khác như: Khả năng cung ứng giống tại chỗ mới đạt 40-50% nhu cầu sản xuất; sản xuất chăn nuôi trang trại chưa gắn chặt với giết mổ tập trung; liên kết chuỗi từ sản xuất đến chế biến - tiêu thụ còn yếu; hệ thống tổ chức và năng lực quản lý ngành chăn nuôi còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với ngành chăn nuôi là, các địa phương vẫn chưa quan tâm dành quỹ đất để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, việc tháo gỡ các vướng mắc về đất đai chưa được triển khai rốt ráo. Dẫn đến chưa có nhiều dự án lớn được triển khai để hình thành khâu sản xuất theo chuỗi khép kín và quy mô công nghiệp...

Mở rộng thị trường

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng của ngành do nhiều nguyên nhân, trong đó có lĩnh vực chế biến - chế biến sâu vừa thiếu, vừa yếu.

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến nay, cả nước mới có 104 nhà máy công nghiệp chế biến thịt, trứng, sữa xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, số còn lại đều có quy mô nhỏ.

Mặt khác, việc thiếu các cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) nói chung cũng như các nước nhập khẩu nói riêng dẫn đến không ít bất cập trong việc sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. 

Để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững, ngành chăn nuôi cần mở cửa thị trường xuất khẩu, hướng tới các thị trường tiềm năng…

Ở góc độ doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH De Heus Nguyễn Quang Hiếu cho biết, doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất và xúc tiến thương mại để sớm xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản và thực tế, nhu cầu nhập khẩu thịt gà của các thị trường như Hàn Quốc, Singapore rất lớn.

Trang trại lợn của Masan - Hệ thống chăn nuôi khép kín nên vẫn đảm bảo sản lượng dù có dịch tả lợn châu Phi.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần cung cấp thêm thông tin về nhu cầu thị trường, các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đàm phán xuất khẩu.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho rằng, các doanh nghiệp cần đầu tư khoa học, công nghệ, tập trung chế biến sâu và gắn sản xuất với nhu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Các địa phương cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín, đặc biệt là tập trung đầu tư vào công nghiệp chế biến. Cùng với đó là thúc đẩy việc xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và tăng cường quảng bá nông sản thông qua dịch vụ, thương mại điện tử...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu các mặt hàng chăn nuôi có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm, gia súc ăn cỏ nhằm đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng, sữa cho thị trường.

Đồng thời, Bộ hỗ trợ các địa phương triển khai xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhất là ở các vùng chăn nuôi hàng hóa trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu... để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm chăn nuôi, mở cửa thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách thị trường xuất khẩu. Bộ cũng phối hợp với Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường trọng điểm như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản…

Đa dạng sản phẩm thịt chế biến

Đề cập đến việc các sản phẩm thịt của Việt Nam có thể cạnh tranh được khi xuất khẩu hay không, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng: “Thành hay bại” ở nhà thương mại, song thành phần này chưa có trong các Hội, Hiệp hội chuyên ngành. Ông Toản kiến nghị các Hội nghề nghiệp nên đưa nhà cung cấp vào và có quy chế chặt chẽ.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn Vũ Mạnh Hùng cho hay,  Tập đoàn Hùng Nhơn hiện sở hữu 14 công ty thành viên và hệ thống chuỗi với 1.000ha trang trại tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong đó, các trại gà thịt cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu con gà/năm. Hùng Nhơn đang xuất khẩu các sản phẩm thịt gà sang Nhật Bản, Hàn Quốc...

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart), cho biết, hệ thống tiêu thụ của Nutri Mart đang chú trọng phát triển mặt hàng thịt mát. Với những chuỗi cung ứng có tiêu chuẩn chất lượng cao, chẳng hạn như C.P Việt Nam, Meat Deli, Nutri Mart có thể vận chuyển đi 3 - 4 tỉnh, thành phố. Mục tiêu đến năm 2025, Nutri Mart sẽ mở khoảng 10.000 điểm bán, siêu thị trên cả nước.

Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2045, có một số mục tiêu đáng chú ý:

Trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.

Sản lượng thịt các loại đến năm 2025 đạt từ 5-5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6-6,5 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, 20-25% thịt và trứng gia cầm.

Đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam phải xuất khẩu khoảng 600 nghìn tấn thịt lợn, tương đương giá trị 2,5-3 tỷ USD.

Công ty cũng đang mở nhiều chuỗi cửa hàng tại Trung Quốc, Thái Lan. “Hiện, Nutri Mart nhận được đơn hàng rất lớn từ Trung Quốc về các mặt hàng thịt. Các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi cần đa dạng nguồn sản phẩm chăn nuôi, chẳng hạn chế biến khoảng 10.000 món ăn khác nhau từ thịt. Đây là hướng đi mà Nutri Mart tiên phong, và có dư địa đưa ra nước ngoài như châu Âu, UAE, Trung Quốc”, bà Hằng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, dù gặp nhiều khó khăn khách quan, nhưng số liệu thống kê cho thấy sản lượng thịt, trứng, sữa rất lớn, năm nay ngành chăn nuôi sẽ đạt mục tiêu 5,8 triệu tấn thịt các loại, 1,2 triệu tấn sữa và 16 tỷ quả trứng.

Ông Tiến cho rằng: “Chi phí thức ăn chăn nuôi chi phối khoảng 65 – 70% giá thành sản xuất, không giải quyết được vấn đề này thì rất khó giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi qua chế biến khoảng 60%. Hiện nay, tỷ lệ thịt, trứng, sữa chế biến còn rất thấp. Chúng ta cũng chưa có nhiều chủng loại sản phẩm phù hợp với từng thị trường, vùng miền. Công nghệ chế biến còn hạn chế”.

Khẳng định xu thế chuỗi khép kín là không thể đảo ngược và nếu không phát triển được chế biến thì rất khó khai phá các thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh: “Tôi tin, nếu thực hiện tốt chiến lược chăn nuôi, với sự vào cuộc của cả thệ thống chính trị, chúng ta sẽ có sản lượng và giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD”.

Thịt sạch Meat Deli được sản xuất bằng dây chuyền công nghệ thịt mát nhập khẩu từ châu Âu.

Phải tái cơ cấu 

Phân tích số liệu về sản lượng chăn nuôi cũng như sản lượng và tổng giá trị xuất khẩu của ngành chăn nuôi, có thể thấy, xuất khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi chưa tương xứng.

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 5.000 tấn thịt lợn đông lạnh các loại với giá trị khoảng 20 triệu USD, tăng khoảng 19% so với năm 2020; nước ta cũng đã đàm phán thống nhất các tiêu chuẩn vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu các sản phẩm thịt tiệt trùng từ Việt Nam sang Hàn Quốc... nhưng câu hỏi lớn được đặt ra là, vì sao là một nước chăn nuôi lợn có quy mô lớn chỉ sau Trung Quốc, nhưng xuất khẩu thịt lợn hàng năm chỉ ở mức èo uột với giá trị dăm chục triệu USD? Trong khi đó, chiến lược ngành chăn nuôi giai đoạn 2008-2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đem về 1,2 - 1,5 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu thịt lợn 500 - 800 triệu USD/năm.

Ông Nguyễn Văn Trọng  nhấn mạnh, muốn xuất khẩu được sản phẩm thịt thì phải giải quyết được vấn đề dịch bệnh, đồng thời các doanh nghiệp phải xây dựng được 1 thương hiệu đủ lớn và phải chủ động trọn gói các khâu từ con giống, chăn nuôi, chế biến...

Đặc biệt, ông Trọng cho rằng, với quy mô đầu tư lớn, chú trọng vấn đề dịch bệnh, khép kín chuỗi chăn nuôi sinh học, áp dụng công nghệ hiện đại… doanh nghiệp De Heus đang nổi lên như một “hiện tượng” của ngành chăn nuôi có thể là cánh chim đầu đàn để dẫn dắt ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại.

Xây dựng kế hoạch để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, muốn hướng đến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi thì yêu cầu là phải xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Do đó, phải tập trung xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, từng bước tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Chăn nuôi là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai với gần 62%. Đến nay, tỉnh có 7 vùng an toàn dịch và xây dựng 84 trại chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tỉnh Đồng Nai xác định chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín.

Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh của cơ sở chăn nuôi, kê khai chăn nuôi, giám sát chủ động và kiểm tra, đôn đốc thực hiện phòng chống dịch tại địa bàn, nhất là các địa bàn có ổ dịch cũ, tỉnh Đồng Nai sẽ đẩy mạnh xã hội hóa tiêm phòng, xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Cục Thú y, đến nay, cả nước có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với nhiều loại bệnh; trong đó 1.462 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Cục đang hoàn thiện dự thảo dự án “Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người”. Dự án sẽ hướng tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm với các bệnh như cúm gia cầm và Newcastle; trên gia súc với các bệnh như: lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi.


Có thể bạn quan tâm

phat-trien-mac-ca-o-tay-bac-can-thuc-hien-cac-giai-phap-dong-bo Phát triển mắc ca ở… nha-nong-lam-giau-tu-nghe-nuoi-ong-mat Nhà nông làm giàu từ…