Quy Hoạch Sử Dụng Đất Lúa
Lúa là cây lương thực hàng đầu, chiếm vị trí quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh nói chung, đất trồng lúa nói riêng đang ngày càng bị thu hẹp do chuyển đổi mục đích sử dụng. Để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, việc quy hoạch sử dụng đất lúa trong thời gian tới là hết sức cần thiết..
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh, trên 86% dân số của tỉnh tập trung ở khu vực nông thôn. Năm 2000 toàn tỉnh có 28.284,1 ha đất trồng lúa, đến năm 2012 chỉ còn 26.555,48 ha, giảm 1.728 ha (bình quân trên 157 ha/năm). Thống kê của ngành, từ năm 2005 đến nay, các huyện có diện tích đất trồng lúa giảm mạnh là Yên Sơn, Chiêm Hóa, Nà Hang, Sơn Dương… Việc giảm diện tích đất lúa đã ảnh hưởng đến diện tích gieo trồng và sản lượng lúa. Cụ thể, năm 2011 có 46.043 ha lúa 2 vụ, năm 2012 có 45.723 ha lúa 2 vụ.
Mặc dù hàng năm, toàn tỉnh đã áp dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tuy nhiên sản lượng lúa tăng không đáng kể: năm 2011 đạt 221.141 tấn, năm 2012 đạt 266.682 tấn. Cùng đó, tình trạng chất thải đô thị và chất thải công nghiệp ra đồng ruộng, một số đơn vị có hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản do chưa chấp hành tốt quy định về bảo vệ môi trường đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý và sử dụng đất lúa. Hàng năm, hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất luôn đe dọa sản xuất nông nghiệp.
Việc dồn điền, đổi thửa đã triển khai nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm; hầu hết các xã thực hiện quy hoạch kiến thiết đồng ruộng nhưng mới dừng lại ở việc xây dựng phương án, chưa triển khai ngoài thực địa. Công tác đầu tư thủy lợi chưa đáp ứng cho việc chuyển một phần diện tích đất lúa 1 vụ, đất màu, đất chưa sử dụng sang đất lúa 2 vụ.
Công tác dự báo một số công trình thực hiện trên địa bàn, diện tích đất lúa thu hồi chưa sát với thực tiễn. Năm 2005, hệ số sử dụng đất lúa toàn tỉnh là 2,24 lần; năm 2009 là 2,41 lần; đến năm 2012 chỉ còn 2,3 lần.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã xác định tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 14%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 14,8%/năm. Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2020, trong thời gian tới, chủ trương của tỉnh là đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa.
Do đó nhu cầu sử dụng đất cho phát triển hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa cũng sẽ tăng cao, dân số ngày càng biến động tăng, kéo theo nhu cầu về lương thực cũng tăng lên trong khi đất không “nở” thêm.
Theo dự báo, đến năm 2015, nhu cầu tối thiểu về thóc toàn tỉnh phải đạt trên 244.000 tấn; năm 2020 trên 245.000 tấn; theo đó đến năm 2015, diện tích đất lúa tối thiểu phải giữ được 25.846 ha, năm 2020 là 25.314 ha.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho rằng, trong thời gian tiếp theo, đất trồng lúa sẽ tiếp tục giảm do chuyển mục đích sử dụng. Vì vậy, đất lúa phải được bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác.
Các địa phương cần phải tiếp tục đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng lúa và hệ số sử dụng đất để đảm bảo hài hòa nhu cầu sử dụng đất lúa cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một số giải pháp được đề xuất là về chính sách phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ sản xuất, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Đối với nguồn nhân lực, cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho lao động nông thôn về các lĩnh vực trồng và thâm canh lúa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đưa tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo đạt trên 50% vào năm 2020, trong đó trên 30% được đào tạo nghề; xây dựng và có các chính sách thu hút đội ngũ trí thức làm việc ở vùng nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ