Mô hình kinh tế Phát Triển Du Lịch Sinh Thái Nông Nghiệp

Phát Triển Du Lịch Sinh Thái Nông Nghiệp

Ngày đăng 23/02/2012

Những vườn cây ăn trái của xã Trung An, huyện Củ Chi, Tp. HCM được xây dựng từ những năm 1980 với các cây trồng chính là chôm chôm, măng cụt, sầu riêng và dâu...Giá bán hoa quả thường bấp bênh, có lúc chỉ 1.000 đồng/ kg chôm chôm.

Tuy nhiên, từ năm 2000, những du khách đầu tiên đã tới tham quan, vui chơi ở cụm vườn An Hòa. Trong 2 năm qua, con số này đã tăng lên 3,5 vạn lượt/ năm. 80% sản lượng trái cây bán cho du khách đã nâng giá trị sản xuất trên đạt 70 - 100 triệu đồng/ ha, cao gấp 3 lần so với các nhà vườn không làm du lịch.
Từ 5 năm nay, bà Nguyễn Thị Cúc chọn 1/3 diện tích vườn cây chôm chôm của mình để cho khách du lịch đến tham quan. Cũng kể từ khi đó, bà chú trọng vào việc chăm sóc vườn cây thật đẹp.
Bà Cúc chia sẻ: “Bên này bán cho du lịch thì ít mà bán cho bạn hàng thì nhiều nên năm rồi bán chỉ được 19 triệu thôi. Còn bên nhà chỉ bằng phân nửa chôm chôm của vườn đây thì thu được 41 triệu. Bán cho khách du lịch được nhiều hơn là bán cho bạn hàng.”
Giá trị thu hoạch từ việc bán trái cây cho khách du lịch đã cao hơn gấp 4 lần so với việc bán cho thương lái ra ngoài thị trường. Vì vậy mà bà Cúc đã lên kế hoạch mở rộng diện tích phục vụ du khách.
Tuy nhiên, muốn có khách du lịch tới quanh năm thì cũng có nghĩa là những khu vườn như của hộ gia đình bà Cúc phải 4 mùa cho trái. Nhưng chôm chôm là trái cây mỗi năm chỉ có 1 vụ. Trên thực tế thì đã có những gốc măng cụt được trồng xen canh nhưng chỉ với số lượng ít ỏi. Trên diện tích 6.000 m2, cũng không thể trồng quá nhiều giống cây khác nhau.
Bên cạnh đó, điều kiện ăn ở nhà bà Cúc cũng không thể đáp ứng được nhu cầu cho những du khách có nhu cầu lưu trú lại qua đêm.  
Những khó khăn của bà Cúc cũng là khó khăn của nhiều nhà vườn xã Trung An.  Giá thu phí vào vườn thế nào để các nhà vườn đảm bảo được lợi nhuận sau mùa vụ cũng là băn khoăn của nhiều người dân ở xã Trung An.
Du lịch sinh thái nông nghiệp ở xã Trung An là một nội dung của dự án Phát triển nông thôn mới tại huyện Củ Chi từ năm 2007. Trên thực tế, đây được đánh giá là một hướng đi đúng nhằm phát triển nông nghiệp theo chiều sâu.
Th.S Nguyễn Thị Oanh, Viện Chiến lược và chính sách nông nghiệp, nông thôn đánh giá tiềm năng của loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp ở những khu vực như xã Trung An: “Du lịch là một hướng tăng thu nhập cho nông dân; kết hợp từ sản xuất nông nghiệp và khai thác thêm những giá trị từ sản xuất nông nghiệp. Đối với vùng ven đô thì lại càng là một lợi thế. TP.HCM đặt ra một trong những mục tiêu là phát triển du lịch, bởi vì sao: khách hàng là nằm ngay cận kề.”
Mô hình phát triển du lịch ở xã Trung An được xây dựng theo kinh nghiệm mô hình của Đài Loan. Th.S Lê Thị Nghiêm, Trung tâm Khuyến nông Tp HCM có thời gian dài khảo sát thực tế về mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp ở Đài Loan. Th.S Lê Thị Nghiêm cho biết: “Đa số là họ làm chuyên canh. Vườn chuyên chứ không phải vườn tạp. Họ quy hoạch, ví dụ như là vườn đó 1 mẫu chuyên trồng mận, 1 mẫu chuyên trồng táo, cho nên là họ chăm sóc, bón phân hoặc thu hoạch cũng dễ.”
Tuy nhiên, nhiều vườn cây ăn trái ở Trung An mang đặc thù là những vườn tạp. Vấn đề cần phải đặt ra là cải tạo vườn tạp gắn với các phương án quy hoạch phù hợp với đặc thù là một vườn ven đô. Nó cần phải dựa trên những nghiên cứu, đánh giá cụ thể từ nhu cầu của du khách.
Khác với xã Trung An, xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho, Tiền Giang thu hút trung bình 6000- 7000 khách du lịch mỗi năm bởi sự đa dạng các hoạt động du lịch, gắn với quảng bá văn hóa vùng miền địa phương.
Theo chân những du khách Nhật Bản, chúng tôi đến xã Thới Sơn, vùng cù lao được mệnh danh là “hòn ngọc trên sông Tiền”. Với những du khách Nhật Bản này, những vườn cây ăn trái đặc trưng vùng nhiệt đới đã đủ lôi cuốn với họ.“Sau chuyến du lịch này, có nhiều cái để tôi phải nhớ, nhất định tôi sẽ quay lại trong thời gian sớm nhất”- ông Yamasaki, một du khách nói.


Vừa ăn trái cây, những du khách Nhật Bản vừa được thưởng thức những làn điệu dân ca. Điều đó cũng thú vị như việc được ngồi trên những chiếc ghe đi dọc hệ thống kênh rạch chằng chịt, giữa những hàng dừa nước xanh mướt ra dòng Tiền Giang. Với những du khách nước ngoài, đây là dịp được trải nghiệm và hiểu thế nào là đời sống sông nước miền Tây Nam Bộ của Việt Nam.
Thới Sơn hiện có hơn 200 chiếc đò phục vụ du khách. Hơn 60 hộ nghèo trong xã được nhận vào nghiệp đoàn chèo đò. Hoạt động du lịch đã giúp địa phương tạo công ăn việc làm cho các trường hợp khó khăn này.
Đờn ca tài tử được coi là một đặc sản tạo thành thế mạnh của du lịch Thới Sơn. Ở Thới Sơn có 10 nhà vườn mở dịch vụ ăn trái cây kết hợp nghe đờn ca tài tử.  Đội đờn ca với 100 nghệ sỹ, đa số là những nông dân tại địa phương chia thành 9 nhóm khác nhau sẵn sàng phục vụ nhu cầu của du khách.
Du khách cũng có thể lưu trú lại qua đêm nếu có nhu cầu. Loại hình du lịch homestay (du lịch ở nhà dân) đã phát triển ở Thới Sơn từ năm 2008 và là địa điểm đầu tiên của tỉnh Tiền Giang thí điểm mô hình này. Đây cũng là một hoạt động giúp người dân có thêm thu nhập.
Để duy trì các hoạt động du lịch, thu hút khách đến quanh năm như vậy, xã Thới Sơn phát triển mô hình liên kết các nhà vườn với nhau và với doanh nghiệp. Và những mô hình liên kết này đã giúp địa phương có nguồn thu nhập cao và ổn định. Lợi nhuận được chia đều cho các mắt xích tham gia chuỗi liên kết, thể hiện là thu nhập bình quân của những người tham gia vào các tour du lịch này đã đạt mức 4 – 5 triệu đồng/ người/ tháng.
Ông Nguyễn Phục Dũng, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn cho biết: “Du lịch sinh thái nông nghiệp ở Thới Sơn có sự liên kết, phối hợp. Doanh nghiệp thì đưa khách đến. Nông dân xây dựng các điểm tiếp khách. Nghiệp đoàn đò chèo thì đưa rước khách thăm quan bằng đò. Lực lượng đờn ca tài tử thì hát hò. Nó tạo thành các mắt xích như vậy, nếu thiếu một mặt thì cũng không được.”
Tới đây, Thới Sơn sẽ được quy hoạch để trở thành làng du lịch sinh thái với quy mô 77 ha. Hoạt động du lịch sẽ đi vào chiều sâu với sự vào cuộc đầu tư của các doanh nghiệp.
Năm 2010, Tiền Giang đón 960 nghìn lượt khách tới, trong đó gần 500 nghìn lượt khách quốc tế cho doanh thu hơn 211 tỷ đồng. Trên thực tế, nông dân đã được hưởng lợi từ doanh thu đó. Việc đảm bảo lợi nhuận của nông dân trong mối liên kết là bài học thành công từ câu chuyện phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp ở Tiền Giang.


Có thể bạn quan tâm

bulgaria-lam-giau-tu-nghe-nuoi-oc-sen Bulgaria: Làm Giàu Từ Nghề… thi-truong-e-am-nha-may-duong-chiu-lo Thị Trường Ế Ẩm, Nhà…