Mô hình kinh tế Phòng Dịch Bệnh Mùa Đông Cho Vật Nuôi Còn Nhiều Kẽ Hở

Phòng Dịch Bệnh Mùa Đông Cho Vật Nuôi Còn Nhiều Kẽ Hở

Ngày đăng 29/11/2014

Thời điểm này, hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm diễn ra sôi động. Trong khi đó, công tác phòng ngừa vẫn còn nhiều kẽ hở kết hợp với thời tiết chuyển rét khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia tăng.

Coi nhẹ phòng ngừa

Gia đình anh Nguyễn Đình Trọng, thôn 16, xã Hương Lạc (Lạng Giang) làm nghề “gột” lợn hàng chục năm nay. Anh mua gom lợn giống ở nhiều nơi để “gột” nhưng không tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đầu tháng 11 vừa qua, một số con có triệu chứng bỏ ăn, sưng phù đầu rồi lăn ra chết, sau đó lây lan ra hàng chục con lợn khác, thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Anh Trọng cho biết: “Mỗi đợt, tôi vào đàn hàng trăm con lợn, nuôi một tháng rồi bán nên chỉ chăm sóc để mã đẹp, dễ bán. Khi nào lợn bị bệnh tôi mới tiêm thuốc”.

Trước đó vào cuối tháng 9, gia đình ông Phạm Văn Báo ở thôn Na Lang, xã Phong Minh (Lục Ngạn) có một con trâu thả rông trong rừng bị chết. Ông mang con trâu này về nhà làm thịt dẫn đến lây bệnh ra cả đàn trâu, lợn của gia đình và các hộ cùng thôn.

Tìm hiểu được biết trong tháng 9 ở thôn Na Lang có 44 con trâu, lợn bị mắc bệnh tụ huyết trùng cấp với biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, khó thở kèm theo chướng hơi, trong đó có 13 con chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Riêng gia đình ông Báo thiệt hại khoảng 70 triệu đồng.

Theo ông Hoàng Đăng Huyến, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), chỉ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn mới chú trọng tiêm phòng, còn hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn lơ là. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới tiêm được 10 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm, 100 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng cho trâu bò, 120 nghìn liều vắc-xin tai xanh cho đàn lợn nái và đực giống, đạt khoảng 60% tổng đàn trong diện phải tiêm, vì vậy hiệu quả phòng bệnh thấp.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt thấp là do người dân chưa có ý thức bảo vệ đàn vật nuôi mặc dù chi phí tiêm vắc-xin chỉ tốn 1-2 nghìn đồng/con. Ở một số xã, người dân có tập quán thả rông trâu, bò trong rừng nên rất khó tiêm phòng tập trung. Chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa tích cực vận động các hộ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm.

Bên cạnh tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt thấp, thời gian qua việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nhập lậu chưa được ngăn chặn triệt để. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 38 vụ vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nhập lậu và chưa qua kiểm dịch. Thêm vào đó, gia cầm lông được giết mổ thủ công tại một số chợ như: Nếnh (Việt Yên); Hà Vị, Hòa Yên (TP Bắc Giang)…hầu hết không được kiểm dịch, chưa bảo đảm vệ sinh thú y khiến mầm bệnh tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao sang đàn vật nuôi.

Anh Nguyễn Văn Sinh, chuyên buôn bán và giết mổ gia cầm tại chợ Hòa Yên, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) nói: “Tôi bán gà ở chợ này nhiều năm nay, mỗi ngày bán hàng trăm con gà lông và gà thịt sẵn nhưng không thấy cán bộ thú y kiểm dịch”.

Ngoài ra, theo quan sát của phóng viên, nhiều hộ dân chưa chú trọng quy trình chăn nuôi an toàn. Đơn cử tại gia đình anh Chu Văn Khôi, bản Lò Than, xã Canh Nậu (Yên Thế) nuôi mỗi lứa hơn 2 nghìn con gà dưới tán vải thiều nhưng chất thải và thức ăn chăn nuôi không được quét dọn, tiêu độc khử trùng thường xuyên. 

Giám sát dịch bệnh đến từng thôn, bản

Theo Chi cục Thú y, mấy năm gần đây, dịch bệnh trên đàn vật nuôi không xảy ra theo quy luật mùa như trước mà có thể bùng phát bất cứ thời điểm nào trong năm. Đặc biệt, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, tụ huyết trùng cấp…có thể làm vật nuôi chết hàng loạt. Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo, tháng 9 vừa qua, tại Trung Quốc phát hiện nhiều chủng vi-rút cúm trên gia cầm như: H5N1, H5N2, H5N3, H5N6, H5N8, H7N9, nếu không kiểm soát chặt, mầm bệnh dễ dàng xâm nhập vào Việt Nam qua đường vận chuyển lậu.

Tại các huyện miền núi như Lục Ngạn, Sơn Động, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm chỉ đạt 30-40%. Điển hình như xã Phong Minh (Lục Ngạn) có khoảng 3.500 con trâu, bò nhưng trước khi có dịch tụ huyết trùng, xã mới tiêm được 400 liều vắc-xin phòng bệnh này.

Hiện Chi cục Thú y đã thành lập hai đoàn công tác kiểm tra dịch bệnh ở tất cả 10 huyện, thành phố; chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở, chủ các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y tăng cường công tác quản lý, giám sát dịch bệnh đến từng thôn, bản để phát hiện sớm, báo cáo và xử lý kịp thời. Đồng thời phát động người dân tổng vệ sinh chuồng trại ở ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao như: Chợ, tụ điểm kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật và các hộ, trang trại chăn nuôi lớn.

Mới đây, UBND tỉnh và các huyện, thành phố trích ngân sách hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ các hộ dân trong toàn tỉnh mua hơn 1,3 triệu liều vắc- xin cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn để tiêm phòng cho đàn vật nuôi và hơn 5 nghìn lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng. Chi cục Thú y phối hợp với các huyện, thành phố phấn đấu hoàn thành tiêm vắc-xin cho đàn vật nuôi trong tháng 12 năm nay.

Ngoài các biện pháp trên, Chi cục Thú y khuyến cáo các hộ thực hiện một số biện pháp như: Mua con giống rõ nguồn gốc, bảo đảm chất lượng; áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thức ăn đủ dinh dưỡng và chống rét cho gia súc, gia cầm để tăng sức đề kháng trong mùa đông.

Đồng thời tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, không giết mổ vật nuôi nhiễm bệnh mà cần báo cho cán bộ thú y để điều trị hoặc tiêu hủy kịp thời. Ngoài ra, chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng chấn chỉnh hoạt động kiểm dịch động vật, ngăn chặn vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trái phép; tăng cường kiểm tra tại các điểm giết mổ tập trung, các chợ nhằm phát hiện sớm những trường hợp động vật mắc bệnh để xử lý.

Nguồn bài viết: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/134554/phong-dich-benh-mua-dong-cho-vat-nuoi--con-nhieu-ke-ho.html


Có thể bạn quan tâm

ngot-mem-mia-tim-duc-quang Ngọt, Mềm Mía Tím Dục… tam-hiep-chau-thanh-thanh-lap-to-hop-tac-rau-an-toan Tam Hiệp (Châu Thành) Thành…