Mô hình kinh tế Phát Triển Sản Xuất Nông Nghiệp Thân Thiện Với Môi Trường

Phát Triển Sản Xuất Nông Nghiệp Thân Thiện Với Môi Trường

Ngày đăng 25/07/2014

Theo kết quả điều tra của các ngành chức năng trong khi xây dựng quy hoạch BVMT tỉnh đến năm 2020 cho thấy, cùng với quá trình tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta cũng đã bộc lộ những mặt trái tác động tiêu cực đến môi trường, làm gia tăng tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Đó là tình trạng xả trực tiếp các loại chất thải trong chăn nuôi và để phát tán lượng lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư xuống hệ thống kênh mương nội đồng, khiến cho nhiều khu vực bị ô nhiễm.

Chất thải chăn nuôi tăng nhanh với khối lượng lớn, chăn nuôi quy mô hộ gia đình còn nhiều trong các khu dân cư; nhiều trang trại chưa nghiêm túc áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật để quản lý, xử lý triệt để đã tạo ra nhiều nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe người dân. Trước tình trạng trên,  phát triển những mô hình, phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường là một ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế của tỉnh, các ngành hữu quan và các địa phương.

Việc tổ chức lại sản xuất cho phù hợp, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, khó khăn cho việc thống nhất điều hành, kiểm soát việc sử dụng các loại hóa chất trong quá trình sản xuất giảm thiểu các tác động đến môi trường, ngành NN và PTNT đã tranh thủ các chương trình, dự án để khuyến khích, đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn, kiến thiết, chỉnh trang đồng bộ hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng giúp bà con nông dân có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Tuyên truyền, vận động nông dân tích cực cải tạo đồng ruộng, thay đổi tập quán canh tác.

Hằng năm, Sở NN và PTNT, các huyện đã xây dựng các mô hình trình diễn các giống cây trồng mới có tiềm năng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và đã tìm ra nhiều giống cây trồng phù hợp với đồng đất, điều kiện và tập quán canh tác của các địa phương như các giống lúa: Nam Định 5, Thái Xuyên 111, TBR45, RVT…; các cây màu như: ngô lai DK888; đậu tương DT84; lạc L18, L26; khoai tây Diamant, Solara; cà chua TN005, Savior; bí xanh đá… đã được các địa phương tích cực đưa vào sản xuất.

Trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho hoa màu, đã hướng dẫn bà con nông dân tích cực thực hiện nguyên tắc “4 đúng” trong phun thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như quy trình thâm canh lúa chất lượng cao, gieo sạ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, trồng rau màu an toàn theo quy trình VietGAP, trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu phủ rạ…

Những phương pháp kỹ thuật mới này hạn chế được mức độ sâu bệnh, giảm số lần phun thuốc và lượng nước cần sử dụng trong hoạt động trồng trọt, giảm thiểu mức độ gây ô nhiễm môi trường. Toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi, nuôi thủy sản có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần BVMT.

Trong nuôi trồng thủy sản, các trang trại nuôi lớn và các hộ ở những vùng nuôi thuỷ sản trọng điểm trong tỉnh đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, kiểm soát, hạn chế tối đa các mối nguy hại gây ô nhiễm nguồn nước. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, các mô hình nuôi gà an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP; nhiều mô hình nuôi lợn đảm bảo vệ sinh môi trường đã được các hộ dân mạnh dạn đầu tư thực hiện.

Đặc biệt, từ đầu năm 2014 đến nay, Sở NN và PTNT đã triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ trên toàn tỉnh với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, thông qua việc mở rộng và phát triển chương trình khí sinh học tạo nguồn năng lượng sạch; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Hiện đã có gần 2.000 hộ dân đăng ký xây dựng hầm bằng bê tông cốt thép và composite; trong đó có trên 300 hầm khí bi-ô-ga đã được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng tại các địa phương.

Phương thức này cho phép quản lý chất thải, an toàn với môi trường, tận dụng cơ bản triệt để nguồn năng lượng khí ga phục vụ các nhu cầu đời sống sinh hoạt như: đun nấu, thắp sáng, sưởi ấm hệ thống chuồng trại... Bên cạnh đó, người dân còn có thể sử dụng chất thải, cặn bã lắng đọng sau khi phát khí ủ với phụ gia sinh học bằng công nghệ compost để làm phân bón cho cây trồng, đem lại nhiều lợi ích kinh tế vượt trội so với mục tiêu ban đầu.

Thời gian tới, các cấp, ngành chức năng sẽ tiếp tục chủ động khuyến khích và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các hoạt động nghiên cứu, tuyển chọn, chuyển giao về giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng NTM để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất gắn với BVMT đất, nước, hệ sinh thái; tăng cường áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM; đẩy mạnh xử lý phụ phẩm nông nghiệp theo hướng để tái sử dụng.

Tăng cường kiểm tra, xử lý, đình chỉ sản xuất đối với các trang trại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đôn đốc các trang trại, gia trại gây ô nhiễm môi trường thực hiện các biện pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm; yêu cầu các trang trại phải có đầy đủ công trình, biện pháp BVMT đáp ứng yêu cầu về xử lý ô nhiễm.

Các địa phương khẩn trương quy hoạch vùng chăn nuôi cho từng loại vật nuôi, quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi quy mô lớn đầu tư xây dựng mô hình xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại, triển khai ứng dụng mô hình xử lý nước thải sau bể bi-ô-ga, làm cơ sở hướng dẫn, nhân rộng áp dụng cho các trang trại chăn nuôi.


Có thể bạn quan tâm

my-ha-phat-trien-kinh-te-trang-trai-gia-trai Mỹ Hà Phát Triển Kinh… mo-hinh-lam-giau-tu-mit-nghe-o-lam-dong Mô Hình Làm Giàu Từ…