Tôm thẻ chân trắng Quy trình kỹ thuật nuôi cua biển

Quy trình kỹ thuật nuôi cua biển

Ngày đăng 01/07/2015

Khu vực nuôi thuận lợi trong việc cấp, thóat nước chủ động; nền đáy ao, đầm bằng phẳng, chất đất đáy thành phần là bùn cát hoặc đất thịt pha cát hoặc đất thịt pha sét; độ dày bùn đáy tốt nhất nên ở mức nhỏ hơn 20 cm; các thông số môi trường bao gồm độ mặn dao động cho phép từ vài phần nghìn đến 25%0, tốt nhất là 15%0; độ pH trung bình từ 7-8, hàm lượng Oxy trong khoảng mức lớn hơn 4 mg/lít.

Nên chọn những ao có kích thước vừa phải, diện tích 1000-2000 mét vuông, độ sâu ao từ 0.8 – 1,2m. Ao có chân bờ rộng từ 3 - 4m, đỉnh bờ rộng 1,5 - 2m. Khu vực giữa ao, đầm nuôi có thể chừa gò, để cây cỏ mọc tự nhiên. Hoặc trồng cây theo ý, đây là nơi cua cư trú, kiếm ăn, đào hang hốc. Cũng có thể đào mương trong ao, mương thường sâu từ 0,8 - 1,2m, rộng từ 2 - 3m, có chiều dài theo chiều dài ao. Quanh ao, đầm nuôi phải thiết lập hàng rào bảo vệ.  Hàng rào này có thể bằng lưới cước, tôn firociment, bẹ dừa, nhưng tốt nhất là phên đăng tre, thân tầm vông, thân nứa…cắm dày đặc quanh bờ khu vực nuôi cua.

Hàng rào bảo vệ thiết kế có xu hướng đưa phần đỉnh nghiêng vào phía trong ao nuôi. Rào có chiều cao tính từ chân bờ đến ngọn cao từ 1,5 - 2m, phần chân cắm sâu vào chân bờ ít nhất từ 0,3 - 0.5m. Trước khi nuôi cần tiến hành công tác cải tạo ao, đầm nuôi kỹ. Nước được xả cạn, nếu ao cũ cần phải sên bùn, xảm các lỗ mọi, gia cố bờ, cống…rồi tiến hành bón vôi. Trong giai đoạn này có thể dùng vôi tôi như Ca(OH)2, hoặc vôi nông nghiệp như CaCO3. Lượng vôi dùng tùy thuộc vào độ phèn đất ao nuôi. Nếu ao có độ phèn dưới 5.0 thì lượng vôi thường dùng 15 - 20kg/100mét vuông ao.

Nếu ao có độ phèn dưới 6.5 thì lượng vôi thường dùng 12-15kg/100mét vôi ao. Nếu ao có độ phèn dưới 7.0 thì lượng vôi thường dùng 7-10kg/100mét vuông ao, những nơi trũng, đọng nước hoặc các hang hốc thì rải lượng vôi nhiều hơn. Sau khi bón vôi tiến hành phơi nắng từ 5-7 ngày, sau thời gian phơi nắng, lấy nước vào ao, đầm nuôi. Cần đặc biệt lưu ý, nước lấy từ ngòai vào ao nuôi phải qua lưới chắn cá tạp, địch hại. Nên chọn những con nước lớn, nước cường và lấy nước ở tầng giữa là tốt nhất. Về giống, nên chọn con giống tại chỗ vì dễ thích nghi với môi trường và nguồn dinh dưỡng địa phương có sẵn.

Nếu vận chuyển cua giống từ nơi khác về cần kiểm tra kỹ các thông số môi trường giữa trại giống, nơi nuôi dưỡng và nơi dự kiến thả cua. Các thông số môi trường cho phép chênh lệch không quá 0,5. Nếu có sự chênh lệch các thông số môi trường cần phải chủ động điều chỉnh bằng cách thuần dưỡng từ từ, hạ dần các thông số cho tương ứng giữa hai nơi cũ và mới, trong đó quan trọng nhất là yếu tố độ mặn. Nên chọn cỡ giống có trọng lượng từ 30-40 con/kg, vì ít hao hụt trong quá trình nuôi, rút ngắn thời gian nuôi. Nếu nuôi cỡ giống nhỏ hơn cần có chế độ chăm sóc, ương dưỡng kỹ trước khi thả nuôi. Mật độ nuôi trung bình với cỡ cua có trọng lượng thân từ 20-25 trở lên thả nuôi với mật độ 1-2 con/mét vuông, nếu cua có trọng lượng thân nhỏ hơn có thể thả nuôi ở mật độ 3-5 con/mét vuông.

Nên thả giống tập trung, trong thời gian ngắn, không nên kéo dài thời gian thả  giống vì rất dễ làm cua nuôi có hiện tượng phân đàn, chênh nhau về trọng lượng, kích thước, dẫn đến tình trạng cua ăn thịt lẫn nhau, nhất là lúc đói, thiếu mồi, lột vỏ…Về mô hình, có thể nuôi chuyên cua hoặc nuôi cua kết hợp với một số loài cá chịu mặn như rô phi, điêu hồng, chép, rô đồng hoặc một số lọai cây như bồn bồn… Nên tính toán kỹ đối tượng cá nuôi ghép, sao cho phù hợp với thị trường, phù hợp với môi trường và quan trọng nhất là kết hợp và sử dụng hiệu qủa tính ăn của  từng lòai cá theo chiều cao cột nước, tận dụng và sử dụng triệt để nguồn thức ăn đưa xuống ao nuôi. Về thức ăn, có thể sử dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương như còng, rạm, ba khía, các lòai cá tạp, ốc, hến, trai, mực…

Các lọai thức ăn này cần xay nhuyễn hoặc băm nhỏ cho vừa kích thước miệng cua, tốt nhất nên nấu chín không nên cho ăn sống vì dễ lây truyền mầm bệnh. Ngày cho ăn từ 2-3 lần, tập trung nhiều vào cữ chiều tối. Lượng ăn hàng ngày chiếm bình quân từ 3 -5% so với trọng lượng thân cua. Sử dụng máng, sàng, vó ăn, cho thức ăn vào đó dễ dàng điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng, tiêu thụ mồi hàng ngày của cua nuôi. Trong thức ăn nên trộn thêm Vitamine các lọai nhằm chủ động ngừa bệnh, và tăng sức đề kháng cho cua nuôi. Lượng thuốc trộn từ 1-3g/kg thức ăn.

Định kỳ bổ xung thêm Ca/P nhằm tăng cường canxi giúp cua lột vỏ dễ dàng. Hàng tuần nên chủ động thay nước cho ao, đầm nuôi, lượng nước thay bình quân chiếm 30-50% tùy thuộc vào chất lượng nước nuôi cua. Những tháng mùa mưa, khi độ mặn và độ phèn xuống thấp, cua chậm lột vỏ, cần chủ động dùng các lọai thuốc, hóa chất tác động giúp cua lột vỏ. Dùng vôi nông nghiệp bón trước và sau khi mưa với lượng 1-3 kg/100mét vuông ao, kết hợp bón Saponine liều dùng 1kg/1000mét vuông có tác dụng kích thích cua lột vỏ, hoặc dùng formol liều 10-15ml/mét khối nước cũng có tác dụng tương tự. Trước khi bón vôi, thuốc, hóa chất cần thay một lượng nước nhất định, chủ yếu là thay nước mặt, khoảng 20-30%.

Tags: quy trinh nuoi cua bien, ky thuat nuoi cua bien, hop nuoi cua bien, nuoi trong thuy san


Có thể bạn quan tâm

phan-huy-huu-co-trong-nuoi-trong-thuy-san Phân hủy hữu cơ trong… van-chuyen-va-tha-giong-thuy-san Vận chuyển và thả giống…