Mô hình kinh tế Phòng, chống dịch bệnh trên cá tra giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Phòng, chống dịch bệnh trên cá tra giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Ngày đăng 09/04/2015

Nhằm từng bước kiểm soát, hạn chế sự lây lan các bệnh truyền nhiễm, giảm thiệt hại cho người nuôi cá tra và ngân sách nhà nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu cá tra, sản phẩm cá tra. Ngày 27/3/2015, UBND tỉnh Tiền Giang đã Ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên cá tra giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (Ban hành kèm theo Quyết định số 720/QĐ-UBND ngày 27/3/2015)

Theo đó, hàng năm, có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra giống được lấy mẫu giám sát dịch bệnh và theo dõi việc sử dụng thuốc, hóa chất trong quá trình sản xuất, kinh doanh; có 75% ao nuôi cá tra thương phẩm được lấy mẫu giám sát dịch bệnh hàng năm. Đến năm 2016, có 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được giám sát việc sử dụng thuốc, hóa chất trong quá trình sản xuất và đến năm 2017, có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra giống và hộ nuôi cá tra thương phẩm có sổ theo dõi tình hình dịch bệnh và phòng trị bệnh cho cá tra.

Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên cá tra tập trung vào các nội dung:

- Tuyên truyền, tập huấn cho chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, người nuôi cá tra và các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương các chính sách, quy định của nhà nước đối với hoạt động nuôi thủy sản; các bệnh thường gặp trên cá tra và biện pháp phòng trị và kế hoạch giám sát dịch bệnh trên cá tra hàng năm.

- Cấp sổ quản lý nuôi thủy sản;

- Kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, hướng dẫn chủ cơ sở lập sổ theo dõi tình hình bệnh, quá trình sử dụng thuốc phòng trị bệnh cho cá nuôi;

- Kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi cá tra thương phẩm; kiểm tra việc đăng ký mã số nhận diện và đăng ký nuôi cá tra thương phẩm;

- Giám sát dư lượng kháng sinh trên cá tra nuôi;

- Phát hiện, xác định mức độ lưu hành của mầm bệnh, các yếu tố nguy cơ và triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cá tra.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các sở ngành có liên quan và địa phương trong việc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả việc thực hiện Kế hoạch này.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra giống, cơ sở nuôi cá tra có trách nhiệm chấp hành các quy định của Trung ương và địa phương liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và nuôi cá tra thương phẩm; hợp tác với cơ quan chuyên môn trong việc cung cấp mẫu giám sát; thông báo cho cơ quan thú y gần nhất hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện cá ương, nuôi tại cơ sở có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm và thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong phòng chống dịch bệnh (nếu có); tham gia tập huấn để cập nhật kiến thức và các chính sách, quy định của nhà nước có liên quan đến hoạt động của cơ sở.

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí thực hiện, phối hợp với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện. Riêng đối với kinh phí thực hiện phòng, chống bệnh trên cá tra của cấp huyện và cấp xã do ngân sách cùng cấp bố trí để thực hiện./.


Có thể bạn quan tâm

nguon-loi-thuy-san-bien-dang-can-kiet Nguồn lợi thủy sản biển… tom-hum-giam-gia-do-dau Tôm hùm giảm giá do…