Phòng Chống Bệnh Cúm Gia Cầm
Đồng Nai là tỉnh có đàn gà lên đến trên 8 triệu con, vào dịp cuối năm thời tiết lạnh, ẩm sẽ là điều kiện thuận lợi để bệnh cúm gia cầm phát sinh gây hại. Dưới đây là một số cách nhận biết bệnh và phương pháp phòng trừ bệnh cúm gia cầm.
1/ Đặc điểm của bệnh
- Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm type A thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Virus cúm A gây bệnh cho gia cầm, một số loài động vật có vú và người. Bệnh cúm gia cầm động lực cao (HPAI) được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) xếp vào danh mục bảng A. Virus cúm gia cầm hiện nay được xác định thuộc type H5N1. Trước đây, loại virus này chỉ gây bệnh cho gia cầm, song hiện nay lại gây bệnh cho cả thủy cầm và động lực của nó rất mạnh. Type virus này có tính biến dị cao, có thể kết hợp với các type khác sinh ra đại dịch. Virus lây lan mạnh trong điều kiện độ ẩm cao và nhiệt độ lạnh. Virus cúm cư trú trên các loài thủy cầm di cư như: cò ngỗng trời, vịt trời... nên khả năng lây lan bệnh rất rộng và khó kiểm soát.
2/ Triệu chứng của bệnh
- Loài mắc bệnh: gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, các loài chim...
- Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 21 ngày, có trường hợp kéo dài đến 28 ngày.
- Gà bị bệnh cúm thường sốt cao, chảy nước mắt, đứng tụm một chỗ, lông xù, phù đầu và mắt, da tím tái, chân xuất huyết, chảy nước dãi, mào và yếm tím tái.
- Tỷ lệ mắc bệnh cúm và chết tùy thuộc vào loài vật mắc bệnh, động lực của virus gây bệnh cũng như tuổi mắc và điều kiện môi trường. Trường hợp virus gây bệnh có động lực cao, gà có thể chết 100%.
- Ngoài ra, khi gà bị cúm còn có thêm biểu hiện ăn ít, giảm sản lượng trứng, một số con còn có biểu hiện bị co giật.
3/ Đường lây truyến
- Bệnh cúm gia cầm có thể truyền trực tiếp từ con nhiễm bệnh cho con khỏe.
- Bệnh cúm gia cầm còn truyền gián tiếp thông qua không khí, dụng cụ chăn nuôi, xe cộ, phân rác, thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh.
4/ Phòng bệnh
- Các trại chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn mầm bệnh lây lan vào trại.
- Với các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ bảo hộ lao động và người vào trại phải được tiêu độc khử trùng. Thức ăn nước uống, chất độn chuồng phải đảm bảo không chứa mầm bệnh. Ngoài ra người chăn nuôi nên đăng ký với trạm thú y trên địa bàn để thẩm tra điều kiện vệ sinh thú y và cấp chứng nhận cho phép chăn nuôi. Đăng ký với trạm thú y để tiến hành lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm virus cúm theo quy định.
- Thường xuyên sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, vệ sinh thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi. Hạn chế tối đa người ra vào trại, phương tiện vận chuyển trước khi vào trại phải qua hố sát trùng ở cổng, đồng thời thường xuyên thay thuốc sát trùng tại các hố trước cổng để ngăn chặn virus từ bên ngoài xâm nhập vào qua các phương tiện vận chuyển.
- Cho gia cầm ăn đầy đủ khẩu phần các loại cám có chất lượng tốt và ổn định, cho uống thêm B. Complex giúp cho gia cầm khỏe mạnh tăng sức đề kháng với bệnh. Ngoài vaccine cúm gia cầm tiêm theo sự hỗ trợ của Nhà nước cần tiêm phòng định kỳ, đầy đủ các loại vaccine thông thường như: Marek gà; Gumboro gà; đậu gà; tả gia cầm; tụ huyết trùng gia cầm theo lịch của cơ quan thú y địa phương, giúp cho gia cầm miễn dịch với các bệnh này.
- Chỉ nên mua gia cầm khỏe mạnh được tiêm phòng đầy đủ và có nguồn gốc rõ ràng để nuôi. Lưu ý khi mua gia cầm về nên nhốt riêng cách xa đàn gia cầm gia đình đang nuôi, cho uống thuốc bổ trong vòng 10 - 15 ngày bằng cách dùng nước sạch hòa với B.complex cho uống 2 lần/ngày vào sáng và tối, sau thời gian cách ly thấy gia cầm khỏe mới thả vào nuôi chung với đàn gia cầm đang nuôi.
- Những ngày thời tiết lạnh, thả gia cầm muộn và nhốt sớm. Duy trì nhiệt độ chuồng nuôi và nhốt gia cầm theo ngày tuổi, tháng tuổi. Giữ chuồng luôn khô sạch, vệ sinh chuồng trại định kỳ bằng các loại thuốc sát trùng có hiệu quả dài ngày (loại thuốc có thành phần Iot như Han Iodine 10%), khoảng 7 - 10 ngày phun/lần sau khi dọn chất độn chuồng.
- Có thể cho gia cầm ngửi khói quả bồ kết định kỳ 5 - 7 ngày/lần, làm mũi gà thông thoáng, phòng hiệu quả các bệnh về đường hô hấp và tiêu diệt virus cúm, giúp gia cầm khỏe mạnh chống lại bệnh.
- Khoảng 2 - 3 ngày cho gà uống nước tỏi pha loãng/lần. Đập dập 2 - 3 củ tỏi sống, để trong không khí 15 - 20 phút sau đem hòa với 10 - 15 lít nước đem cho gà uống, bã tỏi rải quanh chuồng cho gà ngửi mùi. Các chất kháng sinh thực vật có trong tỏi tiêu diệt mạnh virus cúm gia cầm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ