Mô hình kinh tế Rau Mứt Cửa Tùng

Rau Mứt Cửa Tùng

Ngày đăng 28/02/2015

Năm nào mùa đông sắp đi qua mà rau mứt chưa mọc, chưa được ăn món ngon này thì lòng dạ tôi cứ bồn chồn, nhơ nhớ và mong đợi điều kỳ diệu rau mứt tươi tốt suốt năm.

1. Thanh Ngọc, một người bạn ở thị trấn biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị khoe quê anh có đặc sản rau mứt biển, là một trong ba thực phẩm được ưa chuộng nhất thế giới.

Nghe Thanh Ngọc giới thiệu quá hấp dẫn, tôi không thể không về Cửa Tùng để thưởng thức món ngon từ rau mứt, ẩm thực không thể thiếu trong những ngày Tết.

Chẳng biết từ bao giờ thiên nhiên đã kiến tạo cho biển Cửa Tùng có một vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt khi các dãy đất đỏ bazan nối tiếp nhau chạy dài từ rừng xuống tận biển, chứ không qua bờ cát như bờ biển các nơi khác.

Trung gian của đất đỏ bazan và nước biển là những rạn đá lô nhô tạo thành từng bãi đá ngầm khi triều lên và lộ hẳn ra khi triều xuống. Chính ở những bãi đá ấy là chỗ của cây rau mứt mọc lên. Rau mứt có tên khoa học Porphyra crispata, thuộc ngành rong đỏ.

Ngôi nhà của Thanh Ngọc và gia đình đang ở được đặt cái tên rất lãng mạn: “Eo biển xanh”, nơi để bạn bè, du khách tìm về nghỉ ngơi thưởng ngoạn món ngon của biển. Thanh Ngọc mang từ biển vào một rá rau mứt vừa được khai thác và tự làm “bác sĩ dinh dưỡng” khiến tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự am hiểu tường tận loại đặc sản này của bạn.

Rau mứt có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp hàng chục lần rong khác do chứa các acid amin, các vitamin B, B2, A, C và các nguyên tố vi lượng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người, trong khi hàm lượng chất béo không cao, rất thích hợp cho người ăn kiêng và bị tiểu đường. Gần đây, khoa học còn khẳng định khả năng chữa bệnh cholesterol và sỏi mật của rau mứt.

Tương truyền ngày xưa rau mứt là một trong những món ngon được chế biến dâng vua. Ngày nay đặc sản rau mứt là mặt hàng xuất khẩu rất giá trị, nhưng người dân Cửa Tùng vẫn sử dụng nó làm thức ăn hằng ngày. Các món thông dụng của rau mứt là nấu canh, cháo, chiên, gỏi.

Mùa này ở chợ Do thị trấn Cửa Tùng người ta thường bày bán rau mứt trong những chiếc rá nhựa. Rau mứt được chế biến khá đơn giản để làm món ngon hằng ngày, nhất là món canh. Bình thường thì canh rau mứt nấu với trứng gà, trứng cút, sang hơn thì nấu với tôm, cua. Rau mứt dù nấu với nguyên liệu nào cũng rất ngon. Tuy là đặc sản sang trọng nhưng rau mứt thật dễ tính.

Rửa rau mứt xong để cho ráo nước. Phi dầu với vài tép hành trước khi đổ nước vào nồi. Nước canh sôi, bỏ rau mứt và cá, thịt vào, tùy theo khẩu vị của từng người để nêm gia vị, canh chín cắt thêm vài cọng hành tươi xanh hoặc lá rau mùi là có ngay nồi canh dân dã. Mùi thơm của canh rau mứt quyện với hơi nóng của nồi cơm trong ngày đông thật là hấp dẫn. Canh rau mứt nấu xong nên ăn ngay để giữ được hương vị thơm ngon.

Bữa trưa hôm ấy chúng tôi ăn món rau mứt nấu cháo bột lọc với cua (một loại bột của cây sắn được xay mịn lọc lấy tinh bột). Tôi có cảm giác như nghe được trong tiếng giòn giòn của từng cọng rau mứt có âm thanh xao động của con sóng trắng lô xô, mùi vị bát cháo có cái mặn mòi của biển, chút nồng nàn của nắng gió xa khơi, chút thâm trầm ẩm ướt của đá dưới các tầng thủy triều và chút mồ hôi thánh thót của người đi hái rau mứt sớm chiều trên ghềnh đá.

2. Đặc sản rau mứt ăn rất ngon nhưng ít ai biết để hái được nó là một công việc rất nguy hiểm. Bà Phan Thị Dinh, 64 tuổi ở khu phố An Đức 2 là người có thâm niên hái rau mứt không khỏi tự hào khi tôi đề cập đến món ngon quê bà, nhưng bà cũng thú thật làm nghề này không dễ chút nào.

Rau mứt chỉ mọc vào khoảng cuối tháng Mười âm lịch kéo dài đến cuối tháng Giêng năm mới. Mùa rau mứt phát triển rộ cũng là lúc giữa đông sang xuân, khi cái lạnh tê buốt của gió mùa đông bắc mang theo những đợt sóng lớn hung dữ, luôn chờ chực ập vào ghềnh đá, như muốn kéo tất cả những gì trên bờ ra khơi xa.

Bà Dinh trải lòng, người ta thường có câu “rong mứt ngon canh, té gành lọt hố" để nói về độ ngon của nồi canh rau mứt biển cũng như mức độ nguy hiểm của việc đi hái rau mứt. Thật lạ rau mứt chỉ mọc ở những nơi nào có sóng phủ đầu, đá càng trơn, càng chênh vênh thì mứt càng mọc nhiều.

Hái rau mứt cần phải có kỹ thuật riêng, kiên nhẫn hái và nâng niu từng cọng rau. Rau mứt khá nhỏ và bám rất chắc vào đá, khi hái phải cẩn thận ngắt từng cọng nhỏ để không làm rau bị nát. Có một cách hái khác là dùng muỗng cạo để tách rau ra khỏi bờ đá.

Những năm gần đây, rau mứt còn được thu mua xuất khẩu, nhiều nhất là sang thị trường các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Được ưa chuộng nên giá rau mứt năm nay cao hơn những năm trước. Nếu như mọi năm 1kg rau mứt tươi chỉ có giá 40 đến 50 ngàn đồng thì nay đến 70-80 ngàn đồng, nhiều tiểu thương hỏi mua, thậm chí họ ra tận biển thu mua với giá 100 ngàn đồng/kg tươi và tới tận nhà mua rau mứt khô với giá gần 1 triệu đồng mỗi ký.

Đó là khi đối mặt với thời tiết, con người sống với nghề hái rau mứt phải biết chọn lựa thời gian thích hợp trong ngày đi ra biển hái rau. Rau mứt thích nhất là tiết trời se lạnh nhưng đầy ánh nắng.

Người rành nghề phải theo con nước ròng, từ sáng sớm, khi thủy triều xuống, những cây mứt non tơ màu nâu nhạt mềm mại, óng ánh phơi mình trên các ghềnh đá dưới ánh nắng mặt trời, đó là lúc người đi hái rau phải ra biển. Một tháng có hai con nước ròng, vào đầu và cuối mỗi tháng. Mỗi con nước đi hái mứt được khoảng ba đến bốn ngày.

Công việc hái rau mứt của bà Dinh và người dân thị trấn Cửa Tùng mỗi ngày bắt đầu từ khoảng 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Với khoảng thời gian ngắn này, mỗi một người có thể hái được 2 đến 3 kg. Giá bán mỗi kg rau mứt tươi hiện nay là 100 ngàn đồng. Nếu ai siêng một buổi có thể kiếm được 300 ngàn đồng.

Chủ tịch thị trấn Cửa Tùng Nguyễn Đình Tế tiết lộ trước đây món khoái khẩu nhất của người dân Cửa Tùng là rau mứt trộn rau khoai nấu với cá biển để làm một loại canh rất đặc biệt. Ông Tế khẳng định do vị trí địa lý, thổ nhưỡng và khí hậu đã làm cho rau mứt ở biển Cửa Tùng ngon và đặc biệt hơn.

Người dân vùng quê này thường lấy rau mứt làm quà quý gửi tặng những người thân xa quê. Rau mứt rộ lên trở thành đặc sản có giá trị kinh tế cao từ đầu những năm 2000 trở lại đây, khi khu du lịch biển Cửa Tùng phát triển mạnh mẽ, du khách về tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng đông nên nhu cầu thưởng thức món ngon đặc sản này ngày càng nhiều hơn.

Cũng chính vì rau mứt được giá nên những ngày thuận trời thị trấn cửa biển này có rất nhiều người dân hái mứt, mỗi ngày khai thác được chừng vài chục kg, chứ không nhiều.

Người dân Cửa Tùng bây giờ còn truyền tai nhau câu chuyện trăm năm trước, khi vua Duy Tân từ Huế ra nghỉ mát ở mũi Thừa Lương, biển Cửa Tùng, dân làng đã dâng lên vua món ngon đặc sản rau mứt. Ngày nay món ăn rau mứt đã trở thành văn hóa ẩm thực nổi tiếng mà người Vĩnh Linh thường dùng đãi bạn.

Đặc sản rau mứt độc đáo như chính cái thời gian nó ra đời và tồn tại trong năm, chỉ có ở cuối đông và đầu xuân, dù ta có muốn thưởng thức quanh năm cũng khó đáp ứng được đầy đủ nên nhiều người sáng kiến phơi khô rau mứt để dùng những khi trái vụ.

Ông Tế trầm giọng, năm nào mùa đông sắp đi qua mà rau mứt chưa mọc, chưa được ăn món ngon này thì lòng dạ tôi cứ bồn chồn, nhơ nhớ và mong đợi điều kỳ diệu rau mứt tươi tốt suốt năm.


Có thể bạn quan tâm

hay-sat-canh-cung-nong-dan Hãy Sát Cánh Cùng Nông… nha-vuon-hot-bac-voi-trai-cay-tet-co-kieu-dang-doc Nhà Vườn Hốt Bạc Với…