Tin nông nghiệp Rau an toàn bén rễ miền sơn cước

Rau an toàn bén rễ miền sơn cước

Tác giả Yến Lự - Linh Vương, ngày đăng 02/11/2016

Là đơn vị HTX đầu tiên ở Văn Yên (Yên Bái) thực hiện mô hình trồng rau sạch an toàn, nhóm khởi nghiệp gồm những thanh niên trẻ tại thôn 8, xã Đại Phác, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã vượt thử thách, bước xây dựng được thương hiệu của mình.

Bước đầu lắm gian nan

Cuối tháng 10, chúng tôi có dịp về thăm hợp tác xã (HTX) Thanh Niên Q&C với mô hình trồng rau sạch an toàn của 3 bạn trẻ Phạm Văn Cường (28 tuổi), Trần Văn Quân (26 tuổi), Trần Thị Mười (25 tuổi) nằm giữa cánh đồng rộng lớn. Ấn tượng đầu tiên là vườn rau sạch với nhiều loại rau, củ mướt mắt cùng  hệ thống thoát nước và tưới tiêu hiện đại. 

Trong ảnh: Nông dân ở HTX Thanh niên Q&C đã quen với quy trình sản xuất an toàn. Ảnh: Linh Vương 

Chúng tôi rất ủng hộ những thanh niên dám nghĩ dám làm như anh Cường, anh Quân. Không chỉ biết tự làm giàu cho chính mình, mà còn tạo công ăn việc làm cho 8 – 12 lao động tại địa phương với mức lương với mức thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng cái được có ý nghĩa lớn hơn của HTX Thanh niên Q&C là họ đã làm ra một sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho nhiều người dân”. Ông Hoàng Trung Kiên - Chủ tịch xã Đại Phác

Anh Cường chia sẻ: “3 anh em cùng xuất phát từ nhà nông, đều đam mê với nông nghiệp, khi gặp nhau rất dễ để cùng bắt tay vào thực hiện. Sau nhiều trăn trở về ý tưởng, chúng tôi quyết định xây dựng HTX với mô hình trồng rau sạch an toàn, đặt tên gọi HTX Thanh niên. Thời gian trước, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất vẫn là nguồn vốn và quỹ đất. Chúng tôi phải mất gần 2 tháng để đi vận động quỹ đất và sau đó mới được ký hợp đồng. Nhưng may mắn, chúng tôi làm mô hình này được được chính quyền xã và huyện, cùng ngành nông nghiệp ủng hộ và có chính sách hỗ trợ để HTX Thanh niên Q&C phát triển sản xuất”.

Tưởng mọi việc có phần tiến triển hơn khi nhóm lo được nguồn vốn và quỹ đất, ai ngờ những cái khó cứ “không rủ mà đến” “gõ cửa” HTX rau sạch. Rau trồng đang đến giai đoạn thu hoạch, nước lũ tràn về, ngập hết cả cánh đồng. “Nước ngập vài ngày mới rút, tất cả rau củ quả đều thối rũ hết. Thời điểm đó, chúng tôi tưởng mình đã rơi vào phá sản, rau hỏng, vốn cạn. Nhưng rồi, anh em lại vực tinh thần nhau dậy, tiếp tục chiến đấu đến tận bây giờ” - anh Cường nhớ lại.

HTX Thanh niên được sự hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp từ các nhà khoa học, các kỹ sư. Nhưng do mới tiếp cận công nghệ nên những người nông dân vẫn chưa nắm bắt được, hiệu quả chưa cao. Lúc đầu, 1 luống rau an toàn dài 30m chỉ thu hoạch được từ 6-7kg. Hiện tại, bà con quen việc, có kinh nghiệm đã lên tới 50-60kg.

Bán hàng rong để thuyết phục khách hàng

Chia sẻ những câu chuyện trong hành trình khởi nghiệp của bản thân và những người cộng sự, mỗi khi nhắc tới hướng đi mới, cách áp dụng công nghệ cao vào mô hình trồng rau, đến tìm thị trường cho rau an toàn, mắt anh Cường lại sáng lên. Anh Cường chia sẻ: “Ở miền núi, nhiều người vẫn không có khái niệm rau an toàn và rau không an toàn. Bởi cách thức của bà con trồng vẫn rất thô sơ. Chủ yếu là trồng theo tự nhiên, không tưới, phun cái gì. Nên rau an toàn rất khó bán. Tôi và Quân bàn nhau chở rau bán rong ngoài đường để mọi người biết đến thương hiệu nhiều hơn. Vậy mà không ngờ, hôm nào chở rau đi đều hết. Từ đấy, mọi người biết đến rau sạch HTX Thanh niên Q&C nhiều hơn, nhiều người tìm đến tận vườn để mua rau về ăn dần”.

Theo anh Cường, tìm hướng đi, quảng bá cho sản phẩm là cần thiết nhưng không phải quan trọng hàng đầu. Anh Cường giải thích: “Quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm. Khâu quảng cáo, bán hàng có tốt đến mấy nhưng chất lượng sản phẩm của mình kém cũng là vô ích. Cho nên, tất cả các giai đoạn đều phải làm đúng quy trình, từ khâu làm đất, xuống giống, cho đến khi sinh trưởng phải ghi chép đầy đủ. Rau sau khi được thu hoạch sẽ được chở thẳng tới nhà sơ chế sản phẩm bằng loại xe chuyên dụng. Tại đây, nông dân sẽ rửa và cắt bỏ sâu, lá hư hỏng hoàn toàn bằng nước sạch.

Xác định được đúng mục tiêu, kiên trì trong cách làm, HTX Thanh niên Q&C đã gặt hái được những thành quả nhất định. Doanh thu ổn định hàng tháng của HTX đạt từ 50 - 60 triệu đồng. Hiện nay, rau an toàn do HTX làm ra không chỉ cung cấp cho thị trường địa phương, mà đã được các cửa hàng nông sản sạch ở Hà Nội nhập vào để bán cho khách hàng. 


Có thể bạn quan tâm

cham-to-chuc-lai-san-xuat-ho-tieu-de-tieu Chậm tổ chức lại sản… nong-thon-moi-phu-tho-uu-tien-phat-trien-nong-nghiep-hang-hoa Nông thôn mới Phú Thọ:…