Mô hình kinh tế Phát Triển Nông Nghiệp Đô Thị Từ Vốn Vay

Phát Triển Nông Nghiệp Đô Thị Từ Vốn Vay

Ngày đăng 11/08/2014

Hóc Môn là một trong những huyện của TPHCM đang chuyển dịch sang nông nghiệp đô thị. Nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa, trồng hoa lan, cây kiểng… đã có được sự thành công nhờ nguồn vốn tín dụng kịp thời.

Ở ấp Thới Tây 2 (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), chị Nguyễn Thị Hường được coi là một trong những nông dân “đại gia” với đàn bò sữa 45 con, một trạm thu mua sữa quy mô 7 tấn/ngày, một đại lý thức ăn cho bò sữa và nhiều tài sản có giá trị.

Trước đây, chị Hường chỉ nuôi bò lấy sữa. Sau nhiều năm nuôi bò, chị nhận thấy lợi nhuận của gia đình và của các hộ nuôi bò sữa trong vùng bị ảnh hưởng khá nhiều khi mà họ phải lấy cám ở các đại lý với giá cao. Để tự cứu mình và giảm bớt khó khăn cho các hộ nuôi bò sữa khác, chị Hường đã quyết định liên hệ trực tiếp với các nhà máy SX TĂCN lấy cám về sử dụng và bán lại cho các hộ nuôi bò khác với giá rẻ hơn của các đại lý.

Cái khó của chị Hường lúc này là vốn liếng, bởi khi lấy thức ăn từ các nhà máy, chị phải thanh toán ngay toàn bộ giá trị lô hàng. Mang về bán lại cho các hộ nông dân khác, chị lại không thể nhận tiền ngay mà phải chấp nhận cho họ trả theo kiểu gối đầu, tức là lần sau đến lấy cám mới trả tiền của đợt mua trước. Mà mỗi lần lấy cám, bình quân mỗi hộ lấy tới cả trăm bao cám.

Để có nguồn vốn cần thiết, chị Hường đành phải tính tới việc tiếp cận với các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Thế nhưng, cứ nghĩ tới chuyện thủ tục rầy rà, phức tạp khi đi vay vốn, là chị lại thấy ngại ngần. Phải đến khi gặp được cán bộ tín dụng của Agribank Chi nhánh Hóc Môn và được hướng dẫn làm thủ tục một cách tận tình, chị Hường mới mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng này.

Nhờ nguồn vốn đó, chị Hường đã trở thành nhà cung cấp thức ăn chất lượng tốt, giá hợp lý cho 70 hộ nuôi bò sữa, với lượng cám tiêu thụ mỗi tháng là 200 tấn. Những hộ này không chỉ mua cám mà còn đem sữa đến bán ở trạm thu mua sữa của chị Hường. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, chị Hường thu mua được 7 tấn sữa.

Cũng nhờ nguồn vốn vay kịp thời từ Agribank, ông Trần Văn Xê, nông dân ở ấp 3, xã Xuân Thới Sơn (Hóc Môn) đã xây dựng được phòng cấy mô cây lan. Sau 2 lần đi tham quan, học hỏi mô hình cấy mô ở Thái Lan (năm 2006) và Đài Loan (2008), ông Xê mê lắm. Trở về nhà, ông quyết tâm phải xây dựng bằng được 1 phòng cấy mô để nhân giống cây lan.

Đến năm ngoái, ông đã mạnh dạn vay 1,5 tỷ đồng từ Agribank Chi nhánh Hóc Môn để xây dựng phòng cấy mô hoàn chỉnh và đã bắt tay cấy mô cây lan, qua đó chuyển hẳn từ trồng lan cắt cành sang làm lan giống để có lợi nhuận cao hơn và phù hợp hơn với sức khỏe của một lão nông đã ngoài 60 tuổi.

Nhiều DN trên địa bàn huyện Hóc Môn cũng đã nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn tín dụng của Agribank mà phát triển ổn định hoặc vượt qua được những giai đoạn khó khăn. Đầu năm nay, giá gà trên thị trường xuống thấp, Cty CP Phát triển Nông nghiệp TNXP (ADACO) đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nề. Một số Cty có đầu tư SXKD gia cầm khác trên địa bàn TP.HCM cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Trước tình thế đó, UBND TP.HCM đã đề nghị 4 ngân hàng thương mại cho 4 Cty chăn nuôi vay vốn ưu đãi để giữ đàn gia cầm hiện có và đẩy mạnh thu mua tạm trữ nhằm giúp giá gà thương phẩm lên trở lại, đồng thời chuẩn bị sẵn nguồn cung khi mà do thua lỗ kéo dài nhiều nông dân sẽ bỏ đàn.

4 ngân hàng thương mại đã đồng ý chủ trương của TP và tổ chức ký kết chương trình hỗ trợ vốn cho các Cty chăn nuôi. Nhưng khi đi vào thực hiện trong thực tế, các ngân hàng này lại đưa ra những thủ tục phức tạp khiến cho DN không thể tiếp cận được vốn.

Bí quá, ADACO đành mang theo chủ trương của TP, “chạy” về gõ cửa Agribank Chi nhánh Hóc Môn. Tuy không nằm trong nhóm ngân hàng mà TP đề nghị, nhưng Agribank Chi nhánh Hóc Môn đã tạo điều kiện để ADACO được vay khoản vốn tín chấp tới 10 tỷ đồng. Theo ông Vũ Minh Long, TGĐ ADACO, nhờ khoản vay rất kịp thời này, Cty đã giữ được đàn gà. Và nhờ đó, khi giá gà tăng trở lại, ADACO đã không bị mất trắng tới 9 tỷ đồng.

Ông Lê Trung Hậu, PGĐ Agribank Chi nhánh Hóc Môn cho hay, bám sát theo chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của TP, chi nhánh đang đẩy mạnh cho vay chăn nuôi bò sữa, trồng lan, cây kiểng…

Nhiều nông dân ở Hóc Môn đang có nhu cầu vay vốn để chuyển từ rau màu sang trồng lan, cây kiểng, hay mở rộng quy mô nuôi bò sữa... Vốn vay cho những mô hình này là không nhỏ, có thể tới 500 - 700 triệu hay vài tỷ đồng. Nhưng khi nông dân dùng đất để thế chấp thì khó có thể vay được số tiền như vậy, bởi đất nông nghiệp đang được định giá khá thấp.

Vì thế, để tạo điều kiện cho những các nông hộ có điều kiện chuyển đổi sang những mô hình trồng trọt có hiệu quả cao hơn hay mở rộng quy mô chăn nuôi có thể vay được nguồn vốn lớn, thì đối với đất nông nghiệp mà chủ sở hữu đang trực tiếp canh tác, nên có cơ chế thẩm định giá khác.


Có thể bạn quan tâm

dua-tuoi-rot-gia Dừa Tươi Rớt Giá gia-lai-hoan-thanh-tiem-phong-vac-xin-cho-dan-gia-suc Gia Lai Hoàn Thành Tiêm…