Mô hình kinh tế Quản Lý, Bảo Vệ Và Phát Triển Rừng Ở Tân Sơn

Quản Lý, Bảo Vệ Và Phát Triển Rừng Ở Tân Sơn

Ngày đăng 03/11/2014

Huyện Tân Sơn có diện tích gần 69 ngàn ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 88,3% với gần 32 ngàn ha rừng tự nhiên và hơn 25 ngàn ha rừng trồng.

Đây là địa bàn rộng, phức tạp, giáp ranh với nhiều huyện trong và ngoài tỉnh, tài nguyên rừng phong phú có nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm. Trên địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống đất sản xuất của nhân dân dần bị thu hẹp, dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng diễn biến phức tạp.

Tình trạng phát nương làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp ngày càng có nguy cơ cao; những hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép vẫn còn xảy ra trên địa bàn.

Bên cạnh đó ở địa bàn giáp ranh các huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La và huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái một số đối tượng ngoài địa phương lôi kéo xâm nhập vào địa phận vùng giáp ranh để khai thác gỗ trái phép và vận chuyển theo đường rừng ra khỏi địa bàn. Phương thức hoạt động của các đối tượng này rất tinh vi đã gây không ít những khó khăn trong việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý.

Trước thực trạng đó, Hạt Kiểm lâm Tân Sơn đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Luật bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân. Cùng với lực lượng Công an, Quân sự huyện, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, UBND các xã; Ban quản lý rừng phòng hộ tổ chức kiểm tra tuyên truyền vận động ngăn chặn hành vi xâm hại rừng.

Hàng năm Hạt Kiểm lâm huyện đã xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm với Công an huyện, Ban CHQS huyện, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội LHPN và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng.

Trên cơ sở kế hoạch của UBND huyện Tân Sơn về việc thực hiện Chỉ thị 12, Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định của Chủ tịch UBND huyện về việc kiện toàn ban chỉ huy bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); Quyết định về việc kiện toàn Đoàn kiểm tra liên ngành bảo vệ rừng và PCCCR hàng năm của huyện Tân Sơn. Hạt Kiểm lâm huyện đã xây dựng kế hoạch hoạt động của Đoàn liên ngành, trong đó lực lượng nòng cốt là Hạt Kiểm lâm, Công an, Quân sự huyện và lực lượng bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Xuân Sơn, thường xuyên kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân, phát huy tinh thần tự giác trong việc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng trên địa bàn.

Qua triển khai thực hiện quy chế phối hợp, tình trạng chặt phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép đã từng bước được ngăn chặn, thiệt hại về rừng giảm so với những năm trước; công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Trong những năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các xã tổ chức nhiều buổi họp dân để thực hiện công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý  bảo vệ rừng và quản lý lâm sản nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò tác dụng của rừng, từ đó vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR. Bên cạnh đó, Hạt cũng đã thay đổi phương thức tuyên truyền bằng cách sân khấu hoá các văn bản pháp luật, qua đó giúp cho người dân tiếp cận với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng.

Các tổ chức đoàn thể cũng tích cực tuyên truyền về quản lý và bảo vệ rừng với nhiều hình thức phong phú như đưa vào một số tiểu phẩm tại hội diễn văn nghệ, các cuộc thi của Hội LHPN, Đoàn thanh niên. Huyện đoàn Tân Sơn và các Xã đoàn tổ chức diễn đàn thanh niên với công tác quản lý bảo vệ rừng, thu hút được nhiều đoàn viên thanh niên tham gia, qua đó giáo dục đoàn viên, thanh thiếu niên chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tích cực tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng. Đây là hoạt động thiết thực  được các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương đánh giá cao, nhiệt tình ủng hộ.

Nhìn chung, từ khi ký kết quy chế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các  đơn vị, chủ rừng đến nay, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn ngày càng được chú trọng và tăng cường, tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn giảm rõ rệt, nhận thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), PCCCR được nâng cao; đã vận động được đông đảo nhân dân tham gia QLBVR, PCCCR, góp phần thực hiện xã hội hoá công tác QLBVR.

Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong huyện tạo ra sức mạnh tổng hợp về lực lượng, phương tiện và vị thế pháp lý trong quá trình kiểm tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế đồi rừng xóa đói giảm nghèo giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn huyện.


Có thể bạn quan tâm

tap-trung-cham-soc-cay-vu-dong Tập Trung Chăm Sóc Cây… dong-van-dot-pha-cai-tao-dan-bo-bang-thu-tinh-nhan-tao Đồng Văn Đột Phá Cải…