Tin thủy sản Phát triển mô hình lúa - cá theo hướng thâm canh, bán thâm canh

Phát triển mô hình lúa - cá theo hướng thâm canh, bán thâm canh

Tác giả Đinh Chúc, ngày đăng 08/09/2017

Mô hình sản xuất kết hợp lúa - cá là một hướng đi nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái tự nhiên, tạo ra sản phẩm cá và lúa sạch cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, mô hình đã giúp bà con nông dân vùng trũng, vùng lũ trong tỉnh chuyển dịch sản xuất, nâng cao thu nhập.

Thu hoạch cá trên mô hình ao nổi ở xã Gia Phương (Gia Viễn). Ảnh: Nguyễn Trường

Khi vụ lúa đông xuân kết thúc cũng là thời điểm mùa mưa bão bắt đầu, nhiều diện tích đất nông nghiệp, nhất là ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô nằm trong vành đai đê bảo vệ của các con sông thường xuyên bị ngập úng, việc canh tác lúa mùa khó khăn, năng suất thấp. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã không gieo cấy vụ mùa mà chuyển sang thả cá, hiệu quả kinh tế đem lại rõ rệt. 

Ông Đỗ Mạnh Nhưỡng, xã Thanh Lạc (Nho Quan) cho biết: Gia đình tôi bắt đầu thuê đất ruộng vụ mùa và nuôi thả cá từ năm 2013. Nhưng do không nắm rõ kỹ thuật chăn nuôi, chủ yếu là tự học hỏi trên mạng Internet nên có năm cá mắc bệnh, năng suất không cao. Khi Trung tâm Giống thủy sản Ninh Bình triển khai mô hình nuôi thả cá ruộng trũng, gia đình tôi nhận tham gia và mong muốn tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất những năm tiếp theo.

Trung tâm đã hỗ trợ cho gia đình 2.250 con cá chép giống, 1.350 con cá trắm giống nuôi thả trong diện tích 1,5 ha; cùng với thức ăn công nghiệp, thuốc phòng bệnh. Hàng tuần, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm xuống tận nơi để hướng dẫn cách vệ sinh ruộng nuôi, kiểm tra môi trường, đánh giá chất lượng con giống... 

Nhờ đó, cá sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, cá chép có trọng lượng khoảng 1,4kg mỗi con, cá trắm có trọng lượng trên 2kg. Năng suất thu hoạch ước đạt 5 tấn cá/ha. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm có thể thu lãi khoảng 70 triệu đồng. 

Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân nuôi thả cá thì hiện vẫn còn không ít khó khăn: Nguồn giống cá nước ngọt trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 10-20% nhu cầu, phần còn lại chủ yếu nhập từ các tỉnh ngoài, chất lượng không được kiểm soát chặt chẽ, do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cũng như an toàn dịch bệnh ở các vùng nuôi. 

Bên cạnh đó, vấn đề “đầu ra” cho cá ruộng cũng đang làm khó người nuôi. Cá nuôi ở ruộng phải thu hoạch đồng loạt trong khoảng thời gian cuối tháng 12 âm lịch; nếu thu hoạch sớm hơn thì cá chưa đủ trọng lượng thương phẩm, còn thu muộn thì ảnh hưởng đến sản xuất vụ sau. 

Mặt khác, thu hoạch rộ cùng một lúc rất dễ bị tư thương ép giá, phải bán rẻ. Do trên địa bàn tỉnh chưa có đầu mối thu gom lớn và không có các cơ sở chế biến thu mua để tạo tính ổn định, nên người nuôi cá rơi vào tình thế bị động. 

Bên cạnh những khó khăn trên thì yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, nhiều năm nay nắng nóng, hạn hán, mưa lũ thường xuyên xảy ra, trong khi đó hệ thống thủy lợi nhiều nơi còn bất cập, chưa hoàn chỉnh đã khiến cho diện tích mặt nước nuôi thả cá bị giảm sút.

Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ở lĩnh vực thủy sản, tỉnh ta xác định phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt sẽ lấy trọng tâm là phát triển nuôi trồng thủy sản ruộng trũng. Hình thức nuôi chủ yếu tại khu ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi chuyên canh theo hướng thâm canh, bán thâm canh; vùng ruộng trũng nuôi cá kết hợp với cấy lúa thì nuôi theo hình thức bán thâm canh, quảng canh cải tiến. Mục tiêu đến năm 2020 nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh lên 13.650 ha, phấn đấu đạt mức độ tăng trưởng bình quân 10%/năm; giá trị sản xuất thủy sản năm 2020 đạt 1.749 tỷ đồng. 

Để dần hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều hoạt động như: Hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT, các chương trình nâng cấp đàn cá bố mẹ cho các cơ sở sản xuất giống, quy hoạch các vùng nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hay du nhập nuôi thử nghiệm các đối tượng giống mới có giá trị kinh tế cao, trợ giá cá giống cho bà con nông dân… đã được ngành Nông nghiệp triển khai. 

Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT) đã triển khai hỗ trợ khoảng 12 vạn con cá giống và trên 8 tấn thức ăn công nghiệp cho 4 nhóm hộ gia đình ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn trong dự án “Xây dựng mô hình chuyển đổi diện tích vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản”. 

Mô hình cho sản lượng cá/ha tăng gấp 2 lần; trọng lượng cá thương phẩm và giá bán cũng cao hơn so với phương thức nuôi cá quảng canh thông thường mà người dân vẫn đang áp dụng. Mới đây nhất, Trung tâm Giống thủy sản Ninh Bình cũng đã xây dựng thành công mô hình điểm vùng ương giống cá chép tại xã Yên Thắng (Yên Mô). 

Anh Nguyễn Văn Vũ, một trong những hộ tham gia mô hình phấn khởi cho biết: Gia đình tôi làm nghề ương cá giống từ nhiều năm nay, chủ yếu là tự mày mò làm theo kinh nghiệm, giống cá bột thì lấy tự do trôi nổi bên ngoài. Được cán bộ Trung tâm hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ nguồn giống cá bột chất lượng nên cá lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, giống đẹp và nhiều người đã đến đăng ký mua về thả. 

Toàn xã Yên Thắng có khoảng 100 ha đất ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang mô hình lúa-cá, thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/ha. Việc đưa mô hình ương giống cá chép vào địa bàn sẽ từng bước chủ động cung ứng giống chất lượng cho bà con, góp phần tăng tính chuyên nghiệp trong sản xuất, tăng giá trị kinh tế của mô hình.

Xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có giá trị kinh tế cao; vùng nuôi cá ruộng trũng ở huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô; mở rộng các vùng ương nuôi cá giống tập trung ở Yên Mô, Yên Khánh; cùng với đó là việc tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ, hoạt động khuyến ngư...là những giải pháp nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nuôi thả cá ruộng trũng theo hướng thâm canh, hiệu quả của tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

thanh-cong-tu-mo-hinh-chan-nuoi-ca-chach-sun Thành công từ mô hình… lorica-giai-phap-moi-bao-ve-suc-khoe-dan-tom-nuoi Lorica: Giải pháp mới bảo…