Tin nông nghiệp Phòng, chống bệnh đốm sọc vi khuẩn và bạc lá hại lúa vụ mùa 2018

Phòng, chống bệnh đốm sọc vi khuẩn và bạc lá hại lúa vụ mùa 2018

Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hà, ngày đăng 07/08/2018

Bệnh đốm sọc vi khuẩn và bạc lá do vi khuẩn gây ra. Trong những năm gần đây, bệnh có xu hướng gia tăng gây hại trong vụ mùa trên các giống như Bắc thơm số 7, Tẻ thơm, BC15, TBR225, lúa lai… và những chân ruộng trũng, lưu nước, bón nhiều đạm

- Bệnh đốm sọc vi khuẩn: Vết bệnh trên lá là những sọc nhỏ ngắn khác nhau, chạy dọc giữa các gân lá, lúc đầu vết sọc xanh trong giọt dầu, dần chuyển màu nâu, tạo thành các sọc nâu hẹp, xung quanh sọc nâu có thể có quầng vàng nhỏ. Trong điều kiện ẩm ướt về buổi sáng trên bề mặt sọc nâu tiết ra những giọt dịch nhỏ, tròn, màu vàng đục, về sau khô rắn thành viên keo vi khuẩn trong như hạt trứng cá. Bệnh nặng khô táp lá tương tự như bệnh bạc lá vi khuẩn.

-  Bệnh bạc lá: Vết bệnh xuất hiện từ mép lá, thường từ chóp lá, mút lá, sau đó lan dần vào trong phiến lá hoặc kéo dài theo gân chính, hoặc vết bệnh xuất hiện ngay giữa phiến lá lan rộng ra, ranh giới giữa mô bệnh và mô khỏe được phân biệt rõ ràng theo đường gợn sóng màu vàng hoặc viền nâu. Bệnh hại nặng làm lá lúa khô xác.

-  Nguyên nhân và đặc điểm lây lan: Bệnh đốm sọc vi khuẩn do vi khuẩn Xanthomonasn oryzicola còn bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn Xanthomonasn oryzae gây ra. Vi khuẩn gây bệnh đốm sọc vi khuẩn và bạc lá lúa đều xâm nhập vào lá lúa qua lỗ khí khổng và các vết thương cơ giới trên lá. Nhiệt độ thích hợp cho vi khuẩn phát triển là 26-300C, PH thích hợp là 6,8-7, ẩm độ không khí trên 90%. Bệnh truyền lan trên đồng ruộng chủ yếu nhờ nước tưới, mưa, gió và tiếp xúc cọ sát giữa các lá, các cây trong ruộng.

- Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ấm nóng, ấm, ẩm ướt, nhiều mưa, gió bão. Những ruộng bón quá nhiều đạm, bón lai rai, bón phân không cân đối, cây lúa xanh tốt, thân lá mềm yếu, hàm lượng đạm tự do trong cây tích lũy cao làm cây dễ nhiễm bệnh nặng. Những chân ruộng chua, trũng, đặc biệt là những vùng đất hẩu, hàng lúa bị bóng cây che phủ thì bệnh phát triển mạnh hơn.

- Các giống lúa khác nhau thì độ mẫn cảm với bệnh cũng khác nhau; giai đoạn lúa làm đòng - trỗ đến chín sữa là giai đoạn lúa mẫn cảm nhất với bệnh và cũng gây thiệt hại năng suất cao nhất. Bệnh gây hại nặng hay nhẹ phụ thuộc chặt chẽ vào 3 yếu tố: cây trồng (giống nhiễm, giai đoạn sinh trưởng phù hợp); thời tiết( nóng, mưa nhiều kèm theo gió bão) và chế độ chăm sóc bón phân.

Giải pháp phòng  bệnh đốm sọc vi khuẩn và bạc lá

Để hạn chế tác hại do bệnh đốm sọc vi khuẩn và bạc lá gây ra trong vụ mùa 2018, bà con cần thực hiện các biện pháp quản lý ngay từ đầu vụ như sau:

1. Bố trí cơ cấu giống hợp lý, hạn chế cấy các giống mẫn cảm với bệnh đốm sọc vi khuẩn, bạc lá như: Bắc thơm số 7, TBR 225, lúa lai. Nếu cấy các giống này cần chủ động phòng chống bệnh tích cực ngay từ đầu vụ.

Xử lý hạt giống trước khi gieo, cấy tập trung, đúng lịch thời vụ theo chỉ đạo địa phương để thuận tiện chăm sóc và phòng trừ. 

Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây bệnh, bón vôi từ 15-20 kg/sào để xử lý đất, nhất là những vùng thường xuyên bị bệnh. 

Gieo cấy đúng mật độ, bón phân đúng kỹ thuật, đúng giai đoạn, bón đạm nặng đầu nhẹ cuối, bón thúc sớm cân đối với kali theo tỷ lệ nhất định (1:1). 

Tăng cường sử dụng phân hỗn hợp N:P:K tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng tốt và tăng khả năng chống chịu.

2. Ngay sau mỗi trận giông lớn hoặc lúc lúa mới chớm bị bệnh có thể dùng từ 2-3 kg vôi bột/sào để rắc khi lá lúa còn ướt nhằm sát khuẩn vết thương hạn chế sự lây lan của bệnh.

3. Khi bệnh xuất hiện, dừng ngay bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng.

4. Thuốc bảo vệ thực vật: Tại những vùng thường xuyên bị bệnh đốm sọc vi khuẩn và bạc lá, hoặc ruộng cấy giống nhiễm bệnh, có thể sử dụng một trong số các loại thuốc sau: Staner 20WP, Ychatot 900SP, Xantocin 40WP, Totan 200WP, Lobo 8WP hoặc hỗn hợp Totan 200WP + Tilt super 300 EC để phun khi bệnh mới xuất hiện( tỷ lệ dưới 5% số lá). Phun vào buổi sáng khô sương hoặc chiều mát, không phun buổi sáng đối với lúa đang trỗ bông. Phun rải đều lượng thuốc trên bề mặt lá lúa, hạn chế phối trộn thêm nhiều loại thuốc khác. Chú ý thu gom bao bì sau phun để hạn chế gây ô nhiễm môi trường. 


Có thể bạn quan tâm

trong-oi-dai-loan-thu-nhap-cao-o-con-cuong Trồng ổi Đài Loan thu… 10-tan-xoai-tuong-son-la-duoc-xuat-khau-trong-thang-6 10 tấn xoài tượng Sơn…