Mô hình kinh tế Rủi Ro Nuôi Vịt Công Nghiệp

Rủi Ro Nuôi Vịt Công Nghiệp

Ngày đăng 29/01/2015

Hơn một năm nay, ở Đồng Nai xuất hiện khá nhiều các trại nuôi vịt công nghiệp với quy mô từ vài ngàn con trở lên. Lúc đầu, nuôi vịt công nghiệp lời cao, nhưng gần đây giá biến động liên tục khiến nghề này trở nên rủi ro cao.

Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, hiện tổng đàn vịt của tỉnh đã tăng gấp gần 3 lần so với cách đây gần 2 năm. Trong đó, nuôi theo hình thức trang trại chiếm trên 70% tổng đàn, tập trung chủ yếu ở huyện Thống Nhất.
* Thủy cầm nuôi như gia cầm
Trước đây, tổng đàn vịt ở Đồng Nai chỉ gần 200 ngàn con, nuôi theo hình thức thả ao, chạy đồng. Nhưng đến đầu tháng 1-2015, tổng đàn đã tăng lên trên 500 ngàn con. Trong đó, đa phần vịt được nuôi nhốt trong chuồng trên cạn theo dạng công nghiệp. Cách nuôi này giúp vịt nhanh lớn, chỉ gần 2 tháng có thể xuất chuồng. Nhiều người cho rằng vịt nuôi công nghiệp ở Đồng Nai không còn là thủy cầm mà nên gọi là gia cầm.
Anh Trần Công Danh là người đầu tiên ở ấp Bắc Sơn, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) mạnh dạn bỏ ra gần 1 tỷ đồng để làm chuồng trại trên cạn nuôi vịt. Vịt nuôi trại được ăn cám viên, không có nước vẫn phát triển, cho năng suất cao. “Nuôi vịt công nghiệp nếu chăm sóc tốt, khoảng 49 - 52 ngày đã đạt 3,2 kg/con trở lên, có thể xuất bán. Lúc đầu ít người nuôi, giá xuất tại trại là 60 ngàn đồng/kg, trừ chi phí tôi còn lời trên 20 ngàn đồng/kg. Thấy nuôi vịt lời cao, nhiều gia đình cũng đầu tư chuồng trại để nuôi vịt cạn” - anh Danh cho hay.
Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, cho biết: “Thời điểm này, tổng đàn vịt của huyện Thống Nhất khoảng 300 ngàn con, tăng gấp gần 6 lần so với cách đây 2 năm. Hầu hết vịt ở huyện Thống Nhất được nuôi công nghiệp trong các trại như nuôi gà”.
Huyện Thống Nhất có trên 50 trại nuôi vịt thịt quy mô từ 2 ngàn con trở lên. Đầu tư chuồng trại nuôi vịt công nghiệp tương đối tốn kém, phải những hộ có đất rộng và tiềm lực kinh tế mạnh mới làm nổi. Một số chủ trại vịt tính toán, để nuôi được 2 ngàn con vịt trong chuồng phải đầu tư chuồng trại ban đầu gần 400 triệu đồng. Vì nuôi vịt trên cạn, phải làm chuồng cao cách mặt đất từ 20 - 30 cm, sàn bằng lưới thép dày để hàng ngày dễ dàng tắm cho vịt và rửa sạch chuồng trại.
* Giá lên xuống phập phù
Không ít chủ trang trại vịt so sánh giá vịt như... giá vàng và gần đây nuôi vịt công nghiệp như “đánh bạc”, trong một ngày giá vịt có thể tăng giảm 2 - 3 lần. Anh Nguyễn Phương Phi, chủ trại vịt ở ấp Võ Dõng 2, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), giãi bày: “Khi còn ít trại nuôi vịt công nghiệp, giá ổn định.
Song sau đó mọi người thấy nuôi vịt lời nhiều và thời gian ngắn như nuôi gà trắng công nghiệp nên đã ào ạt đầu tư làm nguồn cung dồi dào, giá tăng giảm bất thường”. Cũng theo anh Phi, có những ngày, buổi sáng thương lái vào chuồng cân vịt với giá 50 ngàn đồng/kg, nhưng đến trưa chỉ còn 45 ngàn đồng/kg và đến chiều giảm xuống còn 42 ngàn đồng/kg.
Do đó, có những trại hôm nay bán thì lời vài trăm triệu đồng/lứa, nhưng trại khác có khi chỉ huề vốn hoặc lời chút đỉnh. Giá thành của vịt nuôi công nghiệp tại trại bình quân khoảng 38 ngàn đồng/kg nên giá xuất ra phải từ 39 - 40 ngàn trở lên người nuôi mới có lãi. Thời gian qua, có những lúc giá vịt rớt xuống còn 34 - 35 ngàn đồng/kg khiến nhiều trại mất từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, nuôi vịt công nghiệp giúp việc quản lý dịch bệnh trên đàn sẽ tốt hơn. Lâu nay, vịt là loại thủy cầm thường nuôi theo hình thức thả đồng nên có nguy cơ lây lan cúm nhanh và khó kiểm soát. Nhưng chuyển qua mô hình nuôi công nghiệp, dịch bệnh được kiểm tra chặt chẽ và khi có triệu chứng chủ trại có thể kịp thời khoanh vùng để ngăn chặn. Tuy chu kỳ nuôi vịt thịt chưa đến 2 tháng, song các trại đều tổ chức tiêm phòng 4 loại vaccine để phòng bệnh là tụ huyết trùng, dịch tả, viêm gan và cúm.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết: “Nuôi vịt trên cạn trong các trại theo dạng công nghiệp sẽ thuận lợi cho việc quản lý dịch bệnh và tiêm phòng. Vịt được chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ đúng thời điểm sẽ hạn chế phát sinh dịch bệnh và người tiêu dùng sẽ an tâm hơn khi sử dụng”.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, khẳng định: “Chỉ trong thời gian ngắn trên địa bàn tỉnh xuất hiện rất nhiều trại nuôi vịt công nghiệp và con số này còn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nếu các hộ không tìm hiểu thị trường đã ồ ạt đầu tư nuôi sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt xa cầu, giá sẽ giảm mạnh dẫn đến rủi ro cao. Do đầu tư chuồng trại, giống, thức ăn, vaccine phòng dịch đều tốn kém”.


Có thể bạn quan tâm

bac-kan-tap-trung-dap-dich-lo-mom-long-mong-tren-dan-gia-suc Bắc Kạn Tập Trung Dập… tim-duong-boi-bot-gap-ghenh-cho-con-ca-tra Tìm “Đường Bơi” Bớt Gập…