Mô hình kinh tế Quảng Bình: Người Chăn Nuôi Bị Vạ Lây Từ Tin Đồn

Quảng Bình: Người Chăn Nuôi Bị Vạ Lây Từ Tin Đồn

Ngày đăng 17/04/2012

Anh Lê Văn Lưu, Chủ nhiệm CLB trang trại ở Lệ Thủy (Quảng Bình) lo lắng: “Người chăn nuôi chưa kịp khôi phục lại đàn lợn do tin đồn về dịch tai xanh của năm ngoái, sau đó giá thức ăn và con giống tăng cao, bây giờ lại lao đao với thông tin về chất tạo nạc”.

Giá thịt lợn hơi giảm

Chúng tôi đã tìm về xã Thuận Đức (TP Đồng Hới), một trong những địa phương có nhiều trang trại chăn nuôi lợn để tìm hiểu thực trạng nghề chăn nuôi lợn hiện nay. Gia đình anh Đoàn Mạnh Hùng, một trong 3 trang trại có quy mô nhất của xã cho biết, theo các nguồn thông tin từ báo chí thì đến thời điểm này trong tỉnh Quảng Bình chưa phát hiện thịt lợn sử dụng chất tạo nạc, nhưng do người dân hoang mang nên tẩy chay thịt lợn. Chính điều này đã đẩy các trang trại chăn nuôi vào khó khăn”. 

Trang trại của anh Hùng thường xuyên nuôi lợn với quy mô trên 600 con, trong đó lợn thịt khoảng 500 con, còn lại là lợn nái siêu nạc. Bình quân cứ sau 4 đến 5 tháng nuôi, trang trại anh lại cho xuất chuồng một lứa lợn thịt (khoảng 2,5 tấn thịt). Giá bán ra thị trường là 54.000 đồng/kg, thu về trên 140 triệu đồng.Tuy nhiên, vào tuần trước, khi trang trại xuất lợn cho bạn hàng ở Huế thì giá bán thịt lợn hơi chỉ còn ở mức 45.000 đồng/kg. Như vậy, rõ ràng là thời điểm khi thông tin chất tạo nạc xuất hiện thì giá lợn hơi đã "tụt xuống" gần 10 giá so với trước. Song theo anh Đoàn Mạnh Hùng, giá thịt lợn của trang trại anh vẫn còn ở mức cao so với nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong xã, bởi lợn của các hộ nuôi nhỏ lẻ còn bị tư thương ép giá, thu mua với giá rẻ. Trong khi đó, ở xã Thuận Đức, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân chiếm đa số.

Cũng giống như hoàn cảnh của trang trại anh Hùng, chị Trịnh Thị Vinh, phụ trách trang trại nuôi lợn của Tập đoàn Mai Linh chia sẻ, trang trại hiện có quy mô nuôi khoảng 500 con và bình thường thì xuất chuồng đều đặn, nhưng trong một tháng trở lại đây do giá thịt lợn giảm nên trang trại đang nuôi cầm chừng. "Đợt xuất bán vào tuần trước cho bạn hàng từ Hà Nội, với số lượng 100 con, thay vì giá bán 55.000đồng/kg thì trang trại phải bán với giá 45.000 đồng/kg. Biết là giá quá thấp nhưng không bán mà để lại thì cũng khó", chị Vinh cho biết.

Người chăn nuôi thêm một phen lao đao

Theo anh Lê Văn Lưu, Chủ nhiệm CLB trang trại ở Lệ Thủy, tham gia CLB có 6 trang trại chăn nuôi lợn có quy mô khoảng 100 con trở lên, còn lại hầu hết trong huyện là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phục vụ cho thị trường nội tỉnh. Vì vậy, sau thông tin chất tạo nạc, giá thịt lợn hơi của các hộ dân chỉ bán được 38.000-40.000 đồng/kg và đáng nói là dù chấp nhận giá thấp nhưng nhiều hộ vẫn không xuất được lợn do thị trường tiêu thụ giảm mạnh. Như vậy, thực tế hiện nay khiến người chăn nuôi khá lận đận bởi xuất ra không được mà giữ lại càng khó, vì lợn nuôi hầu hết đã đến độ xuất chuồng.

Mấy năm gần đây, gia đình anh Nguyễn Thế Phận (ở Minh Hóa) cũng có đầu tư vào chăn nuôi ở mức độ nhỏ lẻ so với mô hình trang trại. Mỗi lứa lợn, anh chỉ đầu tư thả 25 con lợn thịt. Trung bình mỗi lứa xuất chuồng cũng có lãi 5-7 triệu đồng. Lứa lợn bây giờ dù đã “quá” hạn xuất chuồng hơn 20 ngày nhưng vẫn chưa có “tín hiệu” bán được. Kêu mấy thương lái trong địa phương đến thì họ cứ kỳ kèo giá chỉ còn 35.000 đồng/kg hơi. Anh Phận mệt nhọc: “Bán với giá đó thì lỗ chỏng vó. Mà không bán thì chưa biết tính làm sao. Lỡ ra giá cứ tụt xuống nữa thì khổ. Con bé học trong Đại học Đà Nẵng gọi giục gửi tiền vô. Hôm qua, mẹ nó chạy đi vay nóng hai triệu bạc để gửi vô cho con mà họ đang hẹn ba hôm nữa mới có. Bán với giá thấp thì khó lấy khoản nào mà bù vào đó”.

Anh Đoàn mạnh Hùng- Chủ trang trại chăn nuôi: “Khi có những thông tin chưa rõ ràng, mang tính chất chung chung, chưa có kết quả cụ thể gây bất lợi cho nghề chăn nuôi, thì các cơ quan chức năng cần có giải pháp kịp thời để bảo vệ người tiêu dùng và người chăn nuôi...

Trao đổi thêm với một số chủ trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn, chúng tôi được biết, hiện nay đối với các trang trại chăn nuôi có quy mô từ 300 -400 con trở lên thì còn có lợi nhuận, còn riêng các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ thì chỉ có lỗ, thậm chí là bị "cụt vốn". Nguyên nhân là do hầu hết các trang trại lớn đều chủ động nguồn con giống nên khi có biến động đàn lợn nái vẫn được duy trì. Mặt khác, điều dễ nhận thấy là các trang trại lớn thường có đầu ra cố định từ những bạn hàng thường xuyên và liên tục nên sản phẩm chăn nuôi dù mất giá nhưng vẫn được đưa đi tiêu thụ. Ngược lại, các hộ nuôi nhỏ lẻ không chỉ có thất thu vì rớt giá mà còn khó bán sản phẩm chăn nuôi ra thị trường vì số lượng quá ít, lại không tập trung. Đặc biệt, khi các hộ nuôi muốn khôi phục lại nghề phải đối mặt với tình trạng giá con giống tăng và khan hiếm.

"Giá thịt lợn đã giảm mạnh, nếu cứ tiếp tục rớt giá như vậy, nông dân chúng tôi phải bỏ nghề chăn nuôi lợn để chuyển sang nghề khác", anh Lê Ngọc Bé, một chủ hộ chăn nuôi ở xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) bộc bạch và đó cũng là thực trang chung của nhiều hộ chăn nuôi lợn ở các địa phương trong tỉnh Quảng Bình hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

chanh-tang-gia-ky-luc Chanh Tăng Giá Kỷ Lục lo-1-trieu-dong-moi-con-lon-vi-chat-cam Lỗ 1 Triệu Đồng Mỗi…