Tôm thẻ chân trắng Quy trình kỹ thuật nuôi cá tra

Quy trình kỹ thuật nuôi cá tra

Ngày đăng 19/06/2015

1. Cải tạo ao nuôi

* Đối với ao cũ: ao phải được vệ sinh thật kỹ theo trình tự các bước sau:

- Tát cạn nước, vét sạch bùn đáy. Bùn đáy ao nuôi cá tra dùng bón cho ruộng lúa, hoa màu giúp tăng năng suất, tránh thải trực tiếp ra sông rạch vì rất dễ làm ô nhiễm môi trường trong vùng nuôi.

- Bắt hết các loài cá tạp, cá dữ có trong ao.

- Dọn sạch cỏ, bụi rậm, phát quang tán cây cao xung quanh bờ ao (nếu có).

- Lấp hết các hang hốc, lỗ mọi, sửa chữa cống, mặt bờ ao.

- Bón vôi đều khắp đáy ao, với lượng từ 70 – 100kg/1.000m2 ao. Thời gian bón vôi từ 12 – 15 giờ (lúc trời nắng gắt) giúp tăng hiệu quả của vôi đối với cá tạp.

- Lọc nước vô ao qua cống, có gắn túi lưới lọc 2 lớp lưới cước.

* Đối với ao mới: Nên lấy nước vào ngâm xả phèn nhiều lần trước khi làm các bước tiếp theo.

* Đối với ao không thể bơm, tát cạn nước, có thể thực hiện theo các bước sau:

- Tháo, xả nước qua cống, đóng cống giữ mực nước tối thiểu trong ao.

- Dùng máy bơm chuyên dùng, hút hết bùn đáy ao.

- Dùng rễ dây thuốc cá hoặc Sapotech với lượng 1kg/100m3 nước ao, trộn chung với 02 lít dầu trắng, tát khắp mặt ao, vào lúc trưa nắng để diệt cá tạp.

- Dùng từ 100 – 120kg vôi/1.000m2, rải đều xung quanh ao và bờ ao, sau đó tiến hành lọc nước vô ao như hướng dẫn ở phần trên.

2. Con giống và mật độ:

* Qui cách cá tra giống:

- Nên thả cỡ cá giống 10 – 14cm (chiều dài ).

- Cá giống phải đồng đều cỡ, cơ thể cân đối, không dị hình, không xây xát.

- Cá sạch bệnh (được kiểm dịch trước khi đưa ra ao nuôi thịt).

- Bơi lội nhanh nhẹn, màu sắc sáng, rõ nét, đẹp.

* Mật độ: Từ 18 – 20con/m2.

Có thể thả ghép thêm 3% cá Điêu hồng hoặc cá Rô phi đơn tính và 1% cá Chép, nhằm tận dụng thức ăn và xử lý nền đáy ao.

* Mùa vụ: Có thể nuôi cá tra quanh năm.

3. Phương pháp thả giống

- Khi thả cá vào ao, nên ngâm bao chứa cá giống trong nước ao 15 - 20 phút, rồi thả từ từ để cá quen dần với điều kiện mới.

- Trước khi thả cá xuống ao, phải tắm nước muối 2 - 3% trong 5 - 6 phút để cá mau lành các vết thương, loại bỏ được ký sinh trùng bám trên cơ thể cá.

- Nên thả cá giống vào buổi sáng lúc trời mát.

- Nếu vận chuyển bằng thuyền thông thủy (ghe đục) thì dùng lưới mắt nhỏ để kéo cá, thao tác nhẹ nhàng tránh làm cá xây sát.

4. Thức ăn và phương pháp cho ăn

a. Thức ăn

Tùy theo diện tích nuôi, khả năng về vốn của nông hộ, giá cả cám, bột cá, cá biển, thức ăn viên… theo từng thời điểm, và tùy theo cách tính toán về hiệu quả kinh tế, có thể chọn một trong ba phương án cho ăn như sau:

* Phương án 1:

- Sử dụng toàn bộ thức ăn viên nổi có chất lượng tốt cho cá ăn từ lúc thả giống đến khi thu hoạch.

- Tuỳ theo từng giai đoạn phát triển của cá sẽ có loại thức ăn phù hợp về hàm lượng đạm, kích cỡ viên thức ăn…

- Hệ số thức ăn trung bình từ: 1.5 – 1.7

* Phương án 2:

- Cho cá thức ăn viên ở giai đoạn 1 tháng đầu sau khi thả và 1 tháng cuối trước khi xuất cá bán.

- Trong thời gian 4 tháng còn lại, cho ăn thức ăn nấu chín, để nguội, ép đùn viên cho cá ăn.

- Công thức phối hợp thức ăn gồm: 70% cám + 30% bột cá lạt (hoặc cá biển tươi).

- Trong phương án này, hệ số thức ăn dao động từ: 2.0 – 2.2 (tùy theo chất lượng và giá cả của nguyên liệu).

* Phương án 3:

- Cho ăn toàn bộ bằng thức ăn tự chế, công thức phối hợp giống như phương án 2.

- Hệ số thức ăn dao động lớn: từ 2.2 – 2.5, thậm chí có khi lên đến 3 (tức là cần 3kg thức ăn cho 1kg cá thành phẩm).

b. Phương pháp cho ăn:

Trong 2 tháng đầu, cho cá ăn 3lần/ngày. Sau đó, giảm xuống còn 2lần/ngày.

* Lượng thức ăn cho cá ăn:

- Tuần lễ đầu tiên, cho cá ăn từ 4 – 6lần/ngày, cho ăn định lượng, tập cho cá ăn quen dần với thức ăn viên. Lượng ăn từ 10 – 12kg/100.000cá/lần, sau đó tăng dần lên. Thức ăn được trộn nước thấm đều trước khi cho ăn.

- Thời gian sau, cho cá ăn no bình thường, cần chú ý giảm thức ăn khi cá vừa no, tránh tình trạng lãng phí thức ăn và làm dơ nước.

- Cho cá ăn từ 2 – 3lần/ngày.

5. Chăm sóc – quản lý ao nuôi

- Thường xuyên kiểm tra cống, mọi… bảo đảm lượng nước được trao đổi tối thiểu 30% mỗi ngày.

- Theo dõi mức độ tăng trọng của cá qua từng tháng nuôi, để cân đối thành phần đạm trong thức ăn cho phù hợp.

- Thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe của cá qua: Lượng thức ăn hàng ngày, tình trạng hoạt động (nổi đầu, rộ đàn…), thời tiết bất thường…

- Định kỳ trộn men vi sinh, Vitamin C vào thức ăn cho cá ăn 2lần/tuần, để kích thích tiêu hóa và tăng thêm sức đề kháng cho cá.

- Chú ý việc phòng bệnh bằng cách định kỳ xử lý nguồn nước bằng các chế phẩm sinh học hay các loại hóa chất như vôi, muối ăn,...

- Tất cả các hoạt động trong suốt qúa trình nuôi cá (lượng thức ăn, thuốc hóa chất sử dụng, tăng trọng của cá...) phải được ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký nuôi.

6. Thu hoạch cá

- Trước khi thu hoạch, ngưng cho cá ăn 2 ngày.

- Cho cá ăn đủ chất và lượng, sau 6 – 7 tháng nuôi cá đạt trọng lượng trung bình từ 0,8 – 1,2kg/con, năng suất từ 170 – 190tấn/ha.

Tags: nuoi ca tra, nuoi ca, nuoi thuy san


Có thể bạn quan tâm

nuoi-cua-bien-vo-beo Nuôi cua biển vỗ béo ky-thuat-nuoi-ca-chinh-thuong-pham-trong-ao Kỹ thuật nuôi cá chình…