Mô hình kinh tế Qua 4 Năm Thực Hiện Dự Án Bảo Vệ Và Phát Triển Rừng

Qua 4 Năm Thực Hiện Dự Án Bảo Vệ Và Phát Triển Rừng

Ngày đăng 15/11/2014

Ngay sau khi dự án trồng mới 5 triệu ha rừng kết thúc, Chính phủ đã phê  duyệt Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu bảo vệ tốt hơn 13 triệu ha rừng hiện có, cả nước sẽ  trồng mới 2,6 triệu  ha rừng và có  Kết luận về việc thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015. UBND tỉnh cũng đã có Quyết định thành lập Ban điều hành, Ban chỉ đạo thực hiện

Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015; ban hành quyết định về việc thành lập Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015, giao cho Chi cục Kiểm lâm là cơ quan thường trực giúp Ban chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện Chương trình dự án. Sau 4 năm thực hiện dự án bảo vệ và phát triển rừng đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cần được tháo gỡ.

Theo dự án được duyệt kế hoạch trồng rừng sản xuất của tỉnh giai đoạn 2011-2015 là 16.461,5ha được triển khai trên địa bàn 10 huyện. Suất đầu tư cho trồng rừng sản xuất tại các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn và Yên Lập là 3,7 triệu đồng/ha và các huyện còn lại là 2 triệu đồng/ha.

Các dự án rừng phòng hộ, trong giai đoạn 2011-2015 UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt 3 dự án bảo vệ và phát triển rừng tại các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn và Yên Lập với tổng diện tích trồng rừng phòng hộ giai đoạn 2011-2015 là 646,4ha, trong đó giai đoạn 2011-2014 là 473,7ha. Suất đầu tư cho trồng rừng phòng hộ là 15 triệu đồng/ha .

Được sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh nên các suất đầu tư trồng rừng, cây giống, nguồn vốn được bố trí kịp thời đúng tiến độ. Chính sách đầu tư phát triển rừng phòng hộ và chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất của tỉnh giai đoạn 2011-2014 đã được 10 dự án triển khai đồng bộ.

Công tác chuẩn bị hiện trường, giao nhận cây giống, phân bón cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia dự án đúng theo kế hoạch đề ra. Tính đến nay, chương trình dự án trồng rừng sản xuất giai đoạn 2011-2014 đã trồng được 12.886ha đạt 97,4% so với kế hoạch.

Nhờ vậy, diện tích trồng rừng sản xuất tăng nhanh, chất lượng rừng được nâng cao, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%; rừng sinh trưởng phát triển tốt; cơ cấu cây trồng có bước chuyển đổi tích cực, góp phần tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, môi trường sinh thái được cải thiện.

Đối với rừng phòng hộ, giai đoạn 2011-2014 các dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Tân Sơn, Thanh Sơn và Yên Lập đã trồng được 473ha đạt 100% so với kế hoạch giao, cây sinh trưởng phát triển khá, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.

Những kết quả đạt được của công tác trồng rừng đã đưa độ che phủ của rừng năm 2011 là 49,9%, đến năm 2014 đạt 50,6%. Các vùng đất trống, đồi núi trọc được phủ xanh, góp phần hạn chế lũ lụt, xói mòn đất, điều tiết nguồn nước. Môi trường sinh thái được nâng lên, nguồn sinh thuỷ được cải thiện đáng kể.

Đến Đoan Hùng là địa phương thực hiện có hiệu quả Dự án bảo vệ và phát triển rừng chúng tôi được tận mắt nhìn những vạt keo xanh ngút ngàn thay thế bạch đàn chồi cằn cỗi khi xưa. Đồng chí Nguyễn Hữu Huân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đoan Hùng cho biết: “4 năm qua huyện trồng mới hơn 2.000ha rừng theo dự án bảo vệ và phát triển rừng.

Ngoài hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh về cây giống, huyện còn hỗ trợ phân bón để trồng keo thay thế bạch đàn kém hiệu quả. Nhờ vậy đã thay đổi tập quán trồng rừng của người dân, từ chỗ trồng rừng manh mún, nhỏ lẻ, người dân đã chuyển sang trồng rừng tập trung biết áp dụng tiến bộ KHKT vào đầu tư thâm canh nâng cao năng suất rừng trồng”.

Tuy nhiên, công tác tổ chức trồng rừng phòng hộ gặp nhiều khó khăn, người dân không mặn mà với cơ chế chính sách đầu tư, phát triển rừng phòng hộ do suất đầu tư trồng rừng thấp, quy chế khai thác còn nhiều bất cập… vì vậy ở 3 dự án bảo vệ và phát triển rừng Yên Lập, Tân Sơn và Thanh Sơn rất khó khăn trong tổ chức thực hiện. Mức hỗ trợ cho trồng rừng sản xuất còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương.

Anh Trần Ngọc Sơn ở xã Thục Luyện (huyện Thanh Sơn) cho biết: “Mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất hiện nay còn thấp, chúng tôi phải tự xoay xở thêm nguồn vốn để đầu tư trồng rừng. Tuy nhiên việc tiếp cận các ngân hàng không dễ dàng nên còn khó khăn khi muốn đầu tư thâm canh, năng suất rừng”.

Trong khi đó thu hút đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp còn thấp, cơ cấu sản phẩm còn hạn chế, mới chỉ có sản phẩm cho nguyên liệu giấy, vật liệu xây dựng, chưa có sản phẩm gỗ lớn sản xuất đồ gia dụng.

Ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật như công nghệ sinh học, giống, các biện pháp và kỹ thuật canh tác chưa làm chuyển biến căn bản hiệu quả kinh tế của nghề rừng; mặt khác việc chuyển đổi tập quán canh tác còn hạn chế. 

Đã có quy hoạch phát triển lâm nghiệp nhưng việc quản lý đất lâm nghiệp chưa chặt chẽ, vẫn còn xảy ra tình trạng chồng lấn, tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với các nông lâm trường. Mô hình khuyến lâm còn ít, chưa được nhân rộng, nguồn vốn đầu tư trồng rừng, kể cả vốn tín dụng trong dân còn hạn hẹp.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương thiếu, ngân sách tỉnh lại khó khăn, cộng với thời gian cấp vốn muộn dẫn tới không chủ động trong sản xuất cây giống và khung lịch thời vụ trồng rừng đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất chất lượng rừng.

Các văn bản triển khai chương trình bảo vệ và phát triển rừng của Trung ương và các bộ, ngành còn chưa có hướng dẫn cụ thể do vậy trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, nhất là các dự án cơ sở. 

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững, tăng tính đa dạng sinh học và năng lực cạnh tranh, mục tiêu giai đoạn 2015-2020 đặt ra là: Nâng cao năng suất chất lượng rừng, giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 3,5 - 4,0%.

Từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới. Trồng và chăm sóc rừng: 41.281ha, bao gồm: Rừng sản xuất; rừng phòng hộ; khoán bảo vệ rừng tự nhiên; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Sản lượng khai thác rừng trồng bình quân hàng năm trên 350.000m3. Độ che phủ rừng đạt 51%.

Để đạt mục tiêu đã đề ra cần giải quyết những khó khăn bất cập hiện nay bằng các giải pháp đó là: Tăng mức hỗ trợ đầu tư cho trồng rừng phòng hộ, sản xuất. Có chính sách cụ thể cho trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây gỗ nhỏ.

Áp dụng đầy đủ chính sách trợ cước, trợ giá của Nhà nước về hàng hóa sản phẩm đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật lâm sinh, cán bộ khuyến lâm cho huyện, xã để chỉ đạo công tác trồng rừng, công tác chọn tạo và sản xuất cây giống; đồng thời quản lý, giám sát kế hoạch và chất lượng trồng rừng.

Áp dụng và nhân rộng các mô hình tiên tiến điển hình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa những giống mới có năng suất cao, khả năng kháng bệnh vào trồng rừng. Khuyến khích mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển mạng lưới chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại hóa công nghệ tạo sự ổn định cho đầu ra sản phẩm.

Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201411/qua-4-nam-thuc-hien-du-an-bao-ve-va-phat-trien-rung-2375188/


Có thể bạn quan tâm

nuoi-bo-tren-dat-kho Nuôi Bò Trên "Đất Khó" dua-canh-dong-mau-lon-ra-bac-van-la-binh-moi-ruou-cu Đưa Cánh Đồng Mẫu Lớn…