Mô hình kinh tế Phục Tráng Và Bảo Tồn Giống Lúa Quý Của Bắc Ninh

Phục Tráng Và Bảo Tồn Giống Lúa Quý Của Bắc Ninh

Ngày đăng 07/05/2014

Nếp cái hoa trắng (hay còn gọi là nếp cao cây, nếp tháng 9) là giống lúa quý được gieo cấy tại Bắc Ninh với nhiều ưu điểm và giá trị kinh tế cao. Việc phục tráng vào bảo tồn giống lúa này không chỉ có ý nghĩa về đa dạng sinh học mà còn góp phần phát triển các vùng lúa hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, ở một số vùng của thị xã Từ Sơn, Tiên Du, lúa nếp cái hoa trắng được cấy đến 30-35% diện tích. Giống lúa có đặc điểm nhận dạng chính là bông lúa trỗ màu trắng, dạng hình cao gọn, cứng cây, ít nhiễm sâu bệnh hơn so với nếp cái hoa vàng, do đó giảm được chi phí sản xuất. Gạo nếp cái hoa trắng thơm ngon, có giá bán cao hơn một số loại gạo nếp khác.

Mặc dù vậy, việc bảo tồn, duy trì giống lúa nếp cái hoa trắng chưa được quan tâm đúng mức. Việc nhân giữ giống vẫn theo tập quán của người nông dân tự gieo trồng và để giống qua nhiều vụ sản xuất. Do đó, giống đang dần bị thoái hóa, biểu hiện cụ thể như trỗ bông sớm hơn (trỗ trước ngày 20 tháng 9 hàng năm), thời gian trỗ bông kéo dài, độ dẻo, hương thơm giảm, lẫn giống nhiều gây tốn công khử lẫn, tăng chi phí thuốc trừ sâu bệnh và giảm hiệu quả kinh tế.

Chủ nhiệm đề tài - ông Bùi Hữu Thơ nghiên cứu thực nghiệm giống lúa nếp cái hoa trắng tại HTX Duệ Đông.

Để khắc phục năm 2010, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ - Sở KH&CN Bắc Ninh đã tổ chức thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, cải tạo và phục tráng giống lúa nếp cái hoa trắng phục vụ sản xuất” dựa theo tiêu chuẩn ngành (Lúa thuần - quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống).

Địa điểm triển khai đề tài nằm trong vùng sản xuất nếp cái hoa trắng truyền thống của HTX Duệ Đông (thị trấn Lim, huyện Tiên Du) trên diện tích gần 1ha với 50 hộ tham gia. Sau khi xuống giống vụ đầu tiên (G0), lựa chọn được hơn 1000 cá thể, tiếp tục vụ thứ 2 (G1) cho ra 120 cá thể để đánh giá và so sánh các tiêu chuẩn giống gốc. Cuối cùng đến vụ thứ 3 (G2) đã tuyển chọn, nhân sơ bộ và tạo ra giống tương đương cấp siêu nguyên chủng.

Các tính trạng đặc trưng, ưu việt của giống nếp cái hoa trắng sau khi phục tráng đã được lưu giữ như: tính cảm quang nhẹ với ánh sáng ngày ngắn, thời gian sinh trưởng khoảng 135-145 ngày, dạng hình cây cao trung bình 140-142cm, đẻ nhiều, có từ 6-8 bông/cây, kháng bệnh đạo ôn, khô vằn, khi chăm sóc tốt, phòng trừ sâu bệnh tốt giống có khả năng cho năng suất cao 54-56 tạ/ha.

Đề tài đã sản xuất được 300kg thóc giống, đủ phục vụ cho diện tích 6ha ruộng nhân giống nguyên chủng. Tham gia đề tài, nông dân còn được hướng dẫn kỹ thuật canh tác để đạt năng suất cao cũng như cách bảo quản, nhân giống lúa có hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Huấn, Phó chủ nhiệm HTX Duệ Đông cho biết: “Nếp cái hoa trắng là giống lúa được chúng tôi trồng hàng chục năm và gần đây là một giống lúa hàng hóa chủ lực của địa phương.

Diện tích cấy nếp cái hoa trắng chiếm từ 5-10% trong diện tích gieo cấy của HTX, giá bán 15.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với lúa tẻ. Tuy nhiên, thóc giống nếp cái hoa trắng rất khó mua vì mỗi nhà chỉ tự để giống đủ dùng. Vài năm trở lại đây, chất lượng giống tự bảo quản bị thoái hóa, chúng tôi khá tốn công sức phòng trừ sâu bệnh.

Khi được sử dụng giống phục tráng, cây lúa phát triển đồng đều, năng suất tăng từ 1,5 tạ/sào lên 1,7 đến 1,8 tạ/sào, chất lượng ổn định. Vì vậy, mặc dù đề tài kết thúc, chúng tôi dự kiến sẽ tăng nếp cái hoa trắng lên 20% diện tích canh tác vụ mùa của địa phương”.

Hiện nay, Sở KH&CN tiếp tục lưu giữ, bảo tồn giống mẫu lúa nếp cái hoa trắng sau phục tráng để thực hiện công tác nghiên cứu và cũng là tài liệu tham khảo để phục tráng các giống lúa khác.

Theo ông Bùi Hữu Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ (Sở KH&CN) – cũng là Chủ nhiệm đề tài, thì ý nghĩa lớn nhất của việc phục tráng giống lúa nếp cái hoa trắng là trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thiết lập được hệ thống các chỉ tiêu sinh học của giống cây này, từ đó, đã “gọi tên” được một giống lúa truyền thống quý của Bắc Ninh.

Thực tế, mặc dù nông dân Bắc Ninh đã canh tác giống lúa này nhiều năm nhưng nếp cái hoa trắng lại chưa có tên trong Danh mục các giống cây trồng được công nhận của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Việc phục tráng thành công giống lúa nếp cái hoa trắng đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn nguồn gen cây trồng quý mang tính bản địa của địa phương, từ đó phát triển sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân.


Có thể bạn quan tâm

niem-vui-nguoi-trong-che Niềm Vui Người Trồng Chè ham-tan-binh-thuan-that-bat-nhung-vuon-dieu-lau-nam Hàm Tân (Bình Thuận) Thất…