Mô hình kinh tế Quỳ Hợp (Nghệ An) Tưới Nhỏ Giọt, Giải Pháp Công Nghệ Cao Trong Nông Nghiệp

Quỳ Hợp (Nghệ An) Tưới Nhỏ Giọt, Giải Pháp Công Nghệ Cao Trong Nông Nghiệp

Ngày đăng 08/08/2014

Tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới nước vào rễ cây dưới dạng các giọt nước nhỏ ra chậm, với lưu lượng không đổi nhờ các cơ chế đều tiết áp lực nước của các đầu nhỏ giọt gắn chìm trong ống dẫn hay lắp bên ngoài ống. Đến nay, hệ thống tưới nhỏ giọt là biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước nhất, giảm được khoảng 30-60% nước so với phương pháp tưới truyền thống…

Dù đang mùa nắng nóng gay gắt, nhưng đồi mía, cam bạt ngàn của gia đình anh Dương Đình Tấn ở Nghĩa Xuân - Quỳ Hợp (Nghệ An) vẫn xanh tươi. Đó là nhờ mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt được anh áp dụng gần 2 năm nay.

Anh Tấn cho hay: Nắng nóng, khô hạn cây mía cả vùng này kém phát triển, thân cây khẳng khiu, nhưng diện tích mía của gia đình tôi được tưới theo công nghệ nhỏ giọt lại xanh tốt, thân cây mập mạp. Trước đây, trồng 2 ha mía, do không có nước tưới năng suất cao nhất chỉ đạt từ 55 - 60 tấn/ha.

Có năm nắng hạn mía khô héo, nhiều diện tích bị mất trắng. Từ niên vụ 2012 - 2013, áp dụng tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel do Công ty cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh, đại diện Tập đoàn Netafim (Israel) tại Việt Nam, đơn vị trực tiếp tư vấn và chuyển giao công nghệ tưới nhỏ giọt, năng suất mía vượt trội, đạt gần 120 tấn/ha.

Theo anh Tấn thì vùng mía Trại Lá trước đây vào mùa nắng hạn, một số diện tích mía sử dụng máy bơm dầu dã chiến để bơm tưới, tuy nhiên, chưa mang lại hiệu quả vì bơm được diện tích ít, chi phí cao.

Anh Tấn đưa tôi ra khu vực “máy chủ”, là một máy nổ Đông Phong đặt sát tại một “mó” nước với chằng chịt đường ống. Anh Tấn cho biết: Để tưới cho 2 ha mía, cần trên 500m đường ống chính (ống nhựa cứng) sau đó nối với các đường ống phụ.

Đường ống phụ nhỏ (ống nhựa dẻo) được đặt theo hàng mía. Trước đây, tưới tràn, người lao động phải vác vòi nước chạy khắp đồi mía trong tiết trời nắng nóng, hiệu quả thấp, do nước chỉ chảy tràn chứ chưa kịp ngấm vào gốc. Bây giờ, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt thì rất nhàn.

Hệ thống tưới nhỏ giọt đã giải phóng được sức lao động, tiết kiệm tối đa nhân công và chi phí, cả vụ tưới mía cho hơn 2 ha mía chỉ mất 3 triệu đồng tiền dầu. Trước đây, do hạn hán, mía chết thường phải trồng dặm lại nhưng nhờ sử dụng tưới nhỏ giọt nên cây mía đảm bảo 100% tỷ lệ sống và sinh trưởng tốt.

Thấy được hiệu quả từ công nghệ tưới nhỏ giọt, năm 2014 anh Tấn đã đầu tư thêm chi phí để tưới cho thêm 2,4 ha mía và 4,4 ha cam, nâng tổng diện tích tưới lên 8,8 ha, trị giá đầu tư trên 520 triệu đồng (sử dụng 2 máy nổ bơm nước tưới nhỏ giọt). Trước đây, để bón phân cho mía, cam anh Tấn phải rạch hàng, bón phân, lấp đấp rất vất vả, phân bón dễ bị bay hơi hoặc rửa trôi.

Nhưng nay hệ thống tưới nhỏ giọt còn kết hợp bón phân qua nước, “bộ châm phân” là một bể nước đã được hoà với liều lượng phân bón định sẵn rồi đưa vào hệ thống đường ống, điều tiết qua hệ thống nhỏ giọt, phân phối đều cho khắp cả diện tích cây mía, cam. Giúp cho vùng rễ tươi xốp, tăng khả năng hô hấp của rễ, nên tăng hiệu quả hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây mía, cam.

Để sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hiệu quả, anh Tấn thực hiện theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật. Ghi chép vào sổ nhật ký theo dõi tưới nhỏ giọt. Thường vào mùa nắng hạn anh Tấn cho tưới 4 ngày 1 lần, hệ thống đường ống có khoảng cách 50 cm/1 điểm nhỏ giọt, mỗi gốc mía được cung cấp 1 lít nước/giờ.

Đối với cam cung cấp 1,6 lít nước/giờ. Với hệ thống này, lượng nước cung cấp đáp ứng đúng lúc theo nhu cầu của cây, tiết kiệm nước tối đa, hạn chế lượng nước thất thoát, phù hợp với điều kiện vùng đồi dốc thoải của Quỳ Hợp.

Theo anh Tấn, mô hình tưới nhỏ giọt này mới qua hơn 1 năm sử dụng, qua thực tế, sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh lượng nước tưới, chu kỳ tưới kết hợp điều chỉnh phân bón và các yếu tố khác… nhằm tăng hơn nữa năng suất của cây mía và cam.

Ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: Mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho mía, cam mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân.

Tổng chi phí đầu tư khoảng từ 55 - 60 triệu đồng/ha, thời gian sử dụng từ 8 - 10 năm, như vậy, khấu hao mỗi năm chỉ đạt 5,5 - 6 triệu đồng, giảm được 30 - 40% lượng nước tưới/ha, chưa kể tiết kiệm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, mỗi vụ mía tăng năng suất gấp đôi từ 60 tấn, tăng lên 120 tấn mía/ha, mang lại thu nhập cao cho người trồng mía.

Tuy nhiên, đến thời điểm này huyện Quỳ Hợp chỉ mới đưa vào sử dụng được 2 mô hình tưới nhỏ giọt ở Minh Hợp và Nghĩa Xuân. Nguyên nhân là do kinh phí đầu tư ban đầu của mô hình tưới nhỏ giọt quá đắt, người trồng mía đang rất cần được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây công nghiệp, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-tan-chau-thiet-hai-gan-21-ty-dong-do-mi-bi-ngap-nuoc Nông Dân Tân Châu Thiệt… mo-hinh-nuoi-ga-tha-vuon-an-toan-sinh-hoc-o-kim-binh Mô Hình Nuôi Gà Thả…