Mô hình kinh tế Quảng Bình Hướng Tới Mô Hình Sản Xuất Gà Sạch Khép Kín

Quảng Bình Hướng Tới Mô Hình Sản Xuất Gà Sạch Khép Kín

Ngày đăng 24/05/2014

Bấy lâu nay, bà con nông dân và người tiêu dùng tỉnh Quảng Bình đã quen thuộc với khái niệm về thực phẩm xanh, sạch, như: rau sạch, nấm sạch… Duy chỉ có “gà sạch” là vẫn còn khá lạ lẫm và ít người quan tâm đến.

Ấy vậy, anh Đặng Văn Châu (Đức Thị, Đức Ninh, TP.Đồng Hới) đang tiến hành xây dựng một mô hình gà sạch ngay tại chính gia đình của mình, với mong muốn sẽ là một trong những người đầu tiên mạnh dạn thử nghiệm thành công quy trình chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học tại tỉnh nhà.

Là một cán bộ của Hội Nông dân TP.Đồng Hới, hơn ai hết, anh Đặng Văn Châu nhận thức rõ tầm quan trọng của quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và sự cần thiết của các sản phẩm sạch đối với nhu cầu người dân trong bối cảnh các giống, sản phẩm vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chất lượng thấp... tràn lan trên thị trường.

Từ năm 2005, anh bắt đầu nuôi thử nghiệm lợn nái sinh sản và năm 2007, anh mạnh dạn nuôi thêm lợn thịt. Qua một vài năm chăn nuôi, anh nhận thấy sự chênh lệch quá lớn giữa giá cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm, cũng như sự ép giá của tư thương đối với lợn nuôi. Chính vì vậy, sau một thời gian dài nghiên cứu và khảo sát nhu cầu thị trường, năm 2012, anh quyết định mạnh dạn chuyển sang nuôi gà theo hướng an toàn sinh học.

Giống gà được lấy trực tiếp từ các cơ sở uy tín của Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), do đó, luôn bảo đảm được nguồn gốc và chất lượng. Hiện nay, anh đang thử nghiệm 3 giống gà mới là gà kiến lai, gà Lương Phượng và gà đá.

Mỗi năm, anh nuôi khoảng 5 lứa, mỗi lứa trên dưới 3.000 con, số tiền chi phí cho giống gà lên tới hơn 100 triệu đồng/năm. Quy trình nuôi gà được khép kín hoàn toàn và sử dụng các giải pháp khoa học, hiệu quả, an toàn để xử lý về chuồng trại, máng chăm sóc, thức ăn, vắc xin...

Anh Đặng Văn Châu cho biết thêm, ngoài việc bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, diện tích 365m2 chuồng trại nuôi gà còn được trang bị hệ thống xử lý chất thải, hầm biogas và đệm lót chuồng bằng men sinh học, vỏ trấu.

Nước sạch cũng là yếu tố không thể thiếu trong quy trình chăn nuôi này. Bên cạnh đó, anh thường xuyên sử dụng 4 loại vắc xin phòng bệnh và các loại vitamin, khoáng chất nhằm nâng cao sức đề kháng cho gà, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết có những biến đổi thất thường và nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát cao.

Tuân thủ theo đúng quy trình, anh hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc kháng sinh và tăng cường tiêu độc khử trùng chuồng trại, bảo đảm vệ sinh môi trường. Thức ăn được mua tại các đại lý uy tín của Viện Chăn nuôi và được thu mua, tích trữ thường xuyên.

Với công trình chăn nuôi gà sạch, gia đình anh đã đầu tư hơn 500 triệu đồng nhờ nguồn vốn vay từ người thân, bạn bè và ngân hàng. Mỗi năm, xuất chuồng từ 10.000-12.000 con, anh nhẩm tính, cứ 1.000 con gà anh thu lãi từ 12-16 triệu đồng tùy theo giá cả thị trường.

Với hướng chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, anh dự định sắp tới sẽ mở rộng thêm quy mô chuồng trại, tăng số lượng gà giống và mở đại lý bán giống gà chất lượng. Tiếp đó, anh sẽ nỗ lực đăng ký nhãn hiệu gà sạch và đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị hoặc xây dựng cửa hàng bán gà sạch riêng của mình.

Bên cạnh cần một nguồn vốn hỗ trợ, cái khó nhất của những người sản xuất sản phẩm sạch như anh Đặng Văn Châu còn nằm ở khâu tuyên truyền, thuyết phục thay đổi nhận thức của người dân.

Thực tế cho thấy, mặc dù chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cho ra đời sản phẩm gà sạch, nhưng các thương lái đến thu mua vẫn theo giá của gà thường và khi bán lại lẫn lộn với các sản phẩm gà không rõ nguồn gốc khác. Anh chia sẻ, chỉ có bà con xung quanh và những ai “biết tiếng” mới đến mua trực tiếp tại chuồng.

Có thời điểm lễ Tết, gia đình anh bán hơn 500 con gà theo hình thức này. Mặt khác, việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm gà sạch cũng rất cần có sự tư vấn, giúp đỡ từ phía các cơ quan chức năng, bởi theo anh Châu, mặc dù là “người trong ngành”, nhưng anh vẫn cảm thấy khá rắc rối và phức tạp.

Anh bày tỏ hy vọng vào sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể liên quan trong quá trình truyên truyền, quảng bá và nhân rộng các mô hình chăn nuôi sạch, an toàn, qua đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng sản phẩm sạch. Có như vậy, quyền lợi của người nông dân mới được bảo đảm và xu hướng sản xuất an toàn sinh học được đến gần hơn với người chăn nuôi.


Có thể bạn quan tâm

dak-nong-lam-giau-tunam Đắk Nông Làm Giàu Từnấm dong-thap-chu-dong-phong-chong-dich-benh-cho-vat-nuoi-thoi-diem-chuyen-mua Đồng Tháp Chủ Động Phòng,…