Tin nông nghiệp Sản xuất lúa 2 vụ để chạy mặn

Sản xuất lúa 2 vụ để chạy mặn

Tác giả P. Bình - C.Trúc, ngày đăng 30/09/2016

Trong ảnh: Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mã Phương

Sáng 29-9-2016, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm việc với tỉnh về công tác phòng, chống hạn mặn mùa khô năm 2017. Ông Võ Văn Ngân - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tiếp và làm việc với đoàn.

Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết, Bến Tre đã điều chỉnh mùa vụ sản xuất lúa chỉ còn 2 vụ Đông Xuân sớm và Hè Thu muộn. Đến thời điểm này, khoảng 50% lúa Hè Thu đã thu hoạch với năng suất khá cao. Nông dân đang chuẩn bị cải tạo đất để xuống giống vụ Đông Xuân sớm. Riêng vụ lúa mùa luân canh trong ao tôm hơn 5.000ha tại huyện Thạnh Phú đã xuống giống và hiện phát triển khá tốt.

Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập - đại diện đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đánh giá cao việc Bến Tre cơ cấu lại mùa vụ sản xuất lúa 2 vụ để “chạy” mặn như hiện nay là rất hợp lý. Tuy nhiên, do các diện tích lúa của tỉnh manh mún và rải rác ở những điều kiện tự nhiên khác nhau nên ông Khanh yêu cầu ngành nông nghiệp phải nghiên cứu khoanh vùng hợp lý để khuyến cáo cho nông dân về lịch thời vụ. Ông Khanh cũng đề nghị Sở cần lưu ý chỉ sử dụng một vài chủng loại giống lúa đã được khuyến cáo về mặt khoa học. Bên cạnh đó, cần sớm có giải pháp để đề phòng thiệt hại đối với vườn cây giống. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Cũng theo ông Khanh, các đơn vị quản lý chuyên về thủy lợi cần tính toán kỹ phương án đắp đập tạm ngăn mặn nếu xâm nhập mặn lại gay gắt như năm 2016. Vấn đề cung cấp nước sinh hoạt cho người dân mùa khô cần thống kê cụ thể về cách thức thực hiện, về chi phí cần sử dụng… chỉ có từ kế hoạch cụ thể như vậy mới có thể kiến nghị về kinh phí với Trung ương. Mọi vấn đề cần chi tiết và chủ động, bởi năm nay sẽ không thể cho rằng “mặn bất ngờ”.

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Ngân đề nghị đoàn báo cáo sớm tình hình phòng, chống hạn mặn mùa khô năm 2017 của Bến Tre đến lãnh đạo Bộ NN&PTNT để có những giải pháp hỗ trợ tỉnh kịp thời hơn nữa.

l Ngày 28-9-2016, Sở NN&PTNT đã có báo cáo về kết quả khắc phục thiệt hại sản xuất lúa do sử dụng phân bón LioThai trên địa bàn tỉnh. Sau khi nắm tình hình thiệt hại do sử dụng phân bón LioThai, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật phối hợp với các phòng NN&PTNT huyện kiểm tra thực tế và tổng hợp số liệu thiệt hại. Cụ thể, tại huyện Ba Tri có 90 hộ thuộc 5 xã Bảo Thạnh, An Bình Tây, Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh và An Ngãi Trung bị thiệt hại. Diện tích bị thiệt hại 100% có 21,45ha, thiệt hại 60 - 80% có trên 30ha.

Riêng tại huyện Thạnh Phú, theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện, có 16 hộ dân bị thiệt hại từ 50 - 60% do sử dụng phân LioThai với diện tích 15,8ha ở xã Mỹ Hưng và thị trấn Thạnh Phú. Qua xác minh thực tế, các hộ bị thiệt hại không có chứng cứ của việc bón phân LioThai cho lúa mà chỉ nghe cán bộ hội nông dân xã thông báo rồi đến đăng ký.

Công ty TNHH phân bón hữu cơ Green Field tổ chức trao bảo hiểm cho các hộ dân bị thiệt hại ở huyện Ba Tri có sử dụng phân bón LioThai với tổng số tiền gần 565 triệu đồng.

Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã mời các đơn vị liên quan họp góp ý, tìm nguyên nhân lúa chết và rà soát lại trên toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã gửi mẫu để phân tích kiểm tra một số chất như hàm lượng hữu cơ, đạm, kali, cadimi, xyanua. Kết quả kiểm tra cho thấy bình thường, không xác định được nguyên nhân lúa chết.


Có thể bạn quan tâm

doanh-nghiep-phan-bon-chiu-1-co-2-trong Doanh nghiệp phân bón chịu… nong-dan-trong-thanh-tra-dieu-dung-vi-nhen-do-va-nang-nong Nông dân trồng thanh trà…