Nuôi gà Phòng trị bệnh lao gà

Phòng trị bệnh lao gà

Tác giả Thái Thuận, ngày đăng 09/07/2018

Bệnh thường xuất hiện ở các đàn gà mới đẻ trong khoảng thời gian 2 - 3 tháng. Gà con ít bị bệnh và bệnh cũng ít xảy ra trong những trại chăn nuôi có quản lý vệ sinh tốt.

Khử trùng khu vực chăn nuôi để phòng bệnh  Ảnh: NA

Nguyên nhân

Là một bệnh truyền nhiễm mãn tính nguy hiểm ở gà lớn, đặc trưng bởi sự hình thành các ổ lao trong cơ quan nội tạng, do một loại vi khuẩn cơ hội Gram âm có tên Mycobacterium avium gây ra. Vi khuẩn Mycobacterium avium có 3 tuýp huyết thanh 1, 2 và 3, cả 3 tuýp này đều có thể gây bệnh. Tuy nhiên các yếu tố stress có hại gây giảm sức đề kháng cho gà tạo vai trò lớn trong hình thành bệnh và phát triển. Bởi vi khuẩn lao là một vi khuẩn cơ hội, đôi khi chúng ký sinh trong cơ thể gà mà không gây bệnh, vi khuẩn có sức để kháng tốt với các yếu tố ngoại cảnh, chúng tồn tại và lưu hành rộng rãi ngoài tự nhiên, vì thế bệnh lao khá phổ biến ở gia cầm và động vật.

Đặc điểm dịch tễ

Đối tượng nhiễm bệnh: Tất cả các loại gà đều bị bệnh. Gà tây bị nhiễm ít hơn. Bệnh lây lan sang cả thỏ, gia súc và người. Các lứa tuổi gà đều có thể nhiễm bệnh, tuy nhiên do bệnh có thời kỳ ủ bệnh dài, vì thế thường thấy bệnh ở những con đã trưởng thành.

Mùa vụ: Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường phát vào mùa rét, mưa phùn, gió bấc...

Phương thức lây truyền: Bệnh lây lan qua trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường miệng và hô hấp. Vi khuẩn này có thể sống trong đất 4 năm. Chim hoang dại cũng nhiễm bệnh nhưng ở thể mang trùng và nó là nguồn truyền lây từ nơi này sang nơi khác.

Triệu chứng

Thời kỷ ủ bệnh dài khoảng 2 - 12 tháng.

Bệnh thường tồn tại ở thể mãn tính, thể cấp tính ít gặp. Gà bệnh xuất hiện một số triệu chứng như: Gà ốm, lười vận động; Lúc đầu gà ăn uống hoàn toàn bình thường, nhưng về sau khi gần chết giảm ăn và bỏ ăn; Mào, tích da nhợt nhạt, thiếu máu. Các niêm mạc hoặc màng bao cũng nhợt nhạt hoặc vàng nhạt; Giai đoạn đầu gà tiêu chảy thất thường, về sau kéo dài liên tục đến lúc chết; Một số con có biểu hiện đi khập khiễng lệch về một bên do vi khuẩn xâm nhập vào khớp xương; Khi gà gần chết, các ổ lao tạo khối u và chúng ta có thể sờ nắn được qua thành bụng; Gà bệnh lúc này rất gầy và chết do suy kiệt. Ở gà sinh sản có dấu hiệu giảm và tắt đẻ, tỷ lệ ấp nở giảm rất mạnh.

Bệnh tích

Mào, tích khô, quăn và thiếu máu. Màng bao các cơ quan cũng nhợt nhạt và màu vàng xám. Các ổ lao thường thấy ở phổi, tại thành các khối u với bề mặt gồ ghề, kích thước rất khác nhau, khi sờ nắn thấy rắn chắc, cắt đôi khối u thấy rõ lát cắt màu vàng ngà. Các khối u ở gan, phổi, lách, ruột, ống dẫn trứng, tinh hoàn, tuyến ức, thận, buồng trứng, cơ tim... Một số con có khớp sưng to.

Chẩn đoán

Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Lấy bệnh phẩm phân lập và định danh vi khuẩn.

Làm phản ứng Tuberculin - tiêm vào nội bì hoặc vào tích, kiểm tra phản ứng sau 48 giờ.

Điều trị

Bệnh lao có thể điều trị khỏi, tuy nhiên việc điều trị phải tiến hành một thời gian dài và cho kết quả không cao, mầm bệnh thường tồn tại mãn tính làm cho nguồn dịch lây nhiễm kéo dài. Tốt nhất là nên tiêu hủy triệt để nhằm không cho bệnh lây lan ra diện rộng.

Phòng bệnh

Công tác phòng bệnh lao hết sức phức tạp vì phải tiến hành đồng bộ nhiều việc làm và nhắc lại nhiều lần.

Thực hiện khử trùng tiêu độc 3 lần cách nhau 1 tuần bằng 2% Formol toàn bộ khu vực chăn nuôi trước. Trước khi đưa gà vào nuôi phải quét vôi, khử trùng lần nữa, chú trọng xử lý dụng cụ trong chuồng trại nuôi gà như cuốc xẻng, xe rùa, thau, thúng rổ, chổi… trước khi dùng.

Vệ sinh cơ học trong và ngoài chuồng nuôi. Xung quanh khu vực chuồng trại, định kỳ 3 - 6 tháng tiến hành chặt phá, đốn bỏ hết những cây tạp, và làm sạch cỏ dại, vun thành đống rồi đốt để ngăn ngừa ruồi muỗi, chuột bọ lui tới. Ngoài ra, khơi thông các cống rãnh để nước rửa chuồng, nước mưa có lối thoát, không tù đọng dơ bẩn.

Tránh tiếp xúc gà bệnh với gà mẫn cảm.

Khi gà có dấu hiệu mắc bệnh lao, cần tiêu hủy đàn gà là biện pháp tốt nhất.

Tẩy trùng chuồng nuôi sau mỗi ổ dịch hoặc sau mỗi đợt nuôi.

Ngăn cản sự tiếp xúc gà với chim hoang dại.


Có thể bạn quan tâm

hoi-dap-chan-nuoi-benh-ga Hỏi đáp Chăn nuôi: Bệnh… cham-soc-tam-bo-dinh-duong-cho-ga-choi-ga-noi Chăm sóc, tẩm bổ dinh…