Tin nông nghiệp Quy trình quản lý tạm thời sâu đục củ khoai lang

Quy trình quản lý tạm thời sâu đục củ khoai lang

Tác giả Ngọc Tuyết, ngày đăng 03/08/2018

Nhằm loại bỏ nguồn lưu tồn của sâu và hạn chế sự gây hại của bệnh héo dây, hom giống sẽ được xử lý bằng cách ngâm trong dung dịch nấm Trichoderma 0,5%. 

Bón vôi, phân hữu cơ... khi lên luống

Sau một thời gian phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh giữa Bộ môn BVTV, Khoa Nông nghiệp & sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) với Chi cục BVTV và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long, nhóm nghiên cứu đã xác định được tác nhân chủ yếu đục củ khoai lang là loài sâu thuộc thuộc bộ Cánh vảy (Lepidoptera) họ ngài sáng (Pyralidae).

Trưởng thành là loài bướm nhỏ, sải cánh khoảng 1,5 cm, có màu xám, ban ngày bướm ít di chuyển, bướm chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Ấu trùng mới nở kích thước nhỏ (<1 mm), có màu trắng, sau đó chuyển sang màu xanh nhạt đến màu vàng nhạt, ấu trùng phát triển dài 2 - 3 cm. Ấu trùng tấn công bề mặt củ khoai tạo thành các lỗ tròn nhỏ, cạn thường dưới 1,5 cm, nằm rải rác trên bề mặt củ.

Chuẩn bị đất trồng

Vệ sinh đồng ruộng: Làm cỏ thật kỹ trước khi trồng, dọn sạch tàn dư thực vật từ vụ trước và cày ải phơi đất; hoặc áp dụng cách cho ruộng ngập nước. Sau khi thu hoạch nên cho nước ngập ruộng ít nhất 7 ngày để diệt trứng, nhộng và sâu non, sau đó lên luống rộng 80 - 90 cm, cao 40 - 50 cm, mương rộng 50 - 60 cm để dễ thoát nước.

Trong quá trình lên luống kết hợp bón vôi, phân hữu cơ (500 kg/1.000 m2) và nấm Trichoderma (1 kg/1.000 m2). Bên cạnh việc loại bỏ các mầm mống dịch hại còn tồn dư của vụ trước, tạo điều kiện thích hợp cho khoai lang phát triển tốt, công tác chuẩn bị đất kết hợp với bón phân hữu cơ và nấm Trichoderma cũng nhằm để khống chế bệnh héo dây khoai lang. Đây là đối tượng gây hại đang ngày càng trở nên phổ biến trên các ruộng khoai lang mới trồng ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

Qua kết quả thí nghiệm ban đầu cho thấy việc lên giồng và đậy màng phủ trước khi trồng khoai có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa sâu đục củ khoai lang.

Xử lý hom giống

Nhằm loại bỏ nguồn lưu tồn của sâu và hạn chế sự gây hại của bệnh héo dây, hom giống sẽ được xử lý bằng cách ngâm trong dung dịch nấm Trichoderma 0,5%. Cách tiến hành: Chuẩn bị dung dịch nấm Trichoderma 0,5%: pha loãng 0,5 kg nấm Trichoderma trong 100 lít nước, thêm vào chất bám dính và khuấy đều dung dịch, ngâm hom giống vào dung dịch trong 15 phút, để hom giống nơi mát cho ráo nước trước đem khi trồng.

Xây dựng hệ thống công nghệ sinh thái

Giải pháp công nghệ sinh thái được áp dụng theo hệ thống kéo và đẩy nhằm quản lý đồng thời sự gây hại của sâu đục củ và sùng khoai lang. Cách tiến hành:

Trồng sả bên trong diện tích canh tác của mô hình để làm nhân tố đẩy, xua đuổi sâu đục củ, sâu đục dây khoai lang và sùng khoai lang. Sả sẽ được trồng trên bờ bao trước khi đặt hom khoai lang (3 - 5 ngày) và trồng rải rác trong ruộng khi đặt hom.

Đặt bẫy pheromone với mật số 120 bẫy/ha, xung quanh chu vi của mô hình ở thời điểm 20 ngày sau khi đặt hom. Bẫy được kiểm tra và thay nước xà phòng một lần/tuần. Mồi pheromone trong bẫy sẽ được thay mới sau 1,5 tháng.

Xử lý ruộng khoai lang bằng nấm xanh

Áp dụng 6 lần: Lần đầu rải với liều lượng 2 kg/1.000 m2 ở thời điểm 10 ngày sau khi đặt hom; phun với liều lượng 300 gr/1.000 m2 /48 lít nước ở các thời điểm 30, 50, 70, 90 và 110 ngày sau khi đặt hom.

Xử lý nông dược

Khi thật cần thiết có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu nhóm Abamectin, Azadirachtin, Emamectin, hoặc các loại thuốc Virtako 40WG, Dupont Prevathon 5SC… để trừ sâu đục củ. Việc phòng trừ ấu trùng cần thực hiện sớm khi sâu mới nở chưa đục vào củ, điều kiện xử lý thuốc vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát kết hợp với việc đưa nước lên ngập giồng khoai. Việc sử dụng thuốc hóa học phải theo nguyên tắc "4 đúng", hạn chế tối đa việc tưới xà thuốc BVTV vào đất.


Có thể bạn quan tâm

cach-xu-ly-phe-phu-pham-trong-nam-lam-gia-the-huu-co Cách xử lý phế phụ… ngot-thom-thanh-long-ruot-do-tren-dong-dat-hung-yen Ngọt, thơm thanh long ruột…