Tôm thẻ chân trắng Phát triển khai thác bên cạnh các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Phát triển khai thác bên cạnh các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ngày đăng 06/06/2015

1. Phát triển khai thác nguồn lợi thuỷ sản xa bờ.

Biển Nghệ An nằm trong khu vực Vịnh Bắc bộ có trữ lượng hải sản khoảng 110 ngàn tấn, hàng năm cho phép khai thác từ 55 đến 60 ngàn tấn hải sản, là một trong những mặt hàng chủ lực góp phần lớn GDP cho tỉnh, giải quyết nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Vùng biển Vịnh Bắc bộ đã phát hiện 960 loài cá thuộc 457 giống, 162 họ. Tuy số loài nhiều nhưng chỉ có khoảng 60 loài có giá trị kinh tế. Ở vùng biển phía Tây Vịnh Bắc bộ nhóm cá nổi, cá đáy và gần đáy có vị trí quan trọng. Ngoài ra còn có các loài tôm, mực có giá trị kinh tế cao.

Kết quả điều tra mới nhất của Viện nghiên cứu Hải sản bằng lưới kéo đáy có độ mở cao, tại vùng biển xa bờ Vịnh Bắc bộ đã bắt gặp 166 loài hải sản thuộc 74 họ khác nhau. Trong đó, có 150 loài cá thuộc 66 họ, 3 loài mực ống, 4 loài mực nang, 2 loài bạch tuộc, 2 loài ghẹ, 1 loài tôm mũ ni, 1 loài tôm tít, 2 loài tôm he và 1 loài sam. Tổng trữ lượng cá đáy và cá nổi ở vùng biển Vịnh Bắc bộ ước tính khoảng 681.166 tấn. Khả năng khai thác: 272.467 tấn.

Nguồn lợi mực ở vùng biển xa bờ: Trữ lượng: 2.919 tấn. Khả năng khai thác: 1.168 tấn.

Nguồn lợi tôm vùng biển xa bờ: Trữ lượng: 321 tấn. Khả năng khai thác: 161 tấn [1].

Hơn 100 năm qua, không có một cường quốc nào không sử dụng biển như một lợi thế thiên nhiên trong mọi lãnh vực như kinh tế, giao thông, văn hóa, quân sự v.v… Biển đối với nước ta hiện nay không chỉ cho ngư dân, diêm dân sinh sống và phát triển mà còn là nguồn năng lượng, nguồn tài nguyên vô tận và là phương tiện, là yếu tố rất quan trọng cho công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Quan trọng hơn nửa, đó củng là không gian sinh tồn cho đất nước Việt Nam trong tương lai. Do đó việc nhận dạng và khai thác kinh tế biển như: bờ biển, tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển v.v…phải được nguyên cứu sử dụng ở tầm chiến lược quốc gia. Và phải có một kế hoạch khai thác cụ thể và hiệu quả.

Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong phát triển khai thác và Bảo vệ ngồn lợi thuỷ sản. Với một tỉnh có nhiều lao động giàu kinh nghiệm, được thừa hưởng từ cha ông lâu đời để lại về khai thác thuỷ sản, được sống và làm việc trong nền văn hóa xứ Nghệ - mảnh đất hiếu học, cần cù lao động, sáng tạo, bản lĩnh cách mạng; ngư dân đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị khai thác hiện đại như: máy dò ngang, máy dò đứng trong việc tìm kiếm nguồn hải sản dưới nước.

Nhờ thiết bị khai thác hiện đại đó đã hỗ trợ thu được nhiều hải sản và có tính chọn lọc chủng loại cao hơn đánh bắt theo kinh nghiệm trước đây, giảm chi phí và tăng hiệu quả khai thác; thuyền viên có thu nhập ổn định, gắn bó lâu dài với tàu, với nghề. Nghệ An có 32 xã và 01 TX hoạt động kinh tế gắn liền với biển, với hơn 14 vạn dân là hậu phương vững chắc cung cấp nguồn lao động cho các hoạt động kinh tế cũng như nghề khai thác thuỷ sản.

Các cấp, các ngành nhận thức tầm qua trọng của tài nguyên biển trong đó nguồn lợi thuỷ sản đóng góp vai trò to lớn về ổn định nền kinh tế của tỉnh nhà, tạo nhiều việc làm, góp phần an ninh thực phẩm và Bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Do đó, Tỉnh đã Thực hiện và chỉ đạo quyết liệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển trong lính vực thủy sản như: các văn bản pháp quy về quản lý nghề cá, Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16 tháng 09 năm 2010của thủ tướng chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 với 8 nhóm giải pháp để phát triển ngành thủy sản, Quyết định số 188/QĐ-TTg Ngày 13/02/2012, phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.

Đồng thời, Uỷ ban nhân tỉnh Nghệ An đã ban hành và chỉ đạo các chính sách hỗ trợ ngành Nông nghiệp như: Quyết định số 10/2010/QĐ – UBND ngày 20 tháng 01 năm 2010 của ủy ban nhân tỉnh về việc Ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định 09/2012/QĐ – UBND ngày 04 tháng 02 năm 2012 của ủy ban nhân tỉnh về việc Ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 – 2015...

Sự mạnh dạn đầu tư của ngư dân vùng ven biển, kế thừa truyền thống của cha ông về khai thác thuỷ sản và đóng tàu cá vỏ gỗ, ngư dân bỏ dần thói quen khai thác nhỏ lẻ, cá nhân, gia đình, chuyển dần sang tổ đội khai thác; Quyết định giải bản nhiều tàu có công suất nhỏ (loại tàu có công suất nhỏ hơn 50 cv) và có năm hoạt động lâu (đóng trước năm 1997), kết hợp nhiều chủ tàu lại đóng tàu mới có công suất lớn hơn 250 cv, khai thác dài ngày và hoạt động ở vùng khơi, vùng đánh cá chung với Trung Quốc và biển cả. Với nhiều điều kiện thuận lợi như trên đã đưa Nghệ An trở thành một tỉnh phát triển mạnh về khai thác thuỷ sản trong cả nước với lượng tàu cá loại từ 90 cv trở lên là 1051 tàu, công suất bình quân máy chính 255.05 cv/ tàu.

2. Các giải pháp Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản.

Trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản biển đang có dấu hiệu suy giảm nhanh chóng, đặc biệt là đối với các khu vực biển ven bờ. Sự suy giảm nguồn lợi thủy sản đã có những tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế đất nước cũng như nguồn sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển. Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm nguồn lợi thủy sản, song nguyên nhân chủ yếu là do khai thácquá mức, ô nhiễm môi trường và sự tàn phá các khu vực sinh sống, sinh sản của các loài thủy sản... Nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển Việt Nam, các cấp, các ngành Nghệ An đồng bộ cần có các định hướng và giải pháp cụ thể:

- Đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề nghiệp khai thác. Hoàn thiện công nghệ khai thác hải sản xa bờ, chuyển đổi hợp lý cơ cấu đội tàu vùng lộng. Tăng nhanh số lượng tàu thuyền có công suất lớn (trên 90CV) để tham gia khai thác ở vùng đánh cá chung – Vịnh Bắc bộ theo hiệp định đã ký kết với Trung Quốc; phân đấu đến năm 2020 có 1200 chiếc trên 90CV; củng cố, bố trí tàu thuyền khai thác theo vùng, sắp xếp lại nghề nghiệp khai thác; du nhập nghề mới và đổi mới công nghệ, dự báo ngư trường nhằm khai thác bền vững;

- Định hướng phát triển cơ cấu nghề nghiệp theo hướng tăng tỷ lệ kiêm nghề lên 1,3 lần vào năm 2015 và đến 2020 đạt 1,5 lần trên cơ sở khuyến khích tăng kiêm nghề các loại nghề đánh bắt vùng khơi như: câu, chụp cá, mực; lưới kéo đôi; duy trì và giảm dần các loại nghề đánh bắt vùng lộng và ven bờ như: vó mành, vây, vó, xăm và bỏ hẳn các nghề đáy, te…;

- Tăng cường cơ sở hạ tầng dịnh vụ hậu cần nghề cá để tăng số ngày bám biển của tàu thuyền khai thác, đảm bảo an toàn cho các hoạt động đánh bắt trên biển và bảo vệ an ninh vùng biển; làm tốt công tác bảo quản sau khai thác, chế biến và thị trường tiêu thụ để nâng cao hiệu quả khai thác;

- Chỉ đạo sâu sát và đẩy nhanh tiến độ các dự án, đề án trong lĩnh vực thuỷ sản, trong đó: Quy hoạch các Khu neo đậu tránh trú bão, Đề án phát triển Công nghiệp Cơ khí đóng, sửa chữa tàu cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Dự án "Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững" (CRSD) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, với mục tiêu tổng thể là cải thiện công tác quản lý nghề cá ven bờ theo hướng bền vững tại các tỉnh duyên hải được lựa chọn của Việt Nam;

- Chú trọng và nâng cao chất lượng đăng kiểm tàu cá, thực hiên tốt các Nghị định, Qui định, Thông tư, Chỉ thị, Qui phạm, Tiêu chuẩn hiện hành, các quyết định từ trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ nắm vững trong chuyên môn, nghiệp vụ bằng các loại hình như: cử cán bộ theo học các lớp nghiệp vụ đăng kiểm do cục Khai thác và BVNLTS – Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức; khuyến khích theo học các lớp trên đại học, để sẵn sàng phục vụ công việc trong hiện tại và tương lai. Giữ vững tỉ lệ đăng kiểm tàu cá hàng năm đạt 95 % trở lên;

- Tăng cường công tác thanh tra các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, xử lý nghiêm các trường không thực hiện và cố tình không thực hiện đúng luật thủy sản qui định. Tăng thời gian kiểm tra, thanh tra trên biển nhằm ngăn ngừa và xử phạt các tàu cá khai thác trái phép, khai thác sai nội dung trong giấy phép đăng ký, sử dung các dụng cụ gây huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản (kích điện, mìn) các tàu nước ngoài khai thác trái phép vào vùng biển Việt Nam;

- Có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển mô hình vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chính sách về tăng cường quản lý chất lượng và bình ổn giá một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật và các tiêu chuẩn nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản;

- Quy hoạch và Bảo vệ tốt các vùng cư trú của các loài thủy sản, đặc biệt là các bãi sinh sản, nơi tập trung các loài thủy sản còn con, vùng có đa dạng sịnh học, vùng cấm khai thác, vùng khai thác theo mùa vụ, cơ bản hoàn thành đến năm 2015;Giai đoạn 2016-2020: Nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đề xuất Quy hoạch phát triển khu bảo tồn biển của tỉnh; tổ chức giám sát các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, hệ sinh thái khu bảo tồn; phát triển mô hình quản lý cộng đồng cho cộng đồng dân cư tại địa phương và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và quản lý khu bảo tồn biển nhằm khai thác, sử dụng các khu bảo tồn biển hiệu quả tạo đà phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái biển. Bên cạnh đó phải làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội vùng khu bảo tồn và vùng xung quanh khu bảo tồn;

- Bên cạnh việc bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi, sẽ tăng cuờng tổ chức thả bổ sung nguồn giống một số đối tượng bản địa, loài quý hiếm, loài có giá trị kinh tế và khoa học vào một số thủy vực tự nhiên; phục hồi một số hệ sinh thái điển hình như: San hô, Rừng ngập mặn, Rạo tại các vùng biển có điều kiện và có vị trí quan trọng trong việc Bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản trên cơ sở tiếp cận khoa học về quản lý tổng hợp nghề cá có sự tham gia của cộng đồng. Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, đặc biệt sớm hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các tai nạn, rủi ro trên biển, cứu hộ cứu nạn. Tăng cường bảo vệ, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển.

- Xây dựng lực lượng kiểm ngư đủ mạnh để Bảo vệ nguồn lợi gắn với Bảo vệ ngư dân và quốc phòng an ninh trên biển và hải đảo. Xây dựng mối quan hệ tương hỗ ngành thủy sản với các ngành kinh tế khác nhằm phát triển thủy sản và xã hội nghề cá bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về công tác Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và Bảo vệ nguồn nước cho cộng đồng ngư dân, trong đó tập trung đối tượng là dân cư vùng ven biển, ngư dân trực tiếp khai thác thủy sản và đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh trong toàn tỉnh.

Tags: nguon loi thuy san, nuoi thuy san, nuoi tom


Có thể bạn quan tâm

kiem-tra-kiem-soat-xu-ly-cac-vi-pham-phap-luat-trong-linh-vuc-thuy-san Kiểm tra, kiểm soát xử… phat-trien-nganh-khai-thac-thuy-san-ben-vung Phát triển ngành khai thác…