Phòng bệnh cho cá biển nuôi lồng bè
Cá nuôi lồng bè hay mắc một số bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng. Phòng ngừa bệnh sẽ giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Tránh đặt lồng bè ở vùng nước bị ô nhiễm - Ảnh: Quang Quyết
Một số bệnh thường gặp
Cá biển nuôi lồng bè thường mắc một số loại bệnh do nhóm vi khuẩn Vibrio sp gây ra, hoặc một số loại nguyên sinh động vật ký sinh trên toàn thân làm tổn thương da, mang. Dấu hiệu nhận biết chung các bệnh phổ biến này là cá bị xuất huyết, da và các phần bị bệnh sưng tấy, lở loét. Những bệnh này thường xuất hiện khi môi trường nuôi bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi thất thường, chuyển mùa. Sức đề kháng của cá yếu, cá bị stress cũng góp phần khiến dịch bệnh phát sinh, phát triển.
Ngoài các bệnh thông thường, cá nuôi lồng biển cũng có thể mắc các bệnh nguy hiểm do virus gây ra, như bệnh hoại tử thần kinh, bệnh “cá ngủ” do Iridovirus,…
Cách phòng trị
Việc phòng bệnh hiệu quả đối với nuôi cá lồng bè cần thực hiện ngay từ khi chọn vị trí neo đặt lồng bè, tránh đặt nơi vùng nước bị ô nhiễm.
Chọn cá giống khỏe mạnh, không xây xát, dị hình, bệnh tật, không thả mật độ quá dày.
Nuôi cá lồng biển thường sử dụng thức ăn tươi là cá vụn, cá tạp; đây cũng là nguồn lây bệnh trực tiếp cho cá và sẽ làm ô nhiễm nguồn nước nếu thức ăn thừa. Cần quản lý thức ăn thật tốt, đặc biệt không sử dụng thức ăn đã ươn, thối.
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, vệ sinh lồng bè, lưu thông dòng chảy, đảm bảo lượng ôxy hòa tan. Khi môi trường thay đổi, nước biển phát sáng, nhớt hoặc có váng, cần có biện pháp phòng ngừa bệnh ngay.
Sử dụng thuốc và hóa chất để phòng ngừa bệnh cũng là phương pháp hiệu quả: Đối với bệnh do ký sinh trùng, xử lý bệnh bằng cách dùng formol liều lượng 200 ml/m3 tắm cho cá 30 - 60 phút, sục khí mạnh đồng thời phun lên lưới lồng để vệ sinh lưới.
Những bệnh do vi khuẩn có thể trị bằng cách dùng Oxytetracyline 2 - 3g trộn vào 1kg thức ăn, cho ăn liên tục 5 - 7 ngày hoặc nhốt cá bệnh riêng và bôi thuốc trực tiếp lên vết thương.
Với bệnh lở loét và tróc vảy, có thể dùng kháng sinh kết hợp tắm bằng Rifamycin (30 - 50ppm) và cho trộn vào thức ăn Erythromycin (100 mg/kg cá/ngày), dùng 5 ngày liền. Khi cá bị xuất huyết đường ruột, có thể dùng thức ăn bổ sung 25 - 30mg Erythromycin/kg cá/ngày và tiêm Streptomycin/kg cá/ngày, dùng 5 ngày liên tiếp. Trị bệnh mù mắt cho cá song bằng cách dùng kháng sinh kết hợp cho ăn Streptomycin với lượng 25 - 30 mg/kg cá/ngày và tiêm Streptomycin với liều 0,2 mg/kg cá/ngày. Ở bệnh mòn đuôi và hoại tử, dùng kết hợp kháng sinh Oxolinic acid trộn thức ăn với liều lượng 20 mg/kg cá, trộn để cho cá ăn và tắm kháng sinh Acriflavin 100 g/m3 nước trong 1 - 2 phút, 5 ngày liền.
Treo túi thuốc tím hoặc TTCA đầu dòng chảy định kỳ cũng là phương pháp tốt để hạn chế bệnh cho cá nuôi. Vớt cá chết ra khỏi lồng bè và xử lý cẩn thận; không vứt cá chết ra khu vực nuôi.
Tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn cho cá, giúp cá khỏe và tăng sức đề kháng môi trường và bệnh tật.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ