Mô hình kinh tế Phát Triển Nuôi Tôm Hùm Hiệu Quả, Bền Vững

Phát Triển Nuôi Tôm Hùm Hiệu Quả, Bền Vững

Ngày đăng 29/05/2014

Tôm hùm, một loại hải sản có giá trị kinh tế cao, đang được nhiều địa phương chú trọng phát triển nuôi, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, với sản lượng hàng năm đạt 1.385 tấn, đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, nuôi tôm hùm là một nghề rất triển vọng, nhưng cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững.

Phụ thuộc nhiều vào tự nhiên

Theo Tổng cục Thủy sản, tôm hùm được nuôi phân bố từ Quảng Bình tới Bình Thuận nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nghề nuôi tôm hùm phát triển mạnh từ năm 2000 đến nay, số lượng lồng nuôi ước tính trên 43.000 lồng, tập trung nhiều ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, từ Bình Định đến Bình Thuận...

Theo thống kê, hiện các tỉnh có khoảng 8.000 - 10.000 hộ nuôi tôm hùm, sản lượng tôm hùm hằng năm đạt 1.385 tấn, chủ yếu là loài như tôm hùm bông, tôm hùm đá, tôm hùm sỏi và tôm hùm đỏ. Nghề nuôi tôm hùm đem lại nguồn thu 3.500 tỷ đồng mỗi năm.

Mặc dù nghề nuôi tôm hùm ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng theo Tổng cục Thủy sản, do trong nước cũng như trên thế giới chưa sản xuất được giống tôm hùm, phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt tự nhiên nên có những tác động tiêu cực đến nguồn lợi tôm hùm và môi trường tự nhiên.

Ngoài ra, một lượng không nhỏ tôm hùm giống bị chết do ngư dân sử dụng ánh sáng kết hợp với lưới; tận thu tôm hùm có kích thước nhỏ; phương pháp vận chuyển, lưu giữ và ương tôm giống chưa phù hợp… cũng là những nguyên nhân khiến cho nghề nuôi hôm hùm phát triển thiếu bền vững.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phú Yên cho biết, hiện nay, ngư dân khai thác con giống nhưng không bán thẳng cho người nuôi mà thông qua đầu nậu. Do đó, dịch bệnh có thể xuất hiện ngay từ khâu này.

Anh Nguyễn Văn Năm, người nuôi tôm hùm có kinh nghiệm trong khu vực vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) cho biết, hiện chúng ta chưa thể cho tôm hùm sinh sản trong môi trường nhân tạo. Toàn bộ số tôm hùm con đưa vào nuôi là do ngư dân bẫy bắt ngoài môi trường thiên nhiên. Vì thế, lượng tôm giống năm ít, năm nhiều, giá cả thiếu ổn định. Từ đầu năm 2014, do khan hiếm, mỗi con tôm hùm con (loại tôm trắng) có giá tới 350 nghìn đến gần 400 nghìn đồng.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch, nguồn giống và thức ăn cũng đang cản trở nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển. TS. Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết, thống kê trong 10 năm qua, từ năm 2003 đến nay gần như các vùng nuôi vẫn duy trì sản lượng hơn 1.500 tấn tôm hùm/năm, với khoảng 40.000 - 50.000 lồng. Dù tôm hùm là đối tượng nuôi rất tiềm năng nhưng rõ ràng do thiếu quy hoạch nên các địa phương không có căn cứ để phát triển.

Hiện, một số tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm; nhiều điểm nuôi nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nghề này.

Bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh, đầu ra, giá cả tôm hùm cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của người nuôi. Chẳng hạn, những ngày đầu năm 2014, giá tôm lên đến gần 2,5 triệu đồng/kg, nhưng sau đó giảm xuống từ 1,8 - 2,3 triệu đồng/kg và nay chỉ còn khoảng 1,6 triệu đồng/kg. Không những thế, sản lượng tôm hùm thấp, không đều, chỉ trên dưới 1.000 tấn/năm nên chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc hoặc tiêu thụ nội địa.

Quy hoạch vùng nuôi an toàn

Theo ông Thanh Tùng, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, từ nay đến năm 2015, Tổng cục Thủy sản sẽ hoàn thành quy hoạch tổng thể và chi tiết về nuôi tôm hùm, đặc biệt là xác định cụ thể vị trí, mô hình nuôi, khoảng cách, mật độ lồng bè để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Yên Biện Minh Tâm cho biết, tỉnh đang triển khai quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tôm hùm ở các địa phương. Đến nay, đã hoàn thành việc khảo sát, lập và phê duyệt hồ sơ phân giới, cắm mốc mặt nước biển; xây dựng phương án bố trí lồng bè nuôi phù hợp (từ 30 đến 40 lồng/ha).

Đồng thời, vận động người nuôi thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng bè; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật và phòng trừ dịch bệnh; tăng cường quản lý việc khai thác tôm hùm giống, cần loại bỏ các phương pháp đánh bắt, mang tính chất hủy diệt.

Tiến sĩ Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, cho rằng để nghề nuôi tôm hùm phát triển ổn định và bền vững, cần phải tập trung đầu tư để sản xuất giống nhân tạo. Bên cạnh đó, cần sản xuất thức ăn viên nhân tạo cho tôm, nghiên cứu giải pháp giảm ô nhiễm, ngăn ngừa dịch bệnh, cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi tôm hùm lồng và mật độ nuôi phù hợp.

Ông Phạm Khánh Ly, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, cho biết để phát triển nuôi tôm hùm bền vững, trong năm 2014 này, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, chính sách, vốn vay, khuyến ngư, thị trường.

Về khoa học kỹ thuật, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu các cơ sở nghiên cứu khoa học của ngành triển khai nghiên cứu sản xuất giống tôm hùm nhân tạo. Trong khi chờ đợi sản xuất giống nhân tạo thì phải nghiên cứu giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình ương giống.

Nghiên cứu sớm sản xuất thức ăn công nghiệp trong nuôi tôm hùm. Giải pháp trước mắt khi chưa có thức ăn công nghiệp là nghiên cứu sử dụng thức ăn tự nhiên không ô nhiễm môi trường, đặc biệt là hướng sử dụng cá nước ngọt làm thức ăn cho tôm hùm.


Có thể bạn quan tâm

san-xuat-nhan-tao-giong-ghe-xanh Sản Xuất Nhân Tạo Giống… hoai-niem-mua-lua-ray Hoài Niệm Mùa Lúa Rẫy