Phát triển hoa, cây cảnh theo hướng hàng hóa
Chú trọng sản xuất
Những ngày này, tại nhà vườn có diện tích lên đến 2ha, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh (thôn Thăng Tân, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) tập trung chăm chút hoa cúc.
Đây là năm thứ 3 gia đình bà sản xuất hoa tết theo hướng hàng hóa.
“Mọi năm thì gia đình tôi đầu tư trồng 3.000 chậu cúc để xuất bán theo đơn đặt hàng vào dịp tết.
Thấy đầu ra ổn định nên chúng tôi tăng quy mô sản xuất hoa tết vào năm này lên 6.000 chậu” - bà Thanh nói.
Tại nhà vườn của bà Thanh, có hơn 10 lao động đang tỉa tót, ngắt ngọn để hoa đâm ra nhiều cành.
Bà Thanh bố trí hẳn một giàn đèn điện chiếu sáng vào ban đêm để hoa cúc phát triển theo ý muốn.
Cúc ở vườn này là cúc đại đóa, giống hoa được chuyển về từ Đà Lạt.
“Thị trường ngày càng kén chọn hoa tết.
Muốn hoa bán chạy thì phải chất lượng, bắt mắt.
Trước đây mỗi chậu cúc có khoảng 100 hoa đồng đều đã là đạt rồi thì nay phải nhiều hơn, bung cánh đúng thời điểm tết viên mãn nhất” - bà Thanh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam cho biết, hoa cây cảnh đem lại giá trị kinh tế cao cho các nông hộ nhưng để thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa thì yêu cầu cấp thiết là khống chế, không cho dịch hại tấn công hoa, cây cảnh.
“Vừa qua, chúng tôi triển khai đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ bệnh hại trên cây hoa ly ly tại Quảng Nam”, áp dụng tại TP.Hội An và TP.Tam Kỳ đã cho thành công bước đầu.
Các đề tài tương tự, áp dụng cho đa dạng các loại hoa, cây cảnh chủ lực khác cũng cần được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, nghiên cứu, triển khai nhằm hỗ trợ nông dân, thúc đẩy sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao.
Tại TP.Hội An, các nhà vườn cũng bận bịu chăm sóc hoa, cây cảnh, chờ ngày xuất bán vào dịp tết.
Tại phường Tân An, ông Lê Viết Kỷ (ở phường Cẩm Châu) đầu tư trồng 1.000 chậu quật thế.
Đây đã là năm thứ 5 ông Kỷ thuê đất ở khối phố An Phong đầu tư, chuyên canh trồng quật tết theo hướng hàng hóa.
Ông Kỷ cho biết, gia đình có diện tích đất tương đối lớn ở Cẩm Châu, có thể đầu tư trồng quật tết với số lượng lớn.
Ông chọn Tân An để đầu tư vì nơi đây có nguồn nước tốt hơn, hệ thống điện cũng được bố trí hợp lý.
“Còn 3 tháng nữa mới đến tết nhưng mình không lo đầu ra của quật tết.
Các mối làm ăn cũ đã nhắn nhủ, thỏa thuận khi mình vừa đem chậu trở về vườn.
Năm nay thời tiết ủng hộ, nắng vừa phải, xen kẽ mưa nên quật sinh trưởng tốt” - ông Kỷ nói.
Giống như gia đình ông Kỷ, ở Hội An ít có gia đình canh tác nhiều loài hoa hay vừa trồng quật vừa trồng hoa tết mà thường chuyên canh một loại.
Hiệu quả cao
Ông Võ Như Tùng - cán bộ phụ trách hoa, cây cảnh (Phòng Kinh tế TP.Hội An) cho biết, khuynh hướng sản xuất hoa, cây cảnh tết theo hướng hàng hóa ngày càng định hình rõ nét hơn.
Trong vài năm trở lại đây, giá trị sản xuất hoa, cây cảnh đạt xấp xỉ 50 tỷ đồng, đem lại nguồn thu đáng kể cho các nông hộ.
Để hỗ trợ sản xuất, công tác bảo vệ thực vật được thực hiện thường xuyên, qua đó khống chế sâu bệnh gây hại trên hoa, cây cảnh.
Các hội hoa xuân được tổ chức và quảng bá mạnh mẽ trong thời gian qua đã khẳng định thêm thương hiệu cho hoa, cây cảnh của Hội An, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, gia tăng thêm giá trị sản phẩm.
Tại các địa bàn vùng cát của Điện Dương, Điện Nam, Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), sản xuất quật tết theo hướng hàng hóa đã dần định hình.
Người dân đã chủ động tham khảo, tiếp thu, học hỏi các quy trình trồng quật tết hiệu quả, áp dụng và đầu tư khá lớn, cho hiệu quả sản xuất cao trên một đơn vị diện tích.
Ở các địa phương như Điện Hòa, Điện Thắng, Điện Quang, mô hình trồng hoa cúc, hoa ly ly cũng đã được triển khai và cho hiệu quả bước đầu.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, vấn đề đặt ra là quy mô sản xuất vẫn chưa tương xứng, các nông hộ chưa huy động được nguồn vốn dồi dào để sản xuất lớn.
Thực tế đã cho thấy việc hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở Tiên Phước đã phát huy hiệu quả nên địa phương đang nghiên cứu, đề xuất cấp trên có cơ chế hỗ trợ người dân, thúc đẩy sản xuất hàng hóa với quy mô lớn hơn.
Tận dụng các ưu đãi về điều kiện tự nhiên, thời gian qua TP.Tam Kỳ chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị.
Từ đó, các làng chuyên canh hoa đã hình thành trên địa bàn TP.Tam Kỳ như trồng hoa ly ly ở Trường Xuân, trồng hoa chuông ở Hòa Hương, hoa cúc ở Tam Thăng, Tam Phú.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp & phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ cho biết, việc xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh luôn được chú trọng.
Thành phố cũng coi trọng quy hoạch, hỗ trợ đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng sản xuất, đặc biệt là giao thông ở khu vực nông thôn, tạo thuận lợi cho sản xuất hoa, cây cảnh theo hướng hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ