Sinh viên/Thực tập Sản Xuất Lươn Giống

Sản Xuất Lươn Giống

Ngày đăng 16/12/2011

Trước đây nguồn lươn giống tự nhiên tương đối nhiều, nhưng do đánh bắt chưa đi đôi với bảo vệ, môi trường thay đổi,... nên gần đây nguồn lươn giống càng cạn kiệt. Bởi vậy, muốn có đủ lươn giống, phải chủ động vừa lấy giống ngoài thiên nhiên vừa cho lươn đẻ nhân tạo.

Lấy trứng, lươn con về ương nuôi

Hàng năm cứ đến mùa lươn đẻ, nhìn kỹ ở mép bờ, bờ ao, bờ mương thấy ở các khe hở có các khối bọt trắng, đối diện là các lỗ hút (thường ở ruộng lúa, nơi con lươn đực gác bảo vệ), để phát hiện lươn con.

Dùng vợt xúc lươn con đem về thả vào các khay men, chậu nhựa, cho ăn bằng lòng đỏ trứng luộc chín và giun đỏ.

Ở miền Nam nước ta vào đầu mùa mưa khi nước sông Cửu Long đổ về, lươn con thường nằm ở các đám cỏ, bèo tây trôi theo dọc dòng sông ở các hồ, đầm, kênh... dùng vợt, rổ, xúc về nuôi.

Vớt trứng về ấp

Từ các khối bọt trắng biểu hiện lỗ đẻ của lươn, chúng ta có thể dùng gáo, vợt có mắt lưới dầy để vớt các ổ trứng cho vào thùng có sẵn nước đưa về bể ấp. Khi nhiệt độ nước 25-30oC, sau một tuần trứng nở thành lươn con, vớt lươn con ra ương ở ao, thức ăn là giun, dòi, ốc băm nhỏ.

Nếu được chăm sóc tốt, nuôi đến cuối năm có thể đạt cỡ 20 g/con.

Nuôi lươn cho đẻ ở bể xây

Tại Trạm Nghiên cứu cá nước ngọt Đình Bảng Tiên Sơn (Hà Bắc), đã nuôi thử lươn cho đẻ.
Xây bể (hình 2)

Cần tạo điều kiện môi trường sống của lươn gần với điều kiện sinh sản ở ngoài thiên nhiên.

Xây bể bằng gạch trát xi măng.

Diện tích: 3 m2.

Chiều cao 1,4 m, chiều rộng 1,5 m, dài 2 m.

Đáy bể cho một lớp bùn dầy (D) để lươn tránh nóng, tránh rét.

(A)  khoảng 1/3 thể tích của bể cho đất pha sét, dày 60 cm.
(B)  lớp đất thịt dầy 20 cm làm bờ trồng vài cây khoai nước, nơi lươn đẻ.
(C)  lớp nước bể sâu khoảng 40-50 cm, trên mặt thả ít bèo tây.

Giữa bể có cũi làm bằng tre có thả phên tre kéo lên xuống, nơi cho lươn ăn để dễ kiểm tra.
Thả 20 con lươn cỡ 30-40 cm đang mùa lươn đẻ.

Cho ăn: ngày 2 lần.

Thức ăn bằng động vật như: ốc sên, cá băm nhỏ, dòi. Thức ăn bằng thực vật như: rau muống, bèo tấm ủ chua trộn với cám, bã đậu.

Mỗi lần cho ăn khoảng 100-300 g, nhận thấy lươn ăn ít các thức ăn bằng thực vật.
Mỗi tuần thay nước một lần.

Sau 30 ngày nuôi thấy 4 tổ lươn đẻ (hiện tượng nổi bọt ở gốc cây khoai lang). Sau 1 tháng bắt được 300 lươn con, cỡ 8-12 cm bám ở rễ bèo Nhật Bản.

Sau 2 tháng nuôi lươn thịt với mật độ 30 con/m3 (cỡ 20-30 cm), trọng lượng lươn tăng 50% so với lúc thả.


Có thể bạn quan tâm

cho-luon-de-bang-phuong-phap-nhan-tao-o-trung-quoc Cho Lươn Đẻ Bằng Phương… nuoi-luon-trong-ruong-lua Nuôi Lươn Trong Ruộng Lúa