Trồng lúa Phòng Trừ Ốc Bươu Vàng Hại Lúa

Phòng Trừ Ốc Bươu Vàng Hại Lúa

Ngày đăng 18/07/2013

Ốc bươu vàng là đối tượng dịch hại nguy hiểm đối với lúa, đặc biệt là các vùng trũng thấp trồng lúa ở các tỉnh phía Bắc trong vụ xuân và lúa vụ mùa. Với những vùng bị ốc hại nặng, năng suất lúa có thể bị thiệt hại tới 30%.

1. Đặc điểm chủ yếu:

Hình dạng ốc bươu vàng giống ốc đá, ốc đồng, … nhưng kích thước trưởng thành lớn hơn. Ngoài có vỏ cứng, trong có thân mềm với đầy đủ các cơ quan tiêu hoá, sinh sản, hô hấp, ... Đường kính chỗ lớn nhất ốc bươu vàng trưởng thành có thể đạt 3-4cm, trọng lượng 20-50g/con. Vỏ cứng có màu vàng hoặc nâu vàng đặc trưng. Trứng hình cầu, đường kính 1,5-2mm màu vàng đỏ, đẻ thành ổ, mỗi ổ có 50-100 trứng, bám trên thân, lá lúa, lá cỏ dại.

Ốc Bươu vàng là loài động vật hoang dại, chủ yếu là phá hại lúa và hoa màu trồng dưới nước. Ốc ăn phiến lá và lá nõn cả ngày lẫn đêm, nhưng hoạt động mạnh nhất là lúc sáng sớm và chiều tối. Bị hại nặng lúa có thể bị cắn trụi tới tận gốc, cây khó có khả năng hồi phục.

Thời gian phát dục: Trứng 5-10 ngày; ốc non 25-30 ngày; ốc tr­ưởng thành có thể sống 1-2 tháng.

2. Biện pháp phòng trị:

Để diệt trừ có hiệu quả đối tượng dịch hại này, bà con cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp kỹ thuật sau:

Biện pháp canh tác: Trước khi làm đất, cần vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp sạch cỏ dại là nơi ốc cư trú lây truyền sang vụ sau. Dùng tay hay dùng lưới, ghe cào bắt ốc. Khi gieo xạ, nên đánh rãnh thoát nước, ốc tập trung vào rãnh có nước ta dễ dàng bắt ốc bằng tay.

Cắm cọc ở các vùng trũng nhử ốc lên đẻ trứng để tiêu diệt. Khi đưa nước vào ruộng cấy hoặc cho nước vào ruộng lúa đang sinh trưởng, phát triển cần phải sử dụng lưới chắn 3 lớp để ngăn chặn ốc xâm nhập. Dùng bả dẫn dụ như lá cây dâm bụt phơi héo, mật ong quét vào hũ sành, … để nhử ốc đến rồi bắt.

Biện pháp hoá học: Hiện nay có nhiều loại thuốc hoá học trừ ốc bươu vàng, nhưng thuốc đặc trị Mossade 70WP là loại thuốc mới có nhiều ưu điểm, ốc chết 100% sau 24 giờ bị nhiễm thuốc, độ an toàn cao với lúa và người sử dụng.

Cách sử dụng thuốc Mossade 70WP như sau. Đối với lúa sạ khô, có thể dùng một trong hai cách: Sau lần làm đất cuối cùng, giữ mực nước ngập 5cm. Dùng 2 gói 36g thuốc (hay mỗi gói 18g thuốc pha cho 2 bình loại bình có dung tích 8lít phun cho 1,5 sào bắc bộ) pha với 4 bình 8lít phun xịt cho 1.000m2 mặt ruộng, sau khi phun thuốc Mossade 70WP khoảng 24 giờ (1 ngày, 1 đêm) tháo cạn nước rồi tiến hành sạ lúa đã có mộng đạt tiêu chuẩn (chiều dài mầm=1/2 chiều dài rễ=1/2 chiều dài hạt thóc).

Sau khi lúa đã mọc 7 ngày, cho nước ngập xâm xấp, phun Mossade 70WP cho lúa với nồng độ và liều lượng như hướng dẫn ở trên.

Đối với lúa cấy, trước khi cấy hoặc sau khi lúa hồi xanh, tháo cạn xâm xấp nước phun thuốc cho lúa (nồng độ, liều lượng như phần trên), sau 24 giờ phun thuốc mới cho thêm nước để cấy hay dưỡng lúa.

Cũng có thể trộn 2 gói thuốc với phân bón để rắc cho 1.000m2 (3 sào bắc bộ) lúa, giữ mực nước ngập 5cm trong 5-7 ngày thì hiệu quả của thuốc mới đạt cao.

Nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát là lúc ốc bươu vàng hoạt động mạnh nhất để tăng hiệu quả phòng trừ của thuốc.

Đồng thời chú ý chắn rãnh cấp và thoát nước cho ruộng bằng lưới 3 lớp để ngăn chặn ốc từ nơi khác xâm nhập.

Dùng thuốc Dioto 250EC; Bolis 12B để trừ ốc bưou vàng cũng cho hiệu quả cao, an toàn cho cá, ít độc với người và động vật máu nóng, liều lượng và nồng độ sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

xac-dinh-luong-phan-bon-cho-lua-xuan-de-dat-hieu-qua Xác Định Lượng Phân Bón… bien-phap-phong-chong-ret-cho-lua-dong-xuan Biện Pháp Phòng Chống Rét…