Tin thủy sản Quảng Bình: Chuyện con tôm ở Ngư Thủy Trung

Quảng Bình: Chuyện con tôm ở Ngư Thủy Trung

Tác giả Văn Hoàng-Nguyễn Tâm, ngày đăng 14/02/2017

Chúng tôi đã có chuyến đi về thôn Thượng Bắc Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy) khi anh Ngô Giang Hải, Chủ tịch xã nói “Anh Ngô Minh Phiện là một người năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, anh là một điển hình phát triển kinh tế ở đây...”.

Trong ảnh: Anh Ngô Minh Phiện (Thượng Bắc, Ngư Thủy Trung, Lệ Thủy) trầm tư bên hồ tôm những ngày “biển động”.

Liên lạc với anh Phiện mấy lần và rồi chúng tôi cũng đã gặp nhau trong một ngày đầu năm mới se lạnh, mưa phùn lất phất. Và câu chuyện nuôi tôm trên cát của những người trong cuộc đã làm chúng tôi như “tỉnh” ra: “đừng tưởng bở với con tôm”...

Trước mặt một nông dân “đi giày da, vận com lê” đầy tự tin, câu hỏi đầu tiên chúng tôi đặt ra với anh: Điều kiện “cần” để nuôi tôm trên cát là gì? Đó là vốn lớn và có tay nghề cao, anh Phiện trả lời. Chi phí cho nuôi tôm tôi cũng đã hình dung ra chút ít, nhưng khi nghe nói đến những con số cụ thể thì phải giật mình, 5 trăm triệu đồng cho việc xây dựng cơ bản một hồ tôm có diện tích chừng 3 nghìn m2 và gần 1 tỷ đồng để nuôi một lứa tôm trên hồ đó.

Ngoài ra còn đầu tư điện, đường...Tôi thoáng nhẩm một phép tính khi biết cơ sở anh có đến 10ha, số hồ tôm là 30, một khoản tiền phải nói là “khổng lồ” cần chi ra. Và có lẽ điều kiện cần cho nuôi tôm còn phải bổ sung thêm là... “to gan” nữa. Để có được số lượng tiền lớn cho đầu tư nuôi tôm, anh Phiện đã làm đủ cách, từ vay mượn bạn bè đến liên kết làm ăn.... Riêng về vay ngân hàng, anh Phiện tỏ ra không hài lòng, vì họ cho vay quá ít. Với ngân hàng tôi hiểu ra, nuôi tôm là một nghề rủi ro cao nên họ thận trọng là phải, ai cũng muốn tránh nợ xấu.

Còn về kỹ thuật, anh Phiện cho biết: “Quê tôi ở đây, thôn Thượng Bắc, xã Ngư Thủy Trung, nhưng trước đây tôi “đóng đô” ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) khá nhiều năm. Những ngày trên đất khách, tận mắt nhìn thấy những hồ tôm trên cát đã đẻ ra tiền, tôi chợt nghĩ phải học lấy cái công việc hấp dẫn này để có ngày trở về quê hương, một vùng quê nghèo bãi ngang, chỉ giàu đất cát với cây rười, cây xương rồng cùng những vạt dương liễu còi cọc, để làm ăn...”

Mười năm trước anh về quê sinh sống. Ý tưởng nuôi tôm trên cát lớn dần và bước ngoặt của cuộc đời anh là từ đầu năm 2009 khi anh quyết định thuê 10 ha đất cát ven biển để nuôi tôm. Anh nói, chính quyền khi đó đã ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể. Vượt qua những khó khăn ban đầu, một cơ sở nuôi tôm trên cát được hình thành với nhiều hộ gia đình cùng “chung lưng đấu cật” mà anh Phiện là hạt nhân.

Anh Phiện cho biết: - Vụ đầu trúng to, chỉ tiếc là lúc ấy sức vóc còn hạn chế nên tôi chỉ làm có một hồ, lãi ngay trong vụ nuôi đầu tiên đến 300 triệu đồng. Những năm tiếp theo tôi đã bung ra làm lớn và nhờ trời, trúng liền mấy vụ nên đã bắt đầu có của ăn của để, nợ vơi dần...".

Cứ mỗi hồ tôm bình quân 5-7 tấn/vụ mà mỗi năm 2-3 vụ nuôi, đầu ra khá ổn định, cụ thể tôm loại 1 giá 210 nghìn/kg, tôm loại 2 giá 130 nghìn/kg (tôm được phân loại theo kích cỡ)... Chừng ấy thông tin cũng đủ để nhẩm tính được sự “tăng trưởng nóng” của những người nuôi tôm ở đây.

Hỏi chuyện một người đang làm công trên hồ tôm tên là Trần Văn Trung, anh cho biết anh làm ở đây từ khi anh Phiện mùi tôm, với mức lương 6 triệu đồng/ tháng. Thấy tôi quan tâm đến người lao động, anh Phiện nói: “Hiện có hai loại lao động, tôi thuê hơn 70 lao động trả lương mỗi tháng 6 triệu đồng, có cơm tại chỗ. Ngoài ra, cũng khoảng 70-80 lao động thời vụ khi đến thời kỳ cao điểm, như: thu hoạch, tu sửa hồ...”.

Chẳng thế mà Chủ tịch xã đã có lời khen: “Cơ sở của anh Phiện đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương...”. Chúng tôi kỳ vọng vào hướng đi mới mà anh Phiện đang khởi động ở địa phương. Dạo quanh khu vực nuôi tôm tôi chợt nhận ra không chỉ hồ tôm mà còn nhiều cơ sở làm ăn mới đang hiện diện ở đây, như: quán cháo bún, cà phê, hàng quán...

Phải chăng đây là những cơ sở “ăn theo” con tôm? Qua cán bộ địa phương tôi còn được biết, hàng năm cơ sở anh Phiện hỗ trợ các hoạt động xã hội trên địa bàn hơn 40 triệu đồng. Với anh Phiện, còn có dấu ấn riêng bởi con tôm đã “cõng” hai đứa con anh đi lấy bằng tiến sỹ, thạc sỹ.

Nhưng trời không “dễ tính” mãi với người nuôi tôm. Anh Phiện cho biết, từ năm 2013, dịch bệnh có những diễn biến phức tạp. Những bệnh phổ biến, như: bệnh gan, bệnh đốm trắng xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt là bệnh đốm trắng, có thời gian dịch bệnh này xóa sổ toàn bộ tôm nuôi trên các hồ. Cùng với dịch bệnh, cuối năm 2013, cơn bão số 10 đã dọn sạch các hồ tôm trên địa bàn. Riêng anh Phiện, thiệt hại do dịch bệnh và bão lên đến gần 4 tỷ đồng.

Thiên tai, dịch bệnh đi qua, cơ sở nuôi tôm của anh Phiện vừa gượng dậy được mấy vụ nuôi thì “nhân tai” lại đến. Sự cố môi trường biển tháng 4-2016 đã cướp đi của riêng gia đình anh Phiện hơn 4 tỷ đồng... Anh Phiện tâm sự: Khi nuôi tôm lâm vào cảnh bế tắc, tôi thấy có lỗi với người lao động và với sự kỳ vọng của chính quyền địa phương...

Những hồ tôm ở Ngư Thủy Trung đã sôi động trở lại.

"Dịch bệnh, thiên tai chúng tôi đều đã vượt qua, nhưng sự cố môi trường biển làm chúng tôi bế tắc. Cố nuôi vài hồ thì đều bị hỏng hết, thiệt hại chồng lên thiệt hại. Phải nói rằng đó là thời gian khủng hoảng thực sự. Ngoài những thiệt hại rất lớn, điều quan trọng nữa cơ sở vật chất đã được đầu tư đang phải nằm “đắp chăn”, từ hồ tôm đến điện, đường... Nhưng, đồng tiền lãi vay thì không chịu “đắp chăn”, cứ đều đặn đẻ ra con, ra cháu, chúng tôi phải tra.... Kéo theo đó là một loạt lao động đành nghỉ không lương.

Không chịu bó tay, sau mấy đợt nuôi thất bại, anh đã nghĩ ra phương thức nuôi mới mà mấu chốt là dùng nguồn nước khác không bị ô nhiễm thay thế nguồn nước biển bị ô nhiễm.... Đầu tháng 7-2016, anh đã dời dàn khoan cấp nước cho hồ tôm từ phía biển vào sâu trong vùng cát để lấy nước lợ nuôi tôm. Lúc đầu tôm lớn chậm và có những dấu hiệu không bình thường, anh đã điều chỉnh bằng cách tăng thêm lượng vi sinh và khoáng... Dần dà mọi chuyện đã diễn ra đúng như quỹ đạo của một lứa tôm nuôi, chỉ có điều thời gian nuôi dài hơn và tất nhiên chi phí cũng tăng lên và lợi nhuận cũng giảm đi đáng kể.

Anh Phiện cho biết, chi phí cho mỗi hồ tôm tăng thêm khoảng 30 triệu đồng/vụ nuôi, lợi nhuận giảm khoảng 20%. Trước thực tế này, anh bộc bạch: “Dù có ít lãi hơn nhưng duy trì được hoạt động bình thường của cơ sở nuôi tôm là thắng lợi lớn nhất sau sự cố môi trường biển đối với chúng tôi”. Vâng, các hồ tôm đã hồi phục, những ngày “biển động” đã qua, các guồng quay lại tung bọt trắng xóa trên mặt hồ, các hoạt động mua bán lại nhộn nhịp, những con tôm béo nhẫy lại tỏa đi khắp mọi miền đất nước...

Niềm vui lại đến với những “ông chủ” như anh Phiện, với những người lao động trên hồ tôm và cả những cơ sở kinh doanh “ăn theo” con tôm. Và với chính quyền địa phương vùng biển bãi ngang nghèo này, niềm tin về một hướng làm ăn mới ngày càng rõ nét hơn...


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-can-tho-nuoi-ca-tre-la-toan-than-mau-hong-phan Nông dân Cần Thơ nuôi… nguoi-viet-sap-duoc-an-ca-tra Người Việt sắp được… ăn…