Mô hình kinh tế “Phỏng Tay” Với Gạo Ngoại

“Phỏng Tay” Với Gạo Ngoại

Ngày đăng 04/10/2014

Tại TP HCM, trong khi mặt bằng chung giá bán lẻ gạo chỉ từ 10.000-20.000 đồng/kg thì phân khúc gạo cao cấp giá trên 50.000 đồng/kg song vẫn có nhiều người mua.

Các loại gạo này hầu hết được đóng gói đẹp mắt, có thương hiệu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài gạo nội địa được trồng từ giống ngoại, thị trường còn có gạo nhập khẩu.

Gạo Nhật, Hàn hút khách

Trong các cửa hàng chuyên bán thực phẩm Hàn Quốc tại khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM), nơi bày bán gạo thường có 3 loại: Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Trong đó, gạo Hàn Quốc được đóng trong các túi 3 kg, 5 kg, trên bao bì toàn tiếng Hàn, không thấy nhãn phụ tiếng Việt. Nhân viên bán hàng cho biết đây là gạo nhập từ Hàn Quốc nhưng không chỉ người Hàn dùng mà người Việt cũng rất chuộng. Về giá, loại cao nhất là 420.000 đồng/túi 3 kg (tức 140.000 đồng/kg), loại 340.000 đồng/túi 3 kg và 450.000 đồng/túi 5 kg.

Tại cửa hàng Charm Mart (đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận 7), gạo Hàn Quốc giá bán chỉ 32.000 đồng/kg được đóng trong các bao PE trắng 5 kg. Người bán cho biết cửa hàng nhập về số lượng lớn rồi tự đóng gói nên không có nhãn mác. Theo quan sát thì hạt gạo này nhìn bên ngoài không khác mấy so với loại gạo có giá bán 140.000 đồng/kg.

Gạo Nhật Bản tại các cửa hàng trên dù ngoài bao bì có ghi chữ Nhật nhưng đồng thời cũng có tiếng Việt thể hiện gạo là giống Nhật được trồng trong nước.  Theo tìm hiểu, gạo Nhật Bản nhập khẩu 100% về Việt Nam khá hiếm trên thị trường và có giá khá cao, như gạo hữu cơ Nhật đang được bán tại siêu thị Tokyo Mart có giá hơn 110.000 đồng/kg.

Gạo ngoại dù đắt hơn nhiều gạo thường nhưng không làm “nản lòng” người tiêu dùng có thu nhập cao. Chị Hồng Thi (ngụ phường Tân Phong, quận 7) cho biết những năm gần đây chị thường xuyên chọn gạo Nhật Bản, Hàn Quốc dù giá cao nhưng đổi lại được đóng gói trong các bao bì hút chân không có nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng và các chỉ số vi chất rất cụ thể nên yên tâm dùng. “Mặt khác, trong bữa ăn của gia đình chỉ tiêu thụ hết 500 g gạo, so với các loại thức ăn kèm theo thì giá gạo quá rẻ nên việc bỏ tiền ra mua gạo ngoại không cần phải so đo” - chị Thi nói.

Gạo nội đua thương hiệu

Việt Nam là cường quốc về gạo nhưng giá xuất khẩu bình quân chưa tới 10.000 đồng/kg, các doanh nghiệp (DN) trong nước đang bắt đầu nhắm đến phân khúc gạo cao cấp dành cho khách hàng nội địa bằng việc bán gạo có thương hiệu. Ông Lâm Định Quốc, Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng (Soctrangfood), nhận định đây là phân khúc đang tăng trưởng mạnh. “Hiện Soctrangfood đang thử nghiệm gạo đặc sản ST 20 với sản lượng 2.000 tấn/năm, gạo được đóng gói bao PE 3 kg, 5 kg và được người tiêu dùng đón nhận khá tốt” - ông Quốc nói.

Ông Huỳnh Văn Ninh, đại diện Công ty CP Gạo thơm Sài Gòn, cho biết đối với gạo Nhật Bản, hiện nay do trong nước trồng được nhiều lại theo quy trình Nhật, chất lượng tương đương nên rất dễ bán. Là người chuyên cung cấp gạo cao cấp, ông Ninh cho hay gạo thương hiệu trong nước có giá bán từ 50.000-75.000 đồng/kg nhưng rất được người tiêu dùng chuộng do “tiền nào của nấy”, chất lượng khác hẳn so với gạo xá bán trong xô ngoài thị trường. “Như gạo hữu cơ công ty đang phân phối, dù giá bán đến 75.000 đồng/kg nhưng ngày nào ít nhất cũng có 5 khách gọi điện hỏi mua vì sản phẩm rất tốt cho người tiểu đường, ổn định đường huyết” - ông Ninh chia sẻ.

Khảo sát tại siêu thị Lotte Mart (quận 7), khu vực gạo cao cấp thu hút rất đông người tiêu dùng dù giá không hề rẻ. Như gạo Fuji Sakura loại 5 kg giá bán 215.000 đồng, gạo Lovely loại 5 kg giá 250.000 đồng, gạo Sakura loại 2 kg giá 85.500 đồng, gạo Pathum Thani loại 5 kg giá 284.500 đồng, gạo Hom Mali loại 2 kg giá 124.500 đồng… nhiều người vẫn thường gọi là gạo Nhật, gạo Thái.

Đại diện siêu thị Lotte Mart khẳng định các sản phẩm trên đều là gạo nội giống ngoại của các nhà cung cấp trong nước như Vạn Thịnh, Angimex Kitoku đang bán rất chạy do có độ dẻo, tơi, xốp phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. “Ngoài ra, các sản phẩm này cũng đáp ứng nhu cầu của người ngoại quốc, đặc biệt là người Hàn sống ở khu vực này” - đại diện này nhận định.

Cảnh giác gạo “tự xưng”

Để bán được giá cao, các nơi bán đều khẳng định là gạo sạch, an toàn, không hóa chất..., thậm chí là hỗ trợ chữa bệnh nhưng việc chứng minh thì không phải DN nào cũng làm được. Theo các chuyên gia trong ngành, người tiêu dùng nên chú ý xem gạo được trồng theo quy trình nào (VietGAP, GlobalGAP hay hữu cơ) và đã được cơ quan chức năng chứng nhận chưa hay chỉ là “tự xưng”.

Mới đây, một DN đăng ký quảng cáo gạo nhưng bị cơ quan quản lý “gác” lại vì chưa có tài liệu chứng minh thông tin quảng cáo. Cụ thể, để chứng minh sản phẩm gạo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đơn vị này đã cung cấp phiếu phân tích âm tính với thuốc bảo vệ thực vật nhưng cơ quan quản lý không chấp nhận vì cho rằng thực tế sản xuất có thể dùng các loại thuốc khác so với một số loại thuốc bảo vệ thực vật đã được phân tích.


Có thể bạn quan tâm

dua-hau-mia-dau-mua-duoc-gia Dưa Hấu, Mía Đầu Mùa… duong-binh-dinh-nien-vu-moi-day-thach-thuc Đường Bình Định Niên Vụ…