Quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 27/7 năm 2010 về Quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã quy định một số yêu cầu sau:
Tại chương II - Điều kiện cơ sở, vùng nuôi
Điều 3. Điều kiện chung
1. Cơ sở vùng nuôi tôm phải nằm trong vùng quy hoạch; tuân thủ theo các quy định về nuôi tôm của địa phương. Đối với những cơ sở nhỏ lẻ nằm ngoài vùng quy hoạch và trước khi thông tư này có hiệu lực thi hành thì cơ sở nuôi tôm phải tuân thủ theo quy định về quản lý giám sát của địa phương.
2. Cơ sở nuôi tôm phải đăng ký cơ sở nuôi theo quy định của Bộ NN&PTNT.
3. Chất lượng nguồn nước của cơ sở, vùng nuôi tôm phải đảm bảo theo yêu cầu tại phụ lục 1 thông tư.
Điều 4. Điều kiện về cơ sở hạ tầng quy định
1. Hệ thống ao nuôi
a. Ao nuôi phải có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000 m2; độ sâu từ đáy ao đến mặt bờ phải đạt tối thiểu 2 m; bờ ao phải chắc chắn, không rò rỉ.
b. Đáy ao phải được gia cố đầm đáy, chống thấm, nền phẳng, dốc nghiêng về phía cống thoát từ 80- 100.
c. Ao phải có cống cấp và thoát nước riêng biệt đảm bảo chắc chắn không rò rỉ. Cống cấp phải có lưới chắn lọc nước nhằm loại bỏ cá tạp, địch hại và cỏ rác khi cấp nước vào ao
2. Hệ thống xử lý nước cấp và chất thải
a. Ao chứa (lắng): dùng để trữ nước và xử lý làm sạch nước trước khi cấp cho các ao nuôi; diện tích ao chứa chiếm 15 - 20% tổng diện tích mặt nước của cơ sở, vùng nuôi; bờ và đáy ao chắc chắn, không rò rỉ, thẩm lậu.
b. Hệ thống xử lý nước thải: khuyến khích cơ sở, vùng nuôi tôm có hệ thống xử lý nước thải từ ao nuôi tôm trước khi thải ra môi trường.
c. Khu chứa bùn thải: cơ sở, vùng nuôi tôm phải có khu chứa bùn thải đảm bảo xử lý hết lượng bùn thải ra sau mỗi đợt nuôi, khu chứa bùn thải có bờ ngăn không để bùn và nước từ bùn thoát ra môi trường xung quanh.
3. Hệ thống kênh cấp và kênh thoát nước: cơ sở, vùng nuôi tôm phải có kênh cấp và kênh thoát nước riêng biệt, chắc chắn, không rò rỉ, thẩm lậu, đảm bảo đủ cấp và thoát nước khi cần thiết.
4. Khu vực sơ chế, bảo quản tôm nguyên liệu sau thu hoạch: phải cách ly với khu vực nuôi tôm.
5. Hệ thống cơ sở hạ tầng phụ trợ bao gồm: nhà ở, nơi làm việc, kho chứa thức ăn, kho chứa và bảo quản máy múc, dụng cụ, nguyên vật liệu và công trình phụ trợ khác tùy theo từng cơ sở, vùng nuôi. Các công trình phụ trợ phải tách biệt với hệ thống ao nuôi, đảm bảo các yêu cầu: chắc chắn, khô ráo, thông thoáng và có kệ để nguyên vật liệu cách sàn nhà tối thiểu 15 cm; có ngăn bảo quản riêng biệt máy móc, ngư cụ, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, nhiên liệu.
Điều 5. Điều kiện về trang thiết bị máy móc, dụng cụ chuyên dùng
1. Cơ sở nuôi tôm phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng cho vận hành sản xuất theo phụ lục 2 của Thông tư.
2. Vùng nuôi tôm phải được trang bị hệ thống máy bơm và xây dụng hệ thống cấp thoát nước cho cả vùng.
3. Động cơ và thiết bị dùng trong nuôi tôm phải đảm bảo kỹ thuật, không được rò rỉ xăng dầu gây ô nhiễm môi trường.
Điều 6. Điều kiện về quy trình công nghệ nuôi tôm
1. Chuẩn bị ao nuôi
a. Trước khi thả giống, cơ sở nuôi tôm phải cải tạo ao nuôi với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 1 tháng sau mỗi đợt nuôi.
b. Nước cấp vào ao nuôi tôm phải được xử lý nhằm loại bỏ mầm bệnh, địch hại. Nước cấp và nước trong quá trình nuôi tôm phải đảm bảo chất lượng nước theo phụ lục 1 Thông tư.
2. Tuyển chọn và thả giống
a. Tôm giống để nuôi phải đảm bảo chất lượng theo TCVN và những quy định của Bộ NN&PTNT hiện hành; có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành.
b. Mật độ thả giống
- Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh: mật độ > 60 con/m2.
- Nuôi tôm sú thâm canh: mật độ > 20 con/m2.
c. Mùa vụ thả giống: tuân thủ lịch mùa vụ hàng năm của địa phương.
3. Thức ăn và chất bổ sung thức ăn
a. Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
b. Trường hợp cơ sở tự sản xuất thức ăn cho tôm thì chất lượng thức ăn phải đảm bảo theo quy định của Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 102:2004 Thức ăn hỗn hợp dạng viên cho tôm sú.
4. Thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản phải nằm trong các danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam...
Điều 7. Điều kiện về lao động kỹ thuật
Cơ sở nuôi tôm có diện tích nuôi nhỏ hơn 5 ha phải có ít nhất một người tham gia khóa tập huấn, đào tạo về quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc có người tham gia khóa tập huấn, đào tạo về nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm.
Cơ sở nuôi tôm có diện tích 5 - 20 ha phải có ít nhất một cán bộ trung cấp nuôi trồng thủy sản.
Cơ sở nuôi tôm có diện tích lớn hơn 20 ha phải có ít nhất 1 cán bộ là kỹ sư nuôi trồng thủy sản.
Điều 8. Điều kiện về quản lý hồ sơ
Cơ sở nuôi tôm phải ghi nhật ký và lưu giữ hồ sơ về hoạt động sản xuất nuôi tôm theo mẫu tại mục II, phụ lục 5 Thông tư.
Tags: vung nuoi tom tham canh, nuoi trong thuy san, ve sinh thuc pham
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ