Tin thủy sản Sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao

Sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao

Tác giả Vũ Mưa (Thực hiện), ngày đăng 25/09/2017

Nếu Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL tại An Giang” được triển khai sẽ là một đòn bẩy giúp ngành cá tra phát triển; đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Tùng (ảnh), Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản với Tạp chí Thủy sản Việt Nam.

Ông có thể giới thiệu những nét chính của Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL tại An Giang”?

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, Sở NN&PTNT An Giang và Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tiến hành xây dựng.

Đề án có 3 cấp:

Cấp 1: Sẽ là đặt hàng của Nhà nước phải đảm bảo các tiêu chí, là các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các trường Đại học có khả năng cung cấp đàn cá tra bố mẹ tuyển chọn các tính trạng tốt như tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, chất lượng thịt tốt cho đơn vị cấp 2…

Cấp 2: Trung tâm Giống thủy sản cấp 1 các tỉnh, các doanh nghiệp có năng lực tham gia chuỗi cấp 2 và các trại giống liên kết sản xuất, cung cấp cá tra bột cho vùng ương. Cấp 2 không nhất thiết tỉnh nào cũng có không đầu tư dàn trải.

Cấp 3: Xã hội hóa (trung tâm gống, các doanh nghiệp) vùng ương giống tập trung sản xuất, cung cấp cá tra giống cho nuôi thương phẩm theo liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ với sự tham gia của doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu làm hạt nhân của chuỗi liên kết. Vùng ương giống được doanh nghiệp sản xuất thức ăn đầu tư; đồng thời, toàn bộ con giống cá tra của chuỗi sản xuất phải được doanh nghiệp bao tiêu theo giá sàn thỏa thuận từng thời điểm thu mua.

Ngành cá tra đang tồn tại nhiều khó khăn, mục đích của Đề án là gì, thưa ông?

Xây dựng Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL tại An Giang” nhằm cung cấp con giống chất lượng cao theo hướng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp từng bước đáp ứng đủ về nhu cầu con giống cá tra có chất lượng tốt cho vùng ĐBSCL, góp phần tái tạo ngành hàng cá tra theo hướng bền vững và hiệu quả.

Lộ trình thực hiện của Đề án sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Đề án đang trong giai đoạn xây dựng. Dự kiến cuối tháng 10/2017, UBND tỉnh An Giang và Bộ NN&PTNT đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn: 2018 - 2020 và 2021 - 2025.

Đến năm 2020: Diện tích tham gia chuỗi là 1.000 ha. Đạt 50% diện tích ương cá tra giống khu vực ĐBSCL (diện tích ương giống toàn vùng đến năm 2020 từ 1.700 ha đến 2.500 ha). Cung cấp khoảng 50% nhu cầu giống cá tra, tương đương 1,75 tỷ cá tra giống cho An Giang và khu vực ĐBSCL (nhu cầu giống cá tra toàn vùng là 3,5 tỷ cá tra giống).

Đến năm 2025: Cung cấp khoảng 70% nhu cầu giống cá tra tương đương 2,45 - 2,8 tỷ cá tra giống cung cấp cho An Giang và khu vực ĐBSCL (nhu cầu giống cá tra toàn vùng là 3,5 - 4 tỷ cá tra giống). Chất lượng con giống đảm bảo chất lượng, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh, chất lượng phù hợp theo TCVN 9963: 2014 Cá nước ngọt - Cá tra - Yêu cầu kỹ thuật.

Toàn bộ con giống cá tra của chuỗi sản xuất phải được doanh nghiệp bao tiêu theo giá sàn thỏa thuận từng thời điểm thu mua. Doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết 3 cấp ít nhất 4 - 6 doanh nghiệp (cả hai giai đoạn 2018 - 2020 và 2021 - 2025).

Khi Đề án đi vào thực hiện, theo ông nó có ý nghĩa gì?

Khi Đề án đi vào thực hiện, chuỗi ngành cá tra Việt nam sẽ được kiểm soát chặt chẽ một cách bài bản từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng trong chuỗi sản xuất cá tra Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!


Có thể bạn quan tâm

ecuador-bi-quyet-nuoi-tom-thanh-cong Ecuador: Bí quyết nuôi tôm… tap-trung-khai-thac-the-manh-con-tom Tập trung khai thác thế…