Tin thủy sản Phát triển nuôi cá lồng ở Song Giang

Phát triển nuôi cá lồng ở Song Giang

Tác giả Văn Phong - Việt Anh, ngày đăng 15/03/2016

Từ khi mô hình thí điểm nuôi cá lồng trên sông của Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai năm 2013, đến nay toàn tỉnh phát triển được gần 800 lồng nuôi với các giống cá nuôi chủ yếu là chép, trắm, điêu hồng, cá lăng và cá ngạnh. Trong đó, xã Song Giang (Gia Bình) trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao từ nghề nuôi cá lồng.

Ông Đào Xuân Chuẩn, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng (thôn Chi Nhị, xã Song Giang) cho biết: “Sau nhiều năm, tôi lặn lội đi các nơi như Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… học hỏi các mô hình nuôi cá lồng trên sông. Tôi nhận thấy cá nuôi trong lồng có nhiều ưu điểm như: Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, ít dịch bệnh, năng suất cao, thuận tiện trong chăm sóc và thu hoạch. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng ô-xy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá sinh trưởng, phát triển tốt. Nghĩ là làm, năm 2014, tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi 2 lồng thử nghiệm. Nhờ ứng dụng KHKT trong nuôi trồng thủy sản, đem lại hiệu quả rõ rệt: Tốc độ tăng trưởng và chất lượng thịt cá thơm ngon, săn chắc hơn; giá cá bán cao hơn nuôi trong ao từ 1,2 đến 1,5 lần”.

HTX Dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng, ở thôn Chi Nhị được thành lập từ năm 2014, ban đầu chỉ có 5 thành viên với 10 lồng nuôi cá trên sông Đuống. Vụ sản xuất đầu tiên, 10 lồng nuôi thả cá lăng, cá rô phi đơn tính của các thành viên HTX đã mang tín hiệu khả quan, sau khi trừ chi phí, mỗi lồng cho thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt, một số hộ dân đã xin ra nhập. Đến nay, HTX thu hút 15 thành viên tham gia đầu tư hơn 20 tỷ đồng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi trên diện tích 15 ha cùng với hơn 60 lồng nuôi cá.

Ông Đào Xuân Hạnh, thành viên của HTX Dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng chia sẻ: “Nếu người dân cứ mạnh ai nấy làm riêng lẻ, sẽ rất khó khăn trong quá trình chăm sóc cũng như bao tiêu sản phẩm. Khi người dân cùng bắt tay tham gia mô hình HTX, họ sẽ nâng cao tính tương trợ, giảm bớt những nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh như tự hạ giá, phá giá lẫn nhau. Đồng thời, sẽ có cơ hội tiếp cận ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập”.

Ông Nguyễn Bá Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Song Giang (Gia Bình) cho biết: Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh đã góp phần không nhỏ trong việc tận dụng điều kiện tự nhiên, chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề ở nông thôn. Trong những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng đầu tư cho nghề nuôi cá lồng ngày càng phát triển.

Theo ông Phan Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, Bắc Ninh có nhiều lợi thế về địa lý như sông Đuống, sông Thái Bình chảy qua cùng với sự quan tâm hỗ trợ về chính sách nên nghề nuôi cá lồng trên sông đang mở ra hướng đi mới, hiệu quả của nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lồng ở Song Giang và nhiều địa phương khác trong tỉnh phát triển bền vững, trong thời gian tới, khuyến khích các hộ nuôi theo quy hoạch, tránh tình trạng tự phát. Các địa phương cũng cần thành lập HTX nuôi trồng thủy sản để giúp các hộ nuôi cá lồng có sự liên kết chặt chẽ với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, tính toán chọn lựa loài cá phù hợp với điều kiện chăm sóc, môi trường sống. Cùng với đó, công tác phòng trừ dịch bệnh cho các đối tượng nuôi trong lồng cũng cần được triển khai tới các hộ nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn. Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh phát triển được 1.200 lồng nuôi cá trên sông.


Có thể bạn quan tâm

san-luong-ca-tra-giam-manh Sản lượng cá tra giảm… 18-000-dong-kg-ca-nuc-ngu-dan-thu-ve-gan-nua-ti-dong 18.000 đồng/ kg cá nục,…