Rau Xanh Ở Bắc Giang Sản Lượng Cao Vẫn Nhẹ Túi Tiền
Do sản lượng tăng mạnh, đầu ra không ổn định nên dịp này người trồng rau ở Bắc Giang lỗ nặng. Một số hộ đã phá bỏ hoặc tận dụng rau làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Rau cần giá rẻ
Đang trong mùa thu hoạch, tại vùng trồng cá - cần, xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) không còn cảnh tấp nập người nhổ, rửa cần mà chỉ có những nông dân bần thần phá bỏ ruộng rau sau mấy tháng tốn công chăm sóc. Cần được chất đống ven bờ, héo rũ trong thời tiết giá lạnh.
Chị Nguyễn Thị Đàm, thôn Đồng Hoàng xót xa: "Gọi mãi chẳng có khách mua rau, lên tiếng cho không cũng chẳng ai lấy nên tôi đành phá hai sào cần để thả cá giống vụ mới. Những năm trước, với 6 sào cần thu ba lứa, trừ chi phí gia đình lãi khoảng 20 triệu đồng/năm, còn vụ này lỗ nặng”.
Không chỉ gia đình chị Đàm, hộ bà Nguyễn Thị Chuyên, thôn An Ninh cũng thất thu ba lứa rau liên tiếp trong vài tháng qua. Theo bà Chuyên, đã hơn 5 năm cấy cần nhưng chưa bao giờ bà thấy giá rau xuống thấp như hiện nay, bán tại ruộng 1.000 đồng/kg, chưa bằng 1/3 so với năm trước mà còn rất khó bán.
Được biết, vụ này, toàn xã có gần 150 ha rau cần, trong đó 25 ha trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP. Đầu vụ, giá rau từ 5-6 nghìn đồng/kg và kéo dài trong thời gian ngắn. Sau đó, phần lớn nông dân chỉ bán được từ 1 - 2 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ thiếu nhân lực đành phá bỏ, không thu hoạch, mỗi sào lỗ khoảng 1 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Mận, chủ đại lý kinh doanh phân bón trong xã cho biết: "Tôi bán phân bón trả chậm cho khoảng 300 hộ trong xã, trung bình từ 3-6 triệu đồng/hộ. Họ bị thua lỗ vụ này, tôi đang lo không thu được nợ”.
Ông Ngô Đình Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hoà cho biết: "Giá rau cần xuống thấp là do rất nhiều loại rau được thu hoạch trùng vào cùng một thời điểm. Khắc phục hạn chế trong khâu tiêu thụ, những năm tới, huyện xây dựng vùng sản xuất rau cần VietGAP lên 60 ha, đồng thời hỗ trợ nông dân 1,5 triệu đồng/ha; khuyến khích bà con trồng rải vụ; tăng cường quảng bá rau sạch; tiến tới liên kết bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra”.
Một yến rau không đổi được bát phở
Ngoài rau cần, hiện hầu hết rau xanh đều giảm giá mạnh. 10 nghìn đồng mua được 9 củ su hào; hơn 1 nghìn đồng/chiếc bắp cải nặng vài cân; 2 nghìn đồng/kg cà rốt… Mới đây, bà Nguyễn Thị Năm, thôn An Lập, xã Hoàng An (Hiệp Hòa) chở cà chua, rau thơm, su hào, cà rốt đem ra chợ nhưng cả buổi sáng không bán hết.
Đến trưa, trong sọt hàng vẫn còn hơn 10kg cà chua, bà mang đến một quán phở tại thị trấn Thắng (Hiệp Hoà), nài nỉ mãi người chủ quán mới mua nốt và trả 20 nghìn đồng, trong khi một bát phở bán tại đây giá 30 nghìn đồng.
Nhận tiền bán rau, bà Năm buồn bã nói: "Gia đình tôi thường trồng 5 sào rau vụ đông. Trước đây, mỗi dịp Tết đến có khách đến tận ruộng thu mua, trừ chi phí lãi khoảng 6-7 triệu đồng. Dịp này, giá rau quá rẻ nhưng bỏ thì tiếc nên tôi mang ra chợ bán, được đồng nào hay đồng ấy”.
Tại vùng trồng rau tập trung ở các xã: Tiên Lục (Lạng Giang), Cao Thượng (Tân Yên), Chu Điện (Lục Nam), Bích Sơn, Quảng Minh (Việt Yên) cũng trong tình trạng tương tự. Bà Nguyễn Thị Thư, thôn Tây, xã Tiên Lục cho biết: "Một sào cải cúc của gia đình tôi không bán được đến nay quá lứa. Các loại rau khác cũng ê hề, cho cá, gà, lợn ăn không xuể”.
Tập trung cho vụ mới
Ở vụ đông sớm, giá rau tương đối cao sau đó giảm dần và rớt giá mạnh dịp trước và sau Tết Giáp Ngọ. Sở dĩ có tình trạng này là do thời tiết ấm, rau sinh trưởng, phát triển nhanh. Rau cần, cải bắp, súp lơ năng suất đều cao gấp rưỡi, gấp đôi so với mọi năm. Cùng đó, nhiều hộ đồng loạt thu hoạch rau giải phóng đất gieo cấy lúa xuân nên nguồn cung tăng đột biến.
Thực tế còn cho thấy các vùng rau trọng điểm của tỉnh chưa tạo được sản phẩm đặc trưng, khác biệt so với những địa bàn khác, chưa có những địa chỉ tiêu thụ rau cụ thể thông qua hợp đồng khiến cho giá biến động liên tục từ đầu tới cuối vụ.
Vì vậy, cơ quan chuyên môn, các huyện, thành phố cần định hướng, khoanh vùng phát triển các loại rau phù hợp với điều kiện từng khu vực, trong đó ưu tiên hỗ trợ, khuyến khích sản xuất sản phẩm sạch, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng; mở rộng diện tích phải gắn với hiệu quả, tránh cung vượt cầu.
Nông dân nhạy bén, nắm bắt thị trường để bố trí thời vụ hợp lý; áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc, rải vụ thu hoạch.
Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo: "Theo quy luật, sau đợt thu hoạch tập trung, giá rau xanh thời gian tới sẽ tăng lên. Vì vậy, cùng với cấy lúa, nông dân cần tiếp tục chăm sóc rau vụ xuân để đón giá cao hơn”.
Vụ đông năm 2013, toàn tỉnh trồng 14,5 nghìn ha rau đậu các loại, tăng 2 nghìn ha so với năm trước. Sản lượng ước đạt hơn 200 nghìn tấn, ngoài đáp ứng nhu cầu trong tỉnh còn cung cấp cho thị trường Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh và một số tỉnh khu vục miền Trung.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ