Mô hình kinh tế Phương Pháp Mới Trong Đào Tạo Nghề Cho Nông Dân

Phương Pháp Mới Trong Đào Tạo Nghề Cho Nông Dân

Ngày đăng 01/04/2011

Hiện, các địa phương đang nỗ lực tìm phương pháp đào tạo và giảng dạy hiệu quả để thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Dự án Đào tạo nâng cao năng lực kinh tế dựa vào cộng đồng (CB-TREE) do Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Dự án Thị trường lao động EU/MOLISA/ILO đang triển khai thí điểm tại Hà Tĩnh có thể là hướng đi phù hợp.

Trường nghề là thực tiễn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang được các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao tìm được mô hình đào tạo nghề thích hợp, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và nhận thức của nông dân. Vì thế, khi dự án CB-TREE được triển khai thí điểm đã mở ra hướng mới trong công tác đào tạo nghề cho nông dân hiện nay.

Chị Trần Thị Thanh, học viên của lớp mây tre đan thuộc CB-TREE cho biết, trước khi tham gia dự án, chị phải bươn chải nhiều nghề để kiếm sống, vừa sản xuất nông nghiệp, vừa đi làm thuê. Thậm chí, đã có thời gian chị từng có ý định đi xuất khẩu lao động. Đúng thời điểm đó, lớp học dạy đan lồng đèn của CB-TREE được triển khai tại xã nhà. Nhận thấy đây là cơ hội cho bản thân, chị đăng ký tham dự. Tại đây, chị Thanh cùng các học viên khác được học 1 tháng, sau đó nghỉ để thu hoạch lúa và quay lại học tiếp 1 tháng nữa. Khi tay nghề vững vàng hơn thì được học bổ sung nửa tháng, chủ yếu tập trung vào khâu chỉnh sửa các lỗi trong quá trình làm sản phẩm.

Tâm sự về ích lợi của lớp học mang lại, chị Thanh nói: “Khóa tập huấn đã trang bị những kiến thức mà trước đây tôi chưa hề biết đến. Không những thế, tôi còn tăng thêm thu nhập từ việc bán sản phẩm cho các công ty, đồng thời có cơ hội giao lưu với các học viên khác trong lớp để chia sẻ nhiều vấn đề trong cuộc sống”.

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, CB-TREE đã giải quyết được nhu cầu cấp bách về đào tạo nghề và việc làm thông qua sự phối kết hợp giữa các cơ quan thuộc khu vực nhà nước và tư nhân để đào tạo cho các nhóm mục tiêu dựa trên nhu cầu thực tiễn, từ đó trang bị cho lao động các kỹ năng nghề phù hợp để tìm việc làm tăng thu nhập. Học viên được trang bị kiến thức, kỹ năng và năng lực kinh doanh. Với mục tiêu tổng thể của chương trình là hỗ trợ cho 400 đối tượng hưởng lợi tại hai xã Thạch Văn và Mỹ Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh), đến nay, đã có 384 đối tượng tham gia vào các sinh hoạt động của chương trình, trong đó có 279 phụ nữ.

Tạo cơ hội học nghề

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, bà Rie Vejs-Kjeldgaard cho biết: “Đầu tư phát triển kỹ năng nghề, tăng cường kiến thức và đào tạo là các vấn đề quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực và vốn xã hội quyết định hiệu quả kinh tế. Kiến thức và kỹ năng là những động cơ cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, góp phần tạo ra cơ hội bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận việc làm bền vững và có năng suất”.

TS. Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khẳng định: “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn với mục tiêu hàng năm đào tạo cho khoảng 1 triệu lao động. Do vậy, chương trình thí điểm CB-TREE là bài học kinh nghiệm đáng quý, góp phần cùng với Chính phủ nỗ lực đẩy mạnh tạo cơ hội học nghề, tìm việc làm cho người dân vùng nông thôn”.

Theo ông Hans Farnhammer, Bí thư thứ nhất phụ trách phát triển thương mại của Phái đoàn Liên minh châu âu tại Việt Nam, CB-TREE đã góp phần tạo việc làm bền vững và nâng cao năng lực cho các nhóm thiệt thòi, phụ nữ nông thôn, thanh niên và người dân tộc thiểu số


Có thể bạn quan tâm

chuyen-ong-muoi-phu-trong-lua-sach Chuyện Ông Mười Phú Trồng… sau-benh-hai-lua-dang-co-dien-bien-phuc-tap Sâu Bệnh Hại Lúa Đang…