Tin thủy sản Sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị khó khăn về vốn và đa dạng hoá thị trường

Sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị khó khăn về vốn và đa dạng hoá thị trường

Tác giả Hùng Phiên, ngày đăng 11/01/2016

Đến nay, Bình Định đã có mô hình liên kết giữa Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) với 25 tàu khai thác CNĐD, được hậu thuẫn từ Dự án “Chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật Bản để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu CNĐD”. Phú Yên có mô hình liên kết giữa Công ty CP Bá Hải với 72 tàu CNĐD. Khánh Hòa có mô hình liên kết giữa Công ty THHH Hải Vương (với 2 tàu mẹ) và 9 tàu con của ngư dân.

Tại Bình Định, đối tác Nhật đã trực tiếp đầu tư thiết bị, tận tay tập huấn ngư dân để khai thác và đưa được sản phẩm vào bờ theo tiêu chuẩn tươi ngon nhất. Đầu năm 2015, tỉnh này đã quyết định loại 4 tàu cá của một ngư dân ở Hoài Nhơn ra khỏi mô hình “kiểu Nhật”.

“Ban đầu, anh em rất lúng túng để thay đổi thao tác từ câu đèn truyền thống sang kiểu câu Nhật. Thế nhưng dần dà quen rồi thì cũng thấy đơn giản. Cái rất khó khi yêu cầu sản phẩm phải vào bờ trong một tuần, mà không có tàu mua ngay trên biển”  - ngư dân Trần Ngọc Tân (ở Hoài Nhơn) nói.

Theo bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, 25 tàu cá trong dự án đã được hỗ trợ cải hoán xong hầm bảo quản sản phẩm. Các tàu này đang ra khơi và sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp lựa chọn sản phẩm xuất sang thị trường Nhật ngay trong tháng đầu năm 2016.

Chủ tàu Lê Tấn Hồng (ở Tuy Hòa, Phú Yên) cho hay, từ ngày tham gia mô hình liên kết theo chuỗi, tàu của ông đã được đầu tư áp dụng công nghệ sốc điện để câu CNĐD có chất lượng tốt hơn. Các tổ tàu đã chú trọng tổ chức thu gom cá và vận chuyển sớm vào bờ để đảm bảo sản phẩm tươi ngon.

Công ty CP Bá Hải đã mua CNĐD đạt chuẩn (của tàu trong chuỗi) cao hơn  50.000 - 70.000 đồng/kg so với giá mua của các nậu vựa khác. Công ty này cũng đang hợp tác với Công ty Nikko (Nhật) để ứng dụng công nghệ sản xuất nước đá từ nước biển cho các tàu của ngư dân tham gia chuỗi giá trị.

 Tuy nhiên, mô hình liên kết tại Phú Yên đang lâm vào thế bí khi Công ty CP Bá Hải không vay được vốn ưu đãi từ ngân hàng để tiếp tục đầu tư cho chuỗi giá trị CNĐD vừa mới triển khai. “Nếu sản phẩm chỉ hướng đến thị trường cao cấp thì phần nhiều lỗ vốn.

Phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua chế biến làm trung tâm định hướng thì mới kết nối bền chặt chuỗi liên kết giá trị” - ông Nguyễn Tri Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên nói.

Còn theo ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 Tuy Hòa (Phú Yên), vấn đề là phải dựa vào thế mạnh của từng địa phương để tiến hành liên kết. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cần phải triển khai thông thoáng, minh bạch.


Có thể bạn quan tâm

phat-trien-nghe-ca-can-mot-de-an-dot-pha Phát triển nghề cá cần… trung-quoc-huy-lenh-cam-nhap-tom-song-tu-viet-nam Trung Quốc hủy lệnh cấm…