Tin nông nghiệp Phú Thọ: Mô hình VACR cho thu nhập nửa tỷ/năm

Phú Thọ: Mô hình VACR cho thu nhập nửa tỷ/năm

Tác giả Tiến Tu (BTG Huyện ủy Hạ Hòa, Phú Thọ), ngày đăng 28/09/2017

Đó là mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng (VACR) của anh Lê Đức Thọ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa.

Mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng (VACR) hiệu quả của anh Lê Đức Thọ

Năm 1995, gia đình anh khai hoang, phát rẫy, lúc đầu chủ yếu trồng cây sắn, song cho thu nhập không cao, đời sống gia đình vẫn khó khăn. Sau những trăn trở, anh cùng gia đình quyết định đầu tư cải tạo và canh tác trồng thêm các loại cây lấy gỗ; đồng thời đào, đắp ao để thả cá. Thấy có hiệu quả, từ đó gia đình anh tiếp tục đầu tư mở rộng trên diện tích lớn.

 

Hiện nay, gia đình anh đang quản lý và sử dụng diện tích trên 40ha đất đồi, rất thuận lợi cho việc phát triển mô hình kinh tế VACR- một mô hình khép kín tạo điều kiện để phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ vay vốn của ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương, đặc biệt các cấp Hội ND đã thường xuyên giúp đỡ, tạo cơ hội để anh phát triển kinh tế gia đình; anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống mô hình trang trại theo quy mô phát triển bền vững.

 

Phát huy lợi thế đồi rừng, anh Thọ đầu tư phát triển đàn dê, duy trì từ 60- 70 con; đàn trâu, bò có trên 20 con; chăn nuôi lợn đặc sản có giá trị kinh tế cao, từ giống lợn rừng bố mẹ sinh sản, đến nay tổng đàn lợn lên tới trên 100 con; đàn gia cầm bình quân hàng năm từ 500- 700 con được xuất bán ra thị trường, cho thu nhập từ 25- 30 triệu đồng. Ngoài ra, với diện tích 2 sào ao để nuôi ba ba, hàng năm xuất bán đạt từ 180- 200kg trị giá từ 60- 80 triệu đồng; diện tích 2,5ha nuôi thả cá cho thu nhập hàng năm từ 4- 5 tấn cá, trị giá từ 130- 150 triệu đồng.

 

Phát triển kinh tế vườn, anh trồng các loại cây ăn quả như: Vải, nhãn, ổi, chanh, chuối… mang lại giá trị kinh tế cao, đạt từ 25- 30 triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình anh đang triển khai trồng trên 1.000 cây bưởi diễn, bước đầu phát triển tốt.

 

Với trên 40 ha rừng, trồng chủ yếu là cây keo và cây quế, hàng năm anh thu hoạch luân phiên trên diện tích từ 5- 7 ha, cho thu nhập từ 500- 700 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn trồng một số loại cây bản địa như: Lem, trám, lim và các loại cây tự nhiên để phát triển rừng phòng hộ, tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường.

 

Từ mô hình phát triển kinh tế VACR, cuộc sống gia đình anh đã từng bước ổn định và có tích lũy. Mô hình đã tạo việc làm thường xuyên cho 15- 20 lao động tại địa phương với mức lương từ 3,5- 4 triệu/ tháng. Hàng năm, trừ mọi chi phí gia đình anh thu lãi từ trồng rừng, vườn cây ăn quả và chăn nuôi đạt từ 450- 500 triệu đồng/năm.

Nhờ kinh tế phát triển, gia đình anh đã kéo đường điện lưới quốc gia chiều dài trên 2km để phục vụ đời sống và sản xuất trong khu trang trại và một số hộ dân xung quanh. Không chỉ vậy, anh còn đầu tư trên 1 tỷ đồng mở tuyến đường với chiều dài trên 3km đến trang trại, tạo điều kiện cho các phương tiện giao thông đi lại thuận tiện, thông thương, tạo nên tuyến đường dân sinh nối liền giữa tỉnh Phú Thọ và Yên Bái. Nhờ đó, việc vận chuyển sản phẩm của gia đình và bà con nhân dân rất thuận lợi, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế an sinh xã hội của địa phương.

Với kết quả đạt được, tại hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng huyện Hạ Hòa, anh Lê Đức Thọ được báo cáo thành tích và được Ủy ban nhân dân huyện Hạ Hòa tặng Giấy khen “Cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong mô hình phát triển kinh tế ở địa phương”.


Có thể bạn quan tâm

phat-trien-ben-vung-cay-ho-tieu-o-tay-nguyen Phát triển bền vững cây… nhung-dich-benh-hai-can-chu-y-trong-tuan-tu-26-9-2-10 Những dịch bệnh hại cần…