Tôm thẻ chân trắng Quản lý đáy ao nuôi hiệu quả

Quản lý đáy ao nuôi hiệu quả

Tác giả Nguyễn An, ngày đăng 12/11/2018

Việc xử lý đáy ao nuôi tôm tốt sẽ giúp giảm được những thiệt hại trong quá trình nuôi, và đồng thời giúp tôm sinh trưởng khỏe mạnh, không bị các bệnh từ môi trường nước, đem lại một vụ tôm thắng lợi.

Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học phân hủy các chất hữu cơ

Trước khi nuôi

Tháo cạn nước ao nuôi và ao lắng. Loại bỏ các địch hại có trong ao từ vụ nuôi trước (tôm, cua, ốc, côn trùng, cá tạp). Vét bùn đáy ao, tu sửa bờ, các cống cấp nước, thoát nước. San đáy ao dốc về phía cống thoát. Phải đầm nén kỹ bờ ao hoặc để chống xói lở và hạn chế rò rỉ. Rào lưới quanh ao để tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh từ bên ngoài như: cua, còng, rắn.

Cày và phơi đáy tối thiểu 10 ngày liên tục hoặc đến khi đất nứt chân chim. Phơi đáy ao là một trong những bước quan trọng và không thể thiếu trong kỹ thuật cải tảo ao nuôi tôm. Việc làm này sẽ giúp ôxy hóa các chất hữu cơ, giảm được nồng độ khí độc H2S và đặc biệt bà con có thể tận dụng tia cực tím của ánh nắng mặt trời diệt những vi khuẩn và mầm bệnh gây hại.

Rải vôi bột (vôi nguội) tùy vào điều kiện pH của ao nuôi mà dùng lượng vô cho phù hợp. Bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giải độc (kim loại nặng, H2S) và trung hòa pH.

Sử dụng các chất diệt khuẩn như: Chlorine, BKC, thuốc tím... đánh quanh ao để loại bỏ hoàn toàn các loại vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, cấy vi sinh để ổn định màu nước và tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển. Nên kiểm tra các yếu tố như pH, độ kiềm, độ mặn...trước khi thả giống.

Trang bị hệ thống quạt nước cho ao nuôi: Hệ thống quạt nước cho ao nuôi có vai trò quyết định đến hàm lượng ôxy cho tôm hô hấp, đồng thời chúng còn giúp gom rác thải và các bã hữu cơ lại một góc. Do đó, người nuôi cần phải trang bị hệ thống quạt nước đảm bảo khuếch tán đủ lượng ôxy cho tôm nuôi.

Bên cạnh đó, đối với ao bạt, ao được đầm nén kỹ bờ, trước khi lót bạt cần làm phẳng đáy ao, nền đáy nghiêng về cống thoát nước, đáy ao cần được phơi khô. Có thể dùng vải địa chống thấm (HDPE) hoặc bạt, các tấm được dán kín mép lại với nhau, trải lên toàn bộ nền đáy và bờ ao. Khi trải bạt phải vuốt bạt áp sát nền đáy, cần lắp 3 - 4 ống thoát khí nối từ dưới nền đáy lên trên bờ, tránh hiện tượng khí tích tụ phía dưới, đẩy bạt phồng lên khi đưa nước vào ao nuôi. Nếu đã trải bạt nuôi tôm từ vụ trước thì tháo cạn nước, dùng máy bơm cao áp xịt rửa sạch các chất bám bẩn trên mặt bạt, sau đó dùng nước Chlorine té đều lên mặt bạt, phơi bạt sau 5 - 7 ngày trước khi lấy nước vào ao.

Trong quá trình nuôi

Trong suốt vụ nuôi, các chất thải hữu cơ như: phân tôm, thức ăn thừa, vỏ tôm lột,… tăng cao theo thời gian, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phì dưỡng trong ao tạo điều kiện cho các loài tảo độc (tảo xanh, tảo mắt,…) phát triển ưu thế. Bên cạnh đó, việc phân hủy chất hữu cơ lại sản sinh ra các khí độc NH3, H2S, NO2… gây bệnh cho tôm hoặc khiến tôm chết rải rác, thậm chí chết hàng loạt nếu không xử lý kịp thời.

Đặc tính của loài tôm là sinh sống và tìm kiếm thức ăn dưới đáy, do vậy khi lượng bùn đáy trong ao nhiều sẽ khiến tôm dễ mắc nhiều bệnh về mang như: hoại tử mang, đen mang, vàng mang… Do đó, kể từ tháng nuôi thứ 2 trở đi lượng bùn đáy trong ao sẽ bắt đầu tăng do lượng thức ăn tăng, lúc này việc quản lý chất thải bùn đáy chính là quản lý tốt thức ăn và chất lượng nước.

Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động các giàn quạt nước và sục khí đáy nhằm giảm thiểu tác hại của bùn đáy, đồng thời cần bổ sung thêm các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản để phân hủy chất hữu cơ và các khí độc có trong ao nuôi.

Sau khi thả tôm 10 ngày nên sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch nước ao định kỳ 5 - 7 ngày/lần.

Sau 1 tháng nuôi, tiến hành xi phông đáy định kỳ 4 ngày/lần; khi xi phông đáy phải nhẹ nhàng, điều chỉnh van vừa phải, tránh tôm bị hút ra theo ống xi phông.

Chọn những thức ăn có chất lượng cao và sử dụng thức ăn một cách hợp lý để tránh hiện tượng thừa thức ăn. Khi thức ăn kém chất lượng dẫn đến hệ số chuyển đổi thức ăn cao; độ tan rã thức ăn trong nước lớn làm tôm không sử dụng được hết thức ăn; điều này sẽ làm tăng lượng bùn trong nuôi tôm.


Có thể bạn quan tâm

quan-ly-cho-an-mot-cach-khoa-hoc Quản lý cho ăn một… danh-gia-suc-khoe-tom-tai-ao Đánh giá sức khỏe tôm…